Quy hoạch chung Hà Nội: Một đô thị thông minh, hiện đại, có bản sắc
(Chinhphu.vn) - Trong tương lai, Hà Nội phải là một đô thị thông minh, hiện đại, có bản sắc và quan trọng nhất là tạo hiệu ứng lan toả, xứng đáng với vị thế của một thành phố lịch sử. Để làm được điều đó, Hà Nội cần có sự chuyển biến rõ nét và mạnh mẽ hơn ngay từ trong chính khung pháp lý cho riêng đô thị.
Sự cần thiết để điều chỉnh quy hoạch
Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1259/QĐ-TTg ngày 26/7/2011. Sau 10 năm triển khai thực hiện, nhiều đồ án quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết, quy hoạch chuyên ngành được duyệt đã đáp ứng được yêu cầu phục vụ đầu tư xây dựng và quản lý đô thị, tạo đà phát triển kinh tế-xã hội Thủ đô. Diện mạo đô thị Thủ đô đã có nhiều thay đổi, từng bước được hiện đại hóa, vị thế của Thủ đô ngày càng được nâng cao trong phạm vi toàn quốc, khu vực và quốc tế.
Tuy nhiên, quá trình triển khai Quy hoạch này cũng đã bộc lộ những tồn tại, hạn chế như: Đồ án quy hoạch chưa phát huy được vai trò, vị thế, tiềm năng và thế mạnh của Thủ đô Hà Nội trong Vùng Thủ đô; quy mô dân số đã vượt ngưỡng dự báo;
Ngoài ra, tỷ lệ đô thị hóa đạt thấp, chất lượng phát triển đô thị chưa đồng đều dẫn đến những khó khăn trong việc phân bố, điều tiết, quản lý và kiểm soát dân cư; tiến độ triển khai các đô thị vệ tinh theo quy hoạch còn chậm; kết cấu hạ tầng đô thị chưa theo kịp nhu cầu phát triển đô thị, tính đồng bộ chưa cao.
Đặc biệt, một số quy định pháp luật liên quan đến quy hoạch đô thị đã được sửa đổi, ban hành mới; đã có điều chỉnh về chiến lược phát triển kinh tế - xã hội cấp quốc gia, cấp vùng… ảnh hưởng tới tính chất, chức năng, định hướng phát triển Thủ đô.
Sau thời gian rà soát, nghiên cứu hoàn thành, Nhiệm vụ điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065 đã được Phó Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định phê duyệt vào ngày 16/6 vừa qua. Đây là dấu mốc quan trọng thể hiện sự quyết tâm của Chính phủ, thành phố Hà Nội với nhiều yêu cầu đổi mới nhằm đáp ứng các mục tiêu phát triển đô thị bền vững, bảo đảm tầm nhìn chiến lược dài hạn, thực hiện đồng bộ các giải pháp để giải quyết các vấn đề của đô thị như dân số, hạ tầng, nhà ở, môi trường…
Đồng thời cũng là cơ sở để UBND TP. Hà Nội tập trung chỉ đạo triển khai hoàn thành lập Đồ án điều chỉnh quy hoạch chung nhằm hướng đến xây dựng Thủ đô "văn hiến - văn minh - hiện đại", phát triển ngang tầm thủ đô các nước phát triển trong khu vực.
Do vậy, nhiệm vụ điều chỉnh quy hoạch vừa được phê duyệt được coi là dấu mốc quan trọng thể hiện sự quyết tâm của Chính phủ, thành phố Hà Nội với nhiều yêu cầu đổi mới nhằm đáp ứng các mục tiêu phát triển đô thị bền vững, đảm bảo tầm nhìn chiến lược dài hạn, thực hiện đồng bộ các giải pháp để giải quyết các vấn đề của đô thị như dân số, hạ tầng, nhà ở, môi trường…
Mục tiêu của Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065 là phát triển Hà Nội trở thành đô thị hiện đại, thông minh, dẫn dắt và tạo hiệu ứng lan toả, liên kết vùng đô thị; trở thành trung tâm, động lực thúc đẩy phát triển vùng đồng bằng sông Hồng, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước; người dân Hà Nội có mức sống và chất lượng cuộc sống cao.
