Quất Động - ‘Cái nôi’ của nghề thêu truyền thống

07/02/2022 8:44 AM

(Chinhphu.vn) - Nghề thêu có ở nhiều nơi, nhưng để đạt đến trình độ tinh xảo, điêu luyện thì không thể không nhắc đến làng nghề thêu Quất Động (Thường Tín, Hà Nội) - ‘cái nôi’ của nghề thêu truyền thống.

(Bài Tết) Quất Động – ‘Cái nôi’ của nghề thêu truyền thống - Ảnh 1.

Nghệ nhân thêu Hoàng Thị Khương bên bức tranh thêu phong cảnh. Ảnh: VGP/Diệu Anh

"Hỡi cô thắt lưng bao xanh

Có về Quất Động với anh thì về

Quất Động làng anh có nghề

Thêu gà thêu vịt, thêu hoa trên cành"

Từ xa xưa, người thợ thêu trong làng luôn tự hào cho rằng, Quất Động là "cái nôi" của nghề thêu, là nơi có những bức tranh thêu làm đẹp cho đời. Và câu ca trên như lời mời, đưa du khách về với làng nghề thêu Quất Động, một làng quê cổ kính, nằm cách trung tâm Hà Nội chừng 27 km về phía Nam.

Có dịp về Quất Động, chúng tôi được tận mắt nhìn thấy vẻ đẹp cổ kính của làng quê Bắc bộ. Dưới cây đa cổ thụ đầu làng là đền thờ thần làng, bên cạnh là đền thờ ông Lê Công Hành, người được tôn vinh là ông tổ nghề thêu Việt Nam. Những câu chuyện về ông cũng được các nghệ nhân nơi đây kể lại. Sau khi đi sứ phương Bắc, ông Lê Công Hành đã mang nghề thêu về truyền dạy cho dân làng mình, là niềm tự hào của người dân Quất Động.

Ông không những truyền nghề cho người dân Quất Động mà còn truyền nghề cho các xã lân cận như xã Thắng Lợi, xã Đông Cứu... Sau này đều dựng chung đền thờ ông ở thôn Hướng Xá, gọi là đền Ngũ Xã. Từ cái nôi làng nghề này, nghề thêu đã phát triển và có mặt khắp nơi trong cả nước, do vậy ông tổ nghề thêu ở làng Quất Động cũng là ông tổ nghề thêu chung của cả nước.

Quất Động đã có nhiều nghệ nhân được cả nước biết tới như cụ Bùi Lê Kính đã từng thêu hoàng phục cho vua Bảo Đại và Hoàng hậu Nam Phương. Trong làng hiện có ông Thái Văn Bôn, người duy nhất trong làng thêu được phong tặng danh hiệu Nghệ nhân Nhân dân. Nghệ nhân Thái Văn Bôn nổi tiếng với các bức thêu chân dung về các nguyên thủ quốc gia. Trong đó bức Chân dung vua Thái Lan được giới yêu thích nghệ thuật thêu quốc tế đánh giá cao.

Hiện nay nhiều cơ sở trong nước đã đầu tư, nhập nhiều máy thêu hiện đại, nhưng sản phẩm máy móc làm ra, không thể đạt được độ tinh xảo, mềm mại như cách làm thủ công. Do đó nghề thêu tay truyền thống của làng nghề Quất Động ngày càng phát triển.

Vươn lên số phận, thoát nghèo nhờ nghề thêu của cha ông

(Bài Tết) Quất Động – ‘Cái nôi’ của nghề thêu truyền thống - Ảnh 2.

