Quận Nam Từ Liêm: Tăng tốc giải ngân đầu tư công, đẩy mạnh giải phóng mặt bằng
(Chinhphu.vn) - Bước vào giai đoạn cuối năm, các đơn vị, địa phương của thành phố Hà Nội đang tiếp tục tăng cường các biện pháp thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, tạo động lực cho nền kinh tế Thủ đô phát triển.
Quận Nam Từ Liêm phấn đấu hoàn thành các mục tiêu đã đề ra
Điển hình, tại quận Nam Từ Liêm tính đến hết tháng 11/2024, giá trị sản xuất chung các ngành trên địa bàn quận Nam Từ Liêm ước đạt 90.127 tỉ đồng, tăng 14,6% so với cùng kỳ năm trước. Thu ngân sách quận đạt 10.673 tỉ đồng, vượt 26% so với dự toán. Nhiều dự án quan trọng cũng đang được triển khai đúng tiến độ. Điển hình, Đề án Tuyến phố đi bộ - Chợ đêm tại khu Trần Văn Lai dự kiến sẽ đi vào hoạt động năm 2025, hứa hẹn trở thành điểm nhấn văn hóa, du lịch mới của quận.
Ngoài ra, ba chợ dân sinh tại các phường Phú Đô, Xuân Phương và Tây Mỗ đã được sắp xếp và đưa vào vận hành, cải thiện điều kiện sinh hoạt của người dân và thúc đẩy giao thương.
Về giải ngân vốn đầu tư xây dựng cơ bản, tính đến ngày 21/11/2024, tổng vốn đã giải ngân đạt 364,92 tỉ đồng, tương ứng 63% kế hoạch vốn Thành phố giao. Tuy nhiên, tỉ lệ giải ngân so với kế hoạch vốn điều chỉnh bổ sung mới đạt 33%. Dự kiến đến hết tháng 1/2025, tỉ lệ giải ngân đạt 98,2%, tương đương 1.052 tỉ đồng.
Nguyên nhân chính của việc chậm tiến độ giải ngân là các vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng. Những khó khăn chính bao gồm việc xác định nguồn gốc đất, giá đất, quỹ nhà tái định cư và sự chưa đồng thuận từ phía người dân về phương án bồi thường. Ngoài ra, các thủ tục đầu tư như điều chỉnh quy hoạch, chỉ giới đường đỏ cũng mất nhiều thời gian, gây ảnh hưởng không nhỏ đến tiến độ chung.
Năm 2024, UBND quận Nam Từ Liêm đã xác định 46 dự án nằm trong kế hoạch giải phóng mặt bằng, bao gồm 35 dự án sử dụng nguồn vốn ngân sách và 11 dự án chuyển tiếp từ năm 2023. Trong số này, ba dự án đã cơ bản hoàn thành, nhưng phần lớn các dự án vẫn đang trong quá trình tháo gỡ khó khăn. Đáng chú ý, Thành phố đã phê duyệt danh mục 131 dự án sử dụng đất của quận, với tổng diện tích lên tới 713,55 ha.
Để hoàn thành các mục tiêu đã đề ra, đặc biệt trong công tác giải ngân đầu tư công, đẩy mạnh giải phóng mặt bằng, Bí thư Quận ủy Nam Từ Liêm Nguyễn Quang Hiếu đề nghị các đơn vị cần tập trung khẩn trương hoàn thiện các thủ tục liên quan, xác định giá đất cụ thể để làm căn cứ lập phương án bồi thường, hỗ trợ tái định cư.
Bên cạnh đó, Bí thư Quận ủy Nam Từ Liêm yêu cầu các đơn vị tập trung đẩy nhanh tiến độ các dự án trọng điểm như giao thông, trường học, nhà văn hóa và hạ tầng khung. Quận cần quản lý chặt chẽ quy hoạch đô thị gắn với phát triển kinh tế, xử lý nghiêm các vi phạm về đất công, đất nông nghiệp, đồng thời tổ chức kiểm kê và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho người dân. Công tác phân loại rác thải tại nguồn, hiện đang thí điểm tại Phú Đô và Cầu Diễn, cũng cần được triển khai hiệu quả để bảo vệ môi trường.
Ngoài ra, việc đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án chuyển tiếp, đặc biệt là các tuyến đường giao thông, được xác định là ưu tiên hàng đầu. Bí thư quận Nam Từ Liêm Nguyễn Quang Hiếu nhấn mạnh rằng, việc giải phóng mặt bằng các dự án cần được tiến hành quyết liệt hơn, đảm bảo bàn giao mặt bằng đúng tiến độ để thi công và hoàn thiện. Quận cũng cần tập trung tạo quỹ đất sạch, phục vụ đấu giá quyền sử dụng đất, tăng thu ngân sách và tạo nguồn lực cho các dự án phát triển kinh tế - xã hội khác.