Hà Nội sẽ thúc đẩy phát triển các đô thị vệ tinh, thành phố trực thuộc; quản lý chặt chẽ phát triển nhà ở cao tầng ở khu vực trung tâm; triển khai đồng bộ các chương trình cải tạo, chỉnh trang, tái thiết đô thị; phát triển không gian ngầm đô thị; xây dựng khu vực nông thôn hài hoà với đô thị, giữ gìn bản sắc văn hoá truyền thống, bảo vệ môi trường cảnh quan, tạo sự bền vững.
Cần có một nền tảng thể chế pháp lý mạnh mẽ
Theo các chuyên gia, để thực hiện được các mục tiêu quan trọng trên, Hà Nội cần có một nền tảng thể chế pháp lý mạnh mẽ và toàn diện hơn trên cơ sở phân cấp, phân quyền và tăng chính sách đặc thù, đột phá cho Hà Nội, đáp ứng yêu cầu phát triển nhanh, bền vững và hội nhập quốc tế sâu rộng, có sức cạnh tranh cao với khu vực và thế giới thay vì chỉ ở quy mô quốc gia như hiện nay. Do đó, Luật Thủ đô (sửa đổi) cho giai đoạn phát triển tiếp theo của Thành phố đặc biệt và các đô thị vệ tinh này.
TS. KTS Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam cho rằng, phát triển và quản lý không gian kiến trúc đô thị, việc sửa đổi, điều chỉnh và cập nhật Luật Thủ đô cần chú ý tạo ra các cơ sở pháp lý mang tính hệ thống hơn để nâng cao chất lượng của công tác quy hoạch;
Đồng thời bảo đảm thực hiện nghiêm kỷ cương quy hoạch và quản lý quy hoạch, đồng thời đẩy mạnh xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ, hướng tới thông minh hóa quá trình phát triển và quản lý đô thị.
"Đây là mô hình chính quyền đô thị đổi mới, thích hợp trong phân công, phân cấp quản lý. Hà Nội cần có mô hình chính quyền thích hợp, đủ năng lực quản lý. Các khu vực thành phố hình thành trong tương lai có vị thế liên kết chặt chẽ với Vùng Thủ đô, vùng Đồng bằng sông Hồng. Do đó, phải nâng tầm vai trò để các thành phố này không chỉ là của Thủ đô, mà còn là đầu mối liên kết với các vùng", TS. KTS Đào Ngọc Nghiêm nhận định.
Theo Chủ tịch Hội Quy hoạch và Phát triển đô thị Việt Nam Trần Ngọc Chính, với vai trò là đô thị đặc biệt, Thủ đô của cả nước, việc rà soát, đánh giá thật cụ thể lại quy hoạch chung đã làm trong 10 năm qua là việc hết sức cần thiết đối với Hà Nội. Để từ đó đưa ra dự báo chiến lược về ngành, kinh tế-xã hội, vừa là định hướng cho quy hoạch xây dựng, phát triển đô thị vừa làm nền tảng tích hợp vào Quy hoạch Thủ đô thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Tuy nhiên, ngoài triển khai định hướng, chương trình mục tiêu, thì cần có cách làm khác với những đô thị khác, đó là cần có tư vấn tốt để có chất lượng quy hoạch tốt. Thành phố nên tổ chức thi, có lựa chọn tư vấn tốt để cùng Thành phố xây dựng ý tưởng quy hoạch, khai thác triệt để về tài nguyên, thiên nhiên, con người, xây dựng Thủ đô xứng tầm là niềm kiêu hãnh của cả nước.
Thành Nam