Bức tranh thêu về Văn Miếu-Quốc Tử Giám thực sự chinh phục người yêu nghệ thuật. Ảnh: VGP/Diệu Anh

Có dịp được trò chuyện với nghệ nhân thêu Hoàng Thị Khương, một trong những nghệ nhân gắn bó lâu năm với nghề thêu trong làng. Chị Khương chia sẻ, sinh ra và lớn lên trên mảnh đất có nghề thêu truyền thống Quất Động, nhưng chị không may mắn như những đứa trẻ khác, khi mới tròn 3 tháng tuổi chị Khương đã bị một cơn sốt cao hành hạ. Được sự chăm sóc chu đáo của gia đình chị dần hết sốt. Tuy nhiên, niềm vui ấy không được bao lâu khi người mẹ phát hiện đôi chân của đứa con gái nhỏ có những dấu hiệu bất thường, không cử động được. Đôi chân của chị sau nhiều lần châm cứu không thành đã bị tật vĩnh viễn.

Mang trên mình đôi chân tật nguyền, ngày ngày, chị thêu dệt ước mơ con trẻ bên những khung thêu của mẹ. Không khuất phục trước số phận, chị luôn cố gắng vươn lên, vừa học hỏi từ mẹ, vừa tự mày mò những cách thêu mới để có những bức tranh xuất sắc của riêng mình. Chính tình yêu với nghề đã giúp chị vượt qua nhiều khó khăn, mặc cảm của bản thân để tiếp tục với niềm đam mê. Đến nay, 40 năm đã trôi qua, chị Khương vẫn tiếp tục gắn bó với nghề.

Nhờ niềm đam mê với nghề thêu truyền thống của quê hương, người phụ nữ khuyết tật làm việc cần mẫn, đào tạo nghề thêu cho hàng trăm trẻ em và những người khuyết tật, giúp họ thoát nghèo thành công.

Những bức tranh thêu của chị rất đa dạng, phong phú như tranh thêu phong cảnh: Cây đa, bến nước, con thuyền…; các danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử, văn hóa của Việt Nam như Hồ Hoàn Kiếm, chùa Một Cột, Văn Miếu,… Các bức tranh được "dệt" lên từ những đường kim, mũi chỉ đã thực sự chinh phục được những người yêu nghệ thuật, thường được du khách, đặc biệt là khách nước ngoài yêu thích. 

Theo chị Khương, nghề thêu là một nghề thủ công đòi hỏi người thợ phải có đôi bàn tay khéo léo, tài hoa, đôi mắt tinh tường cộng với đức tính cẩn thận, cần mẫn. Để có một bức tranh thêu đẹp, cần hội tụ các yếu tố, đó là tạo hình phải ấn tượng, đường kim mũi chỉ phải mịn màng và đặc biệt, người thêu phải biết tạo "hồn" cho bức tranh thông qua các đường nét và sự sáng tạo độc đáo.

Nhìn những bức tranh thêu đẹp, tinh xảo, cầu kỳ về màu sắc đến từng đường kim, mũi chỉ mà thêm cảm phục những người thợ thêu, những người lưu giữ lịch sử, mang cái đẹp đến cho đời. Và giờ đây Quất Động luôn là một nơi để người ta tìm về với những giá trị của thời gian.

Có thể thấy, trong nền kinh tế thị trường hiện nay, một làng nghề thêu tranh tay như Quất Động phát triển được không phải là chuyện dễ dàng. Nhưng những nghệ nhân nơi đây đã biết cách kết hợp nhuần nhuyễn giữa yếu tố truyền thống với hơi thở thời đại, làm hồi sinh một dòng tranh nổi tiếng, một làng nghề tưởng chừng như chỉ còn trong những câu chuyện huyền thoại.

Giờ đây, người thợ thêu Quất Động nào cũng rất tự hào khi tranh thêu Quất Động đã trở thành nét văn hóa, là món quà cao quý mang hồn sắc của quê hương. Mặc dù, đời sống của người thợ thêu vẫn còn nhiều khó khăn, nhưng họ vẫn đang từng ngày vẽ lên những khúc nhạc thơ tuyệt mỹ, làm sống dậy một nghề truyền thống lâu đời.

Diệu Anh

Top