Quy hoạch hạ tầng xã hội phải tương thích với việc phát triển nhà ở
(Chinhphu.vn)-Sở Xây dựng và Sở QHKT cần phối hợp tốt hơn nữa để tiếp tục nâng cao chất lượng quy hoạch của Thành phố, bảo đảm tính hiện đại, hệ thống, tầm nhìn, bền vững…
Khu đô thị kiểu mẫu Linh Đàm hiện đang quá tải cơ sở hạ tầng xã hội-Ảnh internet |
Quy hoạch Hà Nội có nhiều chuyển biến
Theo báo cáo của Sở QHKT Hà Nội, trong giai đoạn 2011-2016, đã có 26/35 đồ án quy hoạch phân khu và 31/33 đồ án quy hoạch chung được phê duyệt (84% số đồ án toàn Thành phố); 7 đồ án đã hoàn thành thẩm định, đang trong quá trình xem xét để phê duyệt; 4 đồ án đang thực hiện; phê duyệt hơn 500 hồ sơ nhiệm vụ, đồ án quy hoạch chi tiết khu chức năng đô thị hai bên tuyến đường, chỉ giới đường đỏ.
Hiện một số đồ án quy hoạch chi tiết quan trọng đã hoàn thành như Khu trung tâm Tây Hồ Tây; quy hoạch chi tiết hai bên tuyến đường Nhật Tân-Nội Bài; Nhà máy Nước mặt sông Hồng; Bệnh viện Nhi và Bệnh viện Thận Hà Nội; Khu trụ sở các tổng công ty, Khu điều trị bệnh phong và Bệnh viện Nhiệt đới Hà Nội; Dự án Trung tâm triển lãm Quốc tế-Quốc gia..
Cùng với đó, Thành phố đã chỉ đạo các đơn vị khẩn trương thực hiện việc lập 5 đồ án Quy hoạch chuyên ngành hạ tầng kỹ thuật theo nhiệm vụ quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, gồm: Quy hoạch cấp nước, Quy hoạch thoát nước, Quy hoạch nghĩa trang, Quy hoạch xử lý chất thải rắn, Quy hoạch giao thông vận tải thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050. Quy hoạch chung không gian ngầm đô thi trung tâm; Quy hoạch hệ thống gara ngầm trên địa bàn Thành phố đang được nghiên cứu xây dựng.
Cũng theo Sở QHKT, hiện trong khu vực nội đô lịch sử của TP hiện có khoảng 308 công trình cao tầng hiện hữu hoặc đã được cấp phép xây dựng và đang thi công; có khoảng 205 dự án công trình và tổ hợp công trình đang xem xét theo các quy hoạch.
Về hạ tầng giao thông đường bộ, Hà Nội hiện có 243 dự án, đến nay, đã triển khai 105 dự án (đã hoàn thành 78 dự án, đang triển khai 138 dự án). Hiện, tổng diện tích giao thông tĩnh trên địa bàn Hà Nội là 91,16 ha, chiếm 0,21% đất xây dựng đô thị, đáp ứng 8-10% nhu cầu đỗ xe. Giai đoạn 2011-2015, Hà Nội đã phê duyệt 88 dự án xây dựng bến, bãi đỗ xe tĩnh, đã hoàn thành và đưa vào khai thác sử dụng 20 bến, bãi đỗ xe; tiếp tục triển khai 16 bến bãi đỗ xe, còn lại 52 dự án chưa triển khai thực hiện đầu tư. Tuy nhiên, nguồn vốn dành cho đầu tư còn hạn chế, khó khăn, đồng thời, diện tích đất dành cho giao thông còn thấp, mới đạt 8,65% đất xây dựng đô thị.
Trong một cuộc họp mới đây, lãnh đạo Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, do công tác quản lý của một số cơ quan chức năng chưa chặt chẽ nên còn xuất hiện nhiều công trình vi phạm trật tự xây dựng. Đồng thời việc xử lý của cơ quan chức năng chưa kiên quyết, chưa đáp ứng được yêu cầu, tiến độ, dẫn đến tình trạng khiếu kiện liên quan đến vi phạm trật tự xây dựng đô thị vẫn xảy ra ở nhiều nơi.
Theo bản đánh giá, giám sát của ĐBQH Hà Nội, thì người dân đang sinh sống tại Hà Nội và các cơ quan liên quan đều ghi nhận lĩnh vực quy hoạch, quản lý đô thị trên địa bàn Thành phố thời gian qua đã có nhiều chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều bất cập, nhất là chất lượng quy hoạch chưa cao, điều chỉnh nhiều, thậm chí tràn lan, đặc biệt là quy hoạch hạ tầng xã hội và kỹ thuật không tương thích với việc phát triển nhà ở. Cụ thể là Hà Nội đang thiếu quy hoạch giao thông tĩnh.
Bài toán nào cho quy hoạch hạ tầng xã hội ở Hà Nội
Theo các nhà chuyên môn, bất cập hiện nay không phải do công tác quy hoạch mà là do khâu quản lý quy hoạch. Đơn cử tại tuyến đường Lê Văn Lương, việc cứ 3 km lại có thêm 30, 40 tòa chung cư cao tầng mọc lên đã khiến nơi đây trở thành điểm ùn ứ, tắc nghẽn giao thông nghiêm trọng. Tai những khu vực này, các điểm đỗ xe cũng trở nên chật chội, thiếu vắng. Đây là hậu quả của việc điều chỉnh quy hoạch nhiều lần khiến cho các công trình xây dựng “nối đuôi” nhau mọc lên, nhưng hạ tầng giao thông không đáp ứng kịp...
Quy hoạch hạ tầng xã hội ở Hà Nội trước hết phải kể đến kết cấu hạ tầng giao thông đô thị, bởi đây là loại hình dịch vụ không thể thiếu trong đô thị. Nhìn thấy được thực trạng này, thời gian qua, UBND TP Hà Nội đã phê duyệt dự án 3 bãi đỗ xe ngầm ở Công viên Thống Nhất, Công viên Nhân Chính và Nhà thi đấu Quần Ngựa. Đây có thể được coi là những giải pháp trước mắt nhằm giải quyết một phần nhu cầu điểm đỗ xe đâng thiếu, đang cấp bách hiện nay. Tuy nhiên, các nhà chuyên môn cho rằng, về lâu dài, Hà Nội phải giải quyết được vấn đề dân cư, quy hoạch và quản lý đô thị.
Thế nhưng, chúng ta có thể thấy rõ, quỹ đất dành cho giao thông tĩnh ở Hà Nội quá thấp, thậm chí còn được các chuyên gia về đô thị đánh giá là “chưa có gì” bởi tỷ lệ mới đạt vài phần trăm. Vấn đề không phải là các nhà quản lý chưa nhìn ra, mà là có sự “biến dạng” của các điểm đỗ, “biến dạng” các dự án quy hoạch dành cho điểm đỗ.
Theo quy hoạch, nhiều địa điểm đã được chọn làm giao thông tĩnh như tại phường Gia Thụy, quận Long Biên hay bến xe Kim Mã (cũ), bến xe Lương Yên nhưng chỉ một thời gian sau đó, những khu vực này đã xuất hiện trung tâm thương mại lớn, các khu nhà ở cao tầng, khu văn phòng, cửa hàng kinh doanh... đã khiến Hà Nội không những thêm bí bách bởi sự gia tăng dân số cơ học, mà còn kéo theo sự gia tăng xe cộ và nhiều nhu cầu thiết yếu khác.
Bên cạnh hạ tầng giao thông đô thị, một vấn đề nổi cộm hiện nay là việc xây dựng dầy đặc các khu đô thị mới, hệ thống nhà ở tại Hà Nội. Có thể nói, việc triển khai xây dựng các khu đô thị mới, hệ thống nhà ở này (gọi tắt là khu đô thị) đã góp phần tích cực vào việc giải quyết căn bản nhu cầu nhà ở của người dân Thủ đô, tạo không gian đô thị mới với kiến trúc hiện đại. Tuy nhiên, nhiều khu đô thị chưa tạo ra được các không gian cư trú tiện nghi và đáp ứng đầy đủ nhu cầu của người dân. Các khu nhà ở được xây dựng hối hả, vội vã, trong đó hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội không được đầu tư đồng bộ, không tương thích hay thiếu vắng các không gian công cộng, các quảng trường văn hóa để kết nối mọi người, mọi lứa tuổi. Cũng như vậy, với công viên cây xanh, thể dục-thể thao, văn hóa, sinh hoạt cộng đồng đã tạo ra vô số các mâu thuẫn cho người dân khi sinh sống tại đây.
Các chuyên gia cho rằng, chính vì sự thiếu sự đồng bộ, thống nhất giữa các nhà quản lý, nhà tư vấn quy hoạch, nhà kiến trúc, nhà xây dựng trong quá trình quản lý đô thị và kiểm soát phát triển đô thị đã làm cho cảnh quan đô thị manh mún, hỗn tạp, thậm chí đe dọa đến sự phát triển bền vững của đô thị Hà Nội.
Vậy giải bài toán theo cách nào cho quy hoạch hạ tầng xã hội ở Hà Nội? Theo các chuyên gia, các nhà nghiên cứu, đó là cần phải xây dựng chiến lược phát triển đô thị Hà Nội phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế xã hội, đây cũng là giải pháp quan trọng để điều tiết hiệu quả tài nguyên đô thị, trong đó ưu tiên đầu tư hạ tầng giao thông trước. Tiếp đến là, khi đầu tư phát triển cần phải lưu tâm đến hướng phát triển đồng bộ giữa phát triển quy hoạch với phát triển hạ tầng cơ sở, ví dụ như khi hình thành khu đô thị mới cần ưu tiên đầu tư các không gian công cộng, công viên, cây xanh, quảng trường và tiện ích đô thị trước khi phát triển nhà ở.
Song song với đó là nâng cao chất lượng quy hoạch xây dựng và thiết kế đô thị trong các đồ án nhằm khai thác, phát huy tối đa những giá trị của đặc điểm môi trường tự nhiên riêng mang tính địa phương của mỗi khu vực.
Là đơn vị chức năng chủ yếu trong lĩnh vực này, Sở Xây dựng và Sở QHKT cần phối hợp tốt hơn nữa để tiếp tục nâng cao chất lượng quy hoạch của Thành phố, bảo đảm tính hiện đại, hệ thống, tầm nhìn, bền vững…
Đặc biệt cần xây dựng các cơ chế, quy trình đặc thù, cải cách thủ tục hành chính trong công tác quy hoạch. Chúng ta cần đẩy mạnh hơn nữa việc đổi mới tư duy trong quản lý nhà nước về đô thị đi đôi với việc nâng cao năng lực và trình độ cán bộ quản lý quy hoạch các cấp; tăng cường phân cấp quản lý đô thị; nâng cao quyền hạn, trách nhiệm của chính quyền đô thị các cấp, đặc biệt tăng cường phân cấp cho chính quyền các quận, huyện; đồng thời, chú trọng hơn nữa công tác đào tạo và bồi dưỡng cán bộ bằng nhiều hình thức phù hợp với thực tế trình độ, kinh nghiệm và kiến thức.
Phương Duy