Quốc Oai phấn đấu có 2 xã về đích nông thôn mới nâng cao

11/05/2021 9:32 AM

(Chinhphu.vn) - Sau 10 năm xây dựng nông thôn mới, diện mạo nông thôn của huyện Quốc Oai đã có nhiều đổi mới và chuyển biến rõ rệt. Đời sống của người dân nông thôn được nâng cao, thu nhập bình quân đầu người năm 2020 đạt 55 triệu đồng (tăng 86,4% so với năm 2015). Huyện phấn đấu đến cuối năm 2021, có 2 xã đạt xã nông thôn mới nâng cao, các xã còn lại mỗi năm tăng từ 1 đến 2 tiêu chí đạt tiêu chí xã nông thôn mới nâng cao.

Huyện Quốc Oai có nhiều vùng chuyên canh nông nghiệp, trong đó có nhãn chín muộn Đại Thành nổi tiếng. Ảnh: Thiện Tâm

Theo Phó Chủ tịch huyện Quốc Oai Phạm Quang Tuấn, năm 2017 toàn huyện có 20/20 xã đạt chuẩn nông thôn mới, chiếm tỷ lệ 100%. Đến năm 2018, huyện Quốc Oai đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn huyện nông thôn mới.

Đời sống của nông dân ngày một nâng cao, tỷ lệ hộ nghèo còn 0,2%, thu nhập bình quân đầu người đạt 55 triệu đồng/năm; giá trị thu nhập bình quân đạt 300 triệu đồng/ha/năm. Bên cạnh đó, công tác thu gom vận chuyển rác thải được thực hiện thường xuyên, các điều kiện phục vụ đời sống nông dân ngày càng được cải thiện. Đặc biệt, huyện thực hiện đầy đủ, kịp thời các chế độ chính sách đối với người có công với cách mạng, đối tượng bảo trợ xã hội và tổ chức hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.

Trên địa bàn huyện chưa có xã nào đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, có 2 xã đăng ký đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao giai đoạn 2021 là xã Phú Cát và Đại Thành. Tuy nhiên, theo đánh giá kết quả thực hiện các tiêu chí xã nông thôn mới nâng cao đến hết quý II/2021 thì chưa xã nào đủ điều kiện đề nghị công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Đối với xã Phú Cát đến nay 12 tiêu chí đã cơ bản hoàn thành (như tiêu chí về thủy lợi, điện, trường học, nhà ở dân cư, tiêu chí thu nhập…); bên cạnh đó còn 7 tiêu chí chưa hoàn thành. Đối với xã Đại Thành hiện đã có 9 tiêu chí cơ bản hoàn thành và 10 tiêu chí chưa hoàn thành.

Về phát triển nông nghiệp, huyện luôn tập trung đẩy mạnh phát huy các thế mạnh của vùng, theo đó đã hình thành nhiều vùng sản xuất nông nghiệp chuyên canh tập trung có hiệu quả kinh tế cao như: Vùng sản xuất lúa chất lượng cao, vùng rau an toàn, vùng chăn nuôi tập trung xa khu dân cư, vùng nuôi trồng thủy sản tập trung… các chuỗi liên kết này đã đem lại hiệu quả thiết thực. Các sản phẩm OCOP đã khẳng định được vị thế và chỗ đứng trên thị trường. Các hợp tác xã nông nghiệp và trang trại, làng nghề có sự tăng trưởng cả về doanh thu, giá trị sản xuất đã và đang ngày càng phát huy vai trò phát triển kinh tế - xã hội, góp phần xây dựng nông thôn mới tại các địa phương. Điển hình như huyện đã duy trì tốt chuỗi sản xuất và cung cấp sản phẩm thịt lợn sinh học Đồng Tâm (do HTX Chăn nuôi và dịch vụ Đồng Tâm thực hiện); quy mô chăn nuôi thường xuyên của chuỗi đạt 2,5 nghìn con thương phẩm/năm; chuỗi sản xuất và tiêu thụ gà đồi Đông Yên với 53 thành viên tham gia, quy mô nuôi gà đẻ trứng chiếm 70%, trong đó chủ yếu là gà Ai Cập và gà siêu trứng và có 30% gà thịt thương phẩm chủ yếu là gà H’mông, gà ri, gà lai mía, trung bình mỗi hộ nuôi từ 2-3 nghìn con.

Bên cạnh việc tăng cường xây dựng chuỗi khép kín, huyện Quốc Oai còn xây dựng các mô hình chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ, lấy các tổ chức nông dân tại các vùng chăn nuôi tập trung, các xã chăn nuôi trọng điểm, các vùng sản xuất cây ăn quả, sản xuất chè, rau tập trung của huyện làm trọng tâm. Từ đó lựa chọn, giới thiệu các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ đầu vào, doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm để tạo thành chuỗi từ chăn nuôi trồng trọt đến tiêu thụ sản phẩm.

“Cũng nhờ vậy mà đời sống vật chất và tinh thần của người dân nông thôn được cải thiện rõ rệt. Hạ tầng nông thôn được cải thiện, công tác y tế, chăm sóc sức khỏe nhân dân ngày càng được nâng cao”- ông Tuấn cho biết.

Tuy nhiên, công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch, quản lý xây dựng, vệ sinh môi trường, xử lý chất thải… vẫn còn hạn chế. Bên cạnh đó nhiều tiêu chí đã đạt chuẩn nông thôn mới thiếu bền vững nếu không có sự chỉ đạo quyết liệt, đồng bộ của cấp ủy, chính quyền các cấp từ huyện đến cơ sở và sự vào cuộc của nhân dân như: Tiêu chí hình thức tổ chức sản xuất, tiêu chí về môi trường và an toàn thực phẩm.

Vì vậy, phấn đấu đến cuối năm 2021, huyện Quốc Oai sẽ phấn đấu có thêm 2 xã đạt xã nông thôn mới nâng cao là Phú Cát và Đại Thành. Các xã còn lại mỗi năm tăng từ 1 đến 2 tiêu chí đạt tiêu chí xã nông thôn mới nâng cao.

Đồng thời hoàn thành công tác lập quy hoạch chi tiết trung tâm xã và điểm dân cư nông thôn. Thu nhập bình quân đầu người năm 2021 đạt 60 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ thất nghiệp lao động nông thôn dưới 0,4%; tỷ lệ thiếu việc làm dưới 5%. Rà soát hộ nghèo và thực hiện các phương án hỗ trợ hộ nghèo, hộ cận nghèo, phấn đấu năm 2021 huyện cơ bản không còn hộ nghèo. Đồng thời tổ chức đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm mới cho khoảng 3 nghìn lao động nông thôn.

Trong 5 năm tới, huyện tập trung phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn theo quy hoạch và theo tiêu chí đô thị. Từng bước đáp ứng yêu cầu sản xuất, nâng cao đời sống của nhân dân cũng như yêu cầu hiện đại hóa và phát triển bền vững nông nghiệp, nông thôn.

Cùng với nâng cao chất lượng đời sống nhân dân, Quốc Oai coi việc đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu gắn với định hướng đô thị là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu, đây cũng là nhiệm vụ thường xuyên, lâu dài và không có điểm kết thúc. Huyện sẽ tập trung huy động tối đa nguồn lực đầu tư phát triển hạ tầng giao thông, nhất là hạ tầng kỹ thuật khung kết nối vùng, trung tâm cụm xã với đô thị sinh thái Quốc Oai.

Trong năm 2021, ngành nông nghiệp của huyện Quốc Oai sẽ phát triển 1.000 ha lúa chất lượng cao. Diện tích trồng lúa bảo đảm áp dụng cơ giới hóa 100% trong khâu làm đất, 80% thu hoạch bằng máy liên hoàn. Bên cạnh đó, xây dựng được một số mô hình sản xuất nông nghiệp hiệu quả, sản phẩm cung ứng đảm bảo chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm để làm điểm trên cơ sở đó hàng năm nhân ra diện rộng. Đẩy mạnh xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường kết nối tiêu thụ đối với sản phẩm chủ lực trên địa bàn.

Thiện Tâm

Top