Quan tâm bảo đảm an toàn vệ sinh lao động trong đại dịch
(Chinhphu.vn) - Triển khai công tác an toàn, vệ sinh lao động trong bối cảnh cả nước nói chung và Hà Nội nói riêng chịu ảnh hưởng tiêu cực của dịch bệnh COVID-19, Hà Nội vẫn nỗ lực thực hiện "nhiệm vụ kép" vừa phòng, chống dịch bệnh, vừa phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội, an toàn vệ sinh lao động trên địa bàn.
Theo Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội, thời gian qua, do dịch bệnh COVID-19, số công nhân viên chức lao động trên địa bàn Hà Nội bị nhiễm bệnh (F0) tăng cao, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và đời sống, việc làm của người lao động.
Trước thực tế trên, Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Thành phố đã yêu cầu các cấp Công đoàn tiếp tục quan tâm, tổ chức chăm lo, hỗ trợ đoàn viên, người lao động khó khăn do dịch bệnh COVID-19, người lao động bị bệnh hiểm nghèo, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp theo quy định của Tổng LĐLĐ Việt Nam và LĐLĐ Thành phố, đặc biệt vào dịp Tháng Công nhân và Tháng hành động về An toàn, vệ sinh lao động năm 2022.
LĐLĐ thành phố Hà Nội cũng cho biết, năm 2022 Công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở tổ chức kiểm tra ít nhất 700 doanh nghiệp về việc chấp hành các quy định liên quan đến người lao động. LĐLĐ Thành phố đặt chỉ tiêu phối hợp với các ngành: Lao động, Thương binh và Xã hội, Công an, Y tế để thanh, kiểm tra ít nhất 50 doanh nghiệp.
LĐLĐ các quận, huyện, thị xã, Công đoàn ngành, Công đoàn cấp trên cơ sở phối hợp với chính quyền cùng cấp kiểm tra ít nhất 450 doanh nghiệp về thực hiện pháp luật an toàn vệ sinh lao động - phòng, chống cháy nổ.
100% công nhân viên chức lao động bị tai nạn lao động nặng, bệnh nghề nghiệp được các cấp Công đoàn động viên, thăm hỏi, trợ cấp. 100% mạng lưới an toàn vệ sinh viên cơ sở được tập huấn nghiệp vụ và xây dựng được quy chế hoạt động.
Theo Phó Chủ tịch LĐLĐ thành phố Hà Nội Lê Đình Hùng cho biết, mục tiêu của tổ chức Công đoàn Thủ đô là tổ chức có hiệu quả các hoạt động chăm lo đời sống, việc làm cho đoàn viên, người lao động theo hướng thiết thực; đặc biệt quan tâm đến đối tượng là công nhân lao động trực tiếp có hoàn cảnh khó khăn, bị bệnh hiểm nghèo, tai nạn lao động; đoàn viên, người lao động bị ảnh hưởng do dịch COVID-19.
Đồng thời, tổ chức Công đoàn thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ được giao trong thực hiện an toàn vệ sinh lao động nhằm cải thiện điều kiện làm việc, hạn chế tới mức thấp nhất các vụ tai nạn lao động - bệnh nghề nghiệp, cháy nổ trên địa bàn, bảo vệ tính mạng và sức khoẻ cho người lao động.
Năm 2021, do tình hình diễn biến phức tạp của dịch bệnh COVID-19, UBND TP. Hà Nội đã chỉ đạo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp các Sở, ban, ngành; UBND quận, huyện thị xã, ban quản lý các khu Công nghiệp và Chế xuất tăng cường tuyên truyền mục đích, ý nghĩa của Tháng hành động về An toàn vệ sinh lao động.
Theo Sở Lao động Thương binh và xã hội Hà Nội, năm 2021, trên địa bàn thành phố Hà Nội đã có 91.495 cán bộ quản lý, công nhân, người lao động được tập huấn, huấn luyện về công tác an toàn, vệ sinh lao động và 11.220 thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động được kiểm định kỹ thuật an toàn. Tiếp nhận khai báo 3.842 máy, thiết bị cho 576 đơn vị, doanh nghiệp có sử dụng các máy, thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động. Tiếp nhận đăng ký chất lượng sản phẩm hàng hóa nhập khẩu cho 1.125 lượt đơn vị với 197.268 thiết bị thuộc danh mục nhóm 2 thuộc thẩm quyền quản lý nhập khẩu.
Tình hình tai nạn lao động và cháy nổ trên địa bàn Thành phố năm 2021 có chiều hướng giảm các vụ tai nạn lao động đối với các đơn vị, doanh nghiệp trong khu vực có quan hệ lao động và đối người lao động không theo hợp đồng lao động. Các phong trào thi đua "Xanh - sạch - đẹp, bảo đảm an toàn lao động phòng, chống chảy nổ" đã được các đơn vị hưởng ứng; ngày càng có nhiều tập thể và cá nhân làm tốt công tác an toàn, vệ sinh lao động được Thủ tướng Chính phủ, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội và UBND Thành phố ghi nhận, trao nhiều danh hiệu cao quý.
Minh Anh