Quản lý và xây dựng đô thị theo hướng tăng trưởng xanh

28/03/2022 4:53 PM

(Chinhphu.vn) - Để xây dựng đô thị tăng trưởng xanh trong giai đoạn 2021-2025, Hà Nội đang đẩy mạnh công tác quy hoạch, tạo tiền đề cho công tác quản lý đất đai, đầu tư, xây dựng, phát triển đô thị theo quy hoạch; quản lý, sử dụng hiệu quả các nguồn tài nguyên; gìn giữ và bảo vệ môi trường xanh, sạch, đẹp…

Quản lý và xây dựng đô thị theo hướng tăng trưởng xanh - Ảnh 1.

Hà Nội đặt nhiệm vụ xây dựng đô thị theo hướng tăng trưởng xanh. Ảnh: VGP/Hòa An

Phát triển đô thị theo các nhóm chỉ tiêu tăng trưởng xanh

Phát triển đô thị theo hướng tăng trưởng xanh là giải pháp chiến lược nhằm mục tiêu phát triển bền vững và được nhiều nước trên thế giới thực hiện. Phát triển nhanh và bền vững Thủ đô theo hướng đô thị xanh, thành phố thông minh và hiện đại cũng là một nhiệm vụ trọng tâm của Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII của TP. Hà Nội.

Về hiện trạng phát triển đô thị theo các nhóm chỉ tiêu, theo Sở Xây dựng Hà Nội, đối với tỷ lệ dân số đô thị được cung cấp nước sạch, hệ thống cấp nước khu vực đô thị Hà Nội hiện nay có tổng công suất khai thác trên 1,2 triệu m3/ngày.

Với 100% dân số đô thị được cung cấp nước sạch, chỉ số này cho thấy hằng năm toàn bộ dân cư của Hà Nội đã được tiếp cận nguồn nước sạch được cung cấp từ nhà máy nước. Việc đầu tư xây dựng công trình cấp nước tập trung và xây dựng mạng cấp nước mới từ hệ thống cấp nước trong giai đoạn 2015 - 2020 luôn được quan tâm triển khai hiệu quả, qua đó người dân luôn được thụ hưởng dịch vụ nước sạch đáp ứng nhu cầu sinh hoạt và sản xuất.

Đối với tỷ tệ thất thoát nước sạch, đến cuối năm 2021, hệ thống cấp nước nông thôn hiện nay có khả năng cung cấp được cho khoảng 3,6 triệu người (tương đương khoảng 80%) người dân nông thôn được tiếp cận nguồn nước sạch. Tỷ lệ thất thoát nước sạch ở thành phố Hà Nội hằng nằm (từ 18% - 22%) và cả giai đoạn với tỷ lệ 19,47% đều trong ngưỡng tiêu chuẩn cho phép (quy định đối với đô thị trực thuộc Trung ương tỷ lệ thất thoát cho phép.

Với chỉ tiêu diện tích đất cây xanh công cộng bình quân đầu người khu vực nội thành, nội thị, giai đoạn 2016 - 2020, toàn Thành phố đã trồng được trên 1,6 triệu cây đô thị, cây bóng mát, cây lấy gỗ các loại đạt 109,6% kế hoạch nhiệm vụ giao. Việc trồng, chăm sóc và phát triển hệ thống cây xanh đô thị trong thời gian qua đã có những chuyển biến tích cực, số lượng cây xanh đô thị, cây trang trí trồng mới tăng nhanh và chất lượng hơn so với các giai đoạn trước đây.

Về tỷ lệ chất thải rắn được thu gom, vận chuyển và xử lý đạt tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, Hà Nội có 17 bãi thải được quy hoạch, hiện có 08 khu hiện hữu đã và đang được nâng cấp, mở rộng và 04 khu đã và đang được đầu tư xây dựng mới. Thực hiện 02 Nhà máy xử lý rác thải bằng công nghệ hiện đại có tính khả thi cao hiện nay là: Nhà máy điện rác Sóc Sơn công suất 4.000 tấn/ngày tại khu Liên hợp xử lý chất thải Nam Sơn và nhà máy điện rác Seraphin công suất 1.500 tấn/ngày tại khu xử lý chất thaỉ rắn Xuân Sơn.

Tỷ lệ thu gom rác bình quân giai đoạn 2015 - 2020 tại khu vực đô thị đạt trên 97,6%, xử lý bằng phương pháp chôn lấp và đốt rác. Tuy nhiên nếu đánh giá các biện pháp xử lý CTR đạt tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật, thì tỷ lệ khá thấp do phần lớn sử dụng biện pháp chôn lấp đơn giản. Bãi chôn lấp chính hiện nằm ở Sóc Sơn, Sơn Tây, nhưng hiện đang quá tải. Bãi chôn lấp rác cũng có ảnh hưởng ít nhiều tới môi trường khu dân cư. Thành phố đã kịp thời có chính sách hỗ trợ cho người dân gần khu vực gần khu chôn lấp rác hạn chế thấp nhất bị tác động bởi ô nhiễm.

Còn nhiều hạn chế tồn tại trong các chỉ tiêu tăng trưởng xanh

Dù các nhóm chỉ tiêu tăng trưởng xanh đang được cải thiện nhưng theo Sở Xây dựng Hà Nội, còn nhiều hạn chế tồn tại trong các chỉ tiêu tăng trưởng. Như nguồn lực tài chính cho đầu tư nâng cấp, xây dựng mới hạ tầng cấp nước sạch còn hạn chế; trang thiết bị hệ thống cấp nước sạch chưa được đầu tư công nghệ hiện đại...

Thành phố còn thiếu cơ chế, chính sách cụ thể, phù hợp để tạo động lực thúc đẩy, khuyến khích các thành phần kinh tế và nhân dân tham gia phát triển hệ thống cây xanh đô thị. Do đó, trong thời gian tới cần tiếp tục huy động mọi nguồn lực trong và ngoài nước đầu tư, đóng góp tham gia cải tạo, phát triển hệ thống cây xanh đô thị trên địa bàn.

Ngoài ra, quỹ đất dành cho tăng tỷ lệ diện tích cây xanh còn hạn chế. Các công viên, vườn hoa được quản lý hiện nay là những công trình đã hình thành từ lâu, trải qua nhiều thời kỳ phát triển của thành phố; tập trung chủ yếu trên địa bàn các quận nội thành (4 quận nội thành cũ), với kiến trúc cảnh quan, hạ tầng kỹ thuật ở mức khá và trung bình.

Với hệ thống xử lý rác thải, hoạt động phân loại rác tại nguồn của thành phố vẫn chưa được triển khai đồng bộ. Khối lượng thu gom, tái chế trên địa bàn thành phố là hoàn toàn tự phát. Tiến độ xây dựng của các nhà máy điện rác và các khu xử lý chất thải trên địa bàn thành phố còn chậm. Gặp khó khăn trong lựa chọn nhà đầu tư, thiếu quy định đối với hợp đồng xử lý chất thải với nhà đầu tư…

Lồng ghép tăng trưởng xanh vào quy hoạch phát triển kinh tế-xã hội

Để nâng cao hiệu quả thực hiện các chỉ tiêu xây dựng đô thị tăng trưởng xanh trong giai đoạn 2021-2025, Sở Xây dựng đã đề xuất Thành phố tập trung đẩy mạnh công tác quy hoạch, tạo tiền đề cho công tác quản lý đất đai, đầu tư, xây dựng, phát triển đô thị theo quy hoạch. Hoàn chỉnh đồng bộ các quy hoạch phân khu sông Hồng, sông Đuống; quy hoạch phân khu các đô thị vệ tinh; rà soát, lập, phê duyệt các quy hoạch chi tiết, thiết kế đô thị các khu vực quan trọng như khu vực nội đô lịch sử, khu vực hai bên sông Hồng...

Thành phố cần xây dựng, hoàn thiện hệ thống cơ chế, chính sách và các công cụ phục vụ công tác lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch và quản lý xây dựng theo quy hoạch. Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian giải quyết từ khâu thẩm định, trình duyệt quy hoạch, chuẩn bị đầu tư dự án. Lập quy hoạch sử dụng đất, bảo vệ môi trường, lồng ghép tăng trưởng xanh, biến đổi khí hậu vào quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội.

Các nhiệm vụ hành động ưu tiên thực hiện mục tiêu xây dựng đô thị tăng trưởng xanh cho giai đoạn 2021 - 2025 được Sở Xây dựng đề xuất tập trung vào rà soát, điều chỉnh quy hoạch đô thị và chương trình phát triển đô thị theo hướng tăng trưởng xanh và ứng phó với biến đổi khí hậu, gồm các hành động ưu tiên: Đánh giá thực trạng phát triển đô thị theo hướng tăng trưởng xanh; rà soát, điều chỉnh quy hoạch đô thị, quy hoạch giao thông đô thị, các chương trình phát triển đô thị, lồng ghép mục tiêu phát triển đô thị tăng trưởng xanh; rà soát, điều chỉnh các định hướng, chiến lược và quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch ngành, lĩnh vực có lồng ghép mục tiêu tăng trưởng xanh, ứng phó biến đổi khí hậu.

Ngoài ra, cần huy động nguồn lực, ứng dụng khoa học công nghệ và đầu tư xây dựng phát triển đô thị tăng trưởng xanh, gồm các hành động ưu tiên: Đầu tư phát triển đô thị theo các chương trình mục tiêu, nâng cao hiệu quả kết nối đô thị - nông thôn; đầu tư hạ tầng kỹ thuật giao thông xanh, xử lý rác thải, nước thải đô thị; đầu tư xây dựng, cải tạo các khu dân cư thu nhập thấp; xây dựng kế hoạch và đầu tư xây dựng không gian công cộng đô thị, xanh hóa cảnh quan đô thị; xây dựng kế hoạch ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ công trình xanh vào quá trình quy hoạch, thiết kế, thi công công trình.

Để quản lý phát triển đô thị tăng trưởng xanh, cần các hành động ưu tiên: Hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật và ban hành cơ chế chính sách thúc đẩy phát triển đô thị tăng trưởng xanh, ứng phó biến đổi khí hậu; Kiểm tra đánh giá việc thực hiện phát triển đô thị tăng trưởng xanh; tuyên truyền, phổ biến nâng cao nhận thức về phát triển đô thị tăng trưởng xanh; đẩy mạnh trao đổi kinh nghiệm, kết nối mạng lưới, đối thoại chính sách và đào tạo, phát triển nguồn nhân lực phục vụ phát triển đô thị.

Hòa An

Top