Hà Nội triển khai quyết liệt nhiều biện pháp đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công
Việc thực hiện có hiệu quả giải ngân vốn đầu tư công từ đầu năm đến nay đã đóng góp tích cực cho các hoạt động phát triển kinh tế trên địa bàn thành phố Hà Nội.
Trong 10 tháng năm 2024, chỉ số sản xuất công nghiệp trên địa bàn Thủ đô tăng 5,6% so với cùng kỳ năm 2023. Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa 10 tháng của thành phố đạt 15,5 tỉ USD, tăng 12,3% so với cùng kỳ năm trước. Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn 10 tháng năm 2024 ước đạt 425,2 nghìn tỉ đồng, đạt 104,1% dự toán năm và tăng 21,8% so với cùng kỳ năm 2023.
Thành phố Hà Nội tiếp tục triển khai quyết liệt nhiều biện pháp đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công và thu hút các nguồn vốn ngoài nhà nước cho đầu tư phát triển.
Tuy nhiên, việc triển khai giải ngân vốn đầu tư công tại nhiều đơn vị còn chậm, chưa bảo đảm kế hoạch do nhiều nguyên nhân, trong đó có vướng mắc về giải phóng mặt bằng, khó khăn trong xác định mức giá đền bù, hạn chế về năng lực của nhà thầu... Điều này gây ảnh hưởng không nhỏ đến kết quả chung của toàn thành phố.
Theo báo cáo của các đơn vị đến thời điểm ngày 15/11, 174 dự án (101 dự án cấp thành phố, 73 dự án ngân sách thành phố hỗ trợ) được bố trí kế hoạch vốn năm 2024 gặp khó khăn, vướng mắc, trong đó nhiều dự án vướng mắc về giải phóng mặt bằng.
Trong số 101 dự án cấp thành phố, 77 dự án vướng mắc về giải phóng mặt bằng. Dự kiến 42/77 dự án không giải ngân hết số vốn là 2.840 tỉ đồng. Đối với các dự án sử dụng ngân sách thành phố hỗ trợ, cả 73 dự án báo cáo khó khăn, vướng mắc về GPMB. Dự kiến 17/73 dự án không giải ngân hết số vốn là 173 tỉ đồng.
Trước thực trạng đó, Chủ tịch UBND Thành phố Trần Sỹ Thanh đã ký ban hành Công văn số 3929/UBND-KTTH về việc đôn đốc đẩy nhanh tiến độ thực hiện giải ngân Kế hoạch đầu tư công năm 2024.
Theo đó, UBND Thành phố yêu cầu các đơn vị đã giải ngân tốt tiếp tục duy trì, phát huy và nâng cao hiệu quả thực hiện, các đơn vị giải ngân chậm khẩn trương rà soát, khắc phục ngay các tồn tại, khó khăn, vướng mắc, thực hiện các biện pháp đẩy nhanh tiến độ thực hiện, hoàn thành nhiệm vụ giải ngân vốn đầu tư công năm 2024.
Từng chủ đầu tư nỗ lực, quyết tâm cho việc giải ngân kế hoạch vốn cuối năm; khắc phục khó khăn, vướng mắc (hiện chủ yếu là giải phóng mặt bằng); tập trung vào các dự án dự kiến không giải ngân hết 100% kế hoạch vốn được giao, các dự án sử dụng vốn ngân sách trung ương, các dự án lớn, các dự án thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia.
Chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ phê duyệt thiết kế thi công - dự toán, tổ chức đấu thầu, khởi công để đẩy nhanh tiến độ dự án, giải ngân kế hoạch vốn đã giao.
Bên cạnh đó, UBND Thành phố cũng yêu cầu, Sở ngành liên quan tập trung giải quyết, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong giải phóng mặt bằng, đánh giá tác động môi trường của các dự án (gồm cả các dự án cấp thành phố và các dự án cấp huyện) theo thẩm quyền; hướng dẫn các chủ đầu tư, UBND cấp huyện thực hiện các thủ tục liên quan đến xác định giá đất tái định cư, đánh giá tác động môi trường, giải quyết các khó khăn về giải phóng mặt bằng, phương án tái định cư…; tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về quỹ nhà tái định cư; kịp thời cập nhật, điều chỉnh công bố giá vật liệu xây dựng, chỉ số giá xây dựng phù hợp với mặt bằng giá thị trường…
Các quận, huyện, thị xã tập trung giải ngân hết kế hoạch vốn được giao, đặc biệt là các dự án cấp thành phố giao cho quận, huyện làm chủ đầu tư hiện tỷ lệ giải ngân còn chậm, dự kiến một số dự án sẽ không giải ngân hết hoạch vốn được giao.
Thùy Chi