Quốc Oai: Tận dụng điều kiện tự nhiên để phát triển du lịch

16/07/2018 4:45 PM

(Chinhphu.vn) - Sau 10 năm hợp nhất địa giới hành chính Thủ đô, ngành dịch vụ-thương mại của Quốc Oai phát triển, mở rộng giao thương, tận dụng và phát huy được điều kiện tự nhiên và văn hóa. Ngành dịch vụ-thương mại của Quốc Oai năm 2017 đã tăng gấp 388% so với năm 2008.

Phó Chủ tịch huyện Quốc Oai Nguyễn Đức Phương. Ảnh: Gia Huy

Chia sẻ về việc phát triển du lịch trên địa bàn huyện Quốc Oai sau 10 năm hợp nhất địa giới hành chính Thủ đô, Phó Chủ tịch huyện Nguyễn Đức Phương cho biết, là huyện ngoại thành cách trung tâm không xa và có hệ thống giao thông thuận lợi, Quốc Oai có điều kiện để cung cấp các sản phẩm công nghiệp-tiểu thủ công nghiệp, nông sản, dịch vụ du lịch, thương mại cho nội đô.

Sau 10 năm, tổng giá trị sản xuất ngành dịch vụ-thương mại năm 2017 là trên 2.700 tỷ đồng, gấp 388% so với năm 2008; bình quân tăng trưởng giai đoạn 2008-2018 của dịch vụ-thương mại là 16%.

Theo ông Nguyễn Đức Phương, điều kiện tự nhiên và văn hóa của huyện khá thuận lợi cho việc phát triển du lịch, là địa bàn giao thoa giữa khu vực đồi núi với khu vực đồng bằng nên có cảnh quan đa dạng, với quần thể thắng cảnh núi Thầy, động Hoàng Xá, núi đá ở Phượng Cách, trước đây được mệnh danh là “Thập bát kỳ sơn”, tạo ra cảnh quan thiên nhiên trên địa bàn huyện.

Điều kiện tự nhiên tại Quốc Oai đang được huyện phát huy trong phát triển du lịch là: Chùa Thầy, một trong những di tích lịch sử quan trọng của Hà Nội và của Quốc gia; khu vực đồi núi phía Tây quốc lộ 21A (xã Phú Mãn, Đông Xuân), cảnh quan đầm hồ ở Đông Yên, Hòa Thạch, Phú Cát (phía Đông quốc lộ 21A), cảnh quan vùng bãi khu vực ven sông Đáy, cảnh quan nội đồng… Đây là những khu vực có tiềm năng lớn thuận lợi cho huyện phát triển du lịch sinh thái.

Về định hướng các loại hình du lịch trên địa bàn Quốc Oai, ông Phương cho biết, với du lịch tâm linh, tín ngưỡng, bắt đầu từ năm 2018, lễ hội chùa Thầy được tổ chức thành mùa lễ hội. Huyện chú trọng phục dựng nguyên bản theo sử sách, dân gian các nghi thức tế, rước trong ngày lễ Mục dục (mùng 5/3 âm lịch) và lễ Tạ Thánh (mùng 7/3 âm lịch). Phát huy các giá trị di tích chùa Thầy, Quốc Oai đang xây dựng nơi này thành điểm đến du lịch hấp dẫn; từng bước kết nối chùa Thầy với đình So thuộc xã Cộng Hòa, khu du lịch Tuần Châu, xây dựng khu trải nghiệm nông nghiệp, kết nối với sông Đáy và núi Vua Bà nhằm tạo thành chuỗi du lịch hoàn chỉnh, đồng thời mời các doanh nghiệp lữ hành xây dựng tour du lịch, đưa khách đến với các di tích, thắng cảnh của Quốc Oai.

