Quy hoạch phân khu sông Hồng, sông Đuống: Cơ sở quản lý các khu dân cư

08/04/2022 10:38 AM

(Chinhphu.vn) - Đồ án Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng, sông Đuống được UBND TP. Hà Nội công bố ngày 5/4 vừa qua, là cơ sở để tổ chức và triển khai các quy hoạch tiếp theo cũng như làm cơ sở để quản lý các khu vực dân cư tại đây.

Quy hoạch phân khu sông Hồng, sông Đuống: Cơ sở quản lý các khu dân cư - Ảnh 1.

Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng, sông Đuống cũng là cơ sở để quản lý các khu dân cư tại đây. Ảnh minh họa

Trao đổi với phóng viên xung quanh về Đồ án này, ông Phạm Quốc Tuyến, Phó Giám đốc Sở Quy hoạch và Kiến trúc Hà Nội cho biết, sông Hồng, sông Đuống là khu vực cảnh quan đã được quy định tại Quyết định số 1259/QĐ-TTg ngày 26/7/2011 phê duyệt Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội.

Tuy nhiên, sông Hồng, sông Đuống có đặc thù do phần không gian thoát lũ được giới hạn bởi đê của 2 sông và được thực hiện theo Quyết định số 257/QĐ-TTg ngày 18/02/2016 của Thủ tướng Chính phủ: Phê duyệt Quy hoạch phòng chống lũ và quy hoạch đê điều hệ thống sông Hồng, sông Thái Bình.

"Đồ án Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng và sông Đuống được UBND thành phố Hà Nội công bố ngày 5/4 vừa qua là bước cụ thể hóa của cả Quyết định số 1259 và Quyết định số 257. Đây là bước cụ thể hóa rất quan trọng, là cơ sở để tổ chức và triển khai các quy hoạch tiếp theo cũng như làm cơ sở để quản lý các khu vực dân cư tại đây", ông Phạm Quốc Tuyên nhấn mạnh.

Một trong những điều rất quan trọng trong Quyết định số 257 về tổ chức thực hiện đó là tất cả các quy hoạch khác thì phải thực hiện theo Quyết định này. Trong đó, yêu cầu phòng chống lũ là yêu cầu lớn nhất nhằm bảo đảm an toàn cho Thủ đô Hà Nội.

UBND Thành phố cũng đã giao UBND các quận, huyện: Đan Phượng, Bắc Từ Liêm, Tây Hồ, Ba Đình, Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Hoàng Mai, Thanh Trì, Thường Tín, Mê Linh, Đông Anh, Long Biên, Gia Lâm lập bản vẽ ranh giới tỷ lệ 1/500 các khu dân cư hiện có được tồn tại, bảo vệ… chuyển Sở NN&PTNT xác nhận phù hợp với Quy hoạch phòng chống lũ và quy hoạch đê điều đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và thỏa thuận của Bộ NN&PTNT.

Cũng theo ông Tuyên, các đồ án quy hoạch phân khu đô thị nêu trên được phê duyệt sẽ là cơ sở pháp lý quan trọng để lập quy hoạch chi tiết, thiết kế đô thị, quản lý xây dựng theo quy hoạch trên địa bàn; nhằm phục vụ cho việc nâng cao đời sống người dân cũng như nâng cao hạ tầng xã hội phục vụ chung khu vực, hoàn chỉnh cảnh quan theo đúng định hướng tại Quyết định 1259 và Quyết định 257.

Trả lời phóng viên về việc khi Đồ án này được ký thì các khu vực này sẽ được chấp nhận ở góc độ như thế nào? Những khu vực nào được để tồn tại theo đề xuất của các quận, huyện, thành phố Hà Nội cũng như khu vực nào sẽ