Khu du lịch Tuần Châu Ecopark đang được hướng đến là trọng điểm thu hút du lịch của Quốc Oai. Ảnh: Gia Huy

Bên cạnh đó, huyện đang đầu tư theo hướng du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, trọng điểm là khu du lịch Tuần Châu Ecopark tại Quốc Oai được đầu tư với diện tích trên 200 ha đang từng bước đi vào hoạt động là tiềm năng mở rộng hoạt động du lịch trên địa bàn bao gồm trung tâm vui chơi giải trí, nghỉ dưỡng thuộc vào loại hiện đại nhất miền Bắc với bãi biển nhân tạo, công viên nước, câu lạc bộ biểu diễn cá heo, sư tử biển...

Hiện nay, Quốc Oai đang khôi phục và phát triển một số mặt hàng thủ công mỹ nghệ, khuyến khích phát triển các làng nghề truyền thống trên địa bàn huyện nhằm phát triển du lịch sinh thái với sản phẩm tiểu thủ công nghiệp - làng nghề. Cụ thể như xây dựng các mô hình tiêu thụ sản phẩm tiểu thủ công nghiệp gắn với du lịch; kết hợp phục vụ dịch vụ văn hóa với việc bán các sản phẩm công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp như: Mộc dân dụng, mây tre giang đan, chế biến nông sản, dệt len, đồ gỗ, làm nón...

Mô hình sản xuất gắn với du lịch cũng đang được xây dựng để tổ chức việc sản xuất như một điểm thăm quan cho khách du lịch, khách vừa tìm hiểu quá trình sản xuất ra sản phẩm vừa trực tiếp mua hàng hoặc đặt hàng tại chỗ theo yêu cầu.

Theo ông Phương, Quốc Oai đang định hướng khôi phục làng nghề theo sản phẩm. Cụ thể như nghề mộc mỹ nghệ gỗ (tranh, tượng, hoa gỗ...) tổ chức khảo sát sưu tầm phát triển các mẫu tranh, tượng, các sản phẩm mỹ nghệ truyền thống. Đảm bảo tốt nguồn nguyên liệu đầu vào thông qua việc đa dạng hóa nguyên liệu, tìm nguyên liệu thay thế để giảm dần tỉ lệ gỗ tự nhiên, xúc tiến quy hoạch trồng gỗ nguyên liệu cho việc phát triển trong tương lai.

Với nghề mây tre giang đan sẽ đẩy mạnh việc phát triển và sử dụng kết hợp nhiều nguồn nguyên liệu khác nhau nhằm đa dạng hóa sản phẩm đẩy nhanh việc xúc tiến, tiếp cận thị trường để tìm kiếm đối tác và đổi mới mẫu mã sản phẩm theo thị hiếu khách hàng. Khuyến khích và tạo điều kiện giúp đỡ các nghệ nhân xây dựng các cơ sở sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ, mây tre giang đan với những sản phẩm truyền thống độc đáo nhằm cung ứng sản phẩm lưu niệm phục vụ cho khách.

Để phát triển Du lịch sinh thái kết hợp với các sản phẩm nông nghiệp, Quốc Oai đã quy hoạch các vùng sản xuất các sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao kết hợp với du lịch. Các dự án đầu tư chuyên về du lịch gắn với sản xuất nông nghiệp sẽ góp phần thực hiện mục tiêu phát triển du lịch sinh thái tại huyện Quốc Oai.

Việc canh tác các sản phẩm nông nghiệp gắn với du lịch được quy hoạch cụ thể và đầu tư sẽ tạo điều kiện thuận lợi để người nông dân yên tâm sản xuất, tăng cường đầu tư, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật một cách đồng bộ vào quy trình canh tác nông nghiệp.

Theo Phó Chủ tịch Quốc Oai Nguyễn Đức Phương, việc xây dựng các mô hình canh tác các sản phẩm nông nghiệp kết hợp với du lịch sinh thái là điều kiện để giới thiệu một cách đầy đủ và thực tế hơn về các sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn huyện cho du khách thập phương, cũng là cơ hội để người nông dân tiếp nhận nhiều ý kiến đóng góp thiết thực của du khách.

Hòa An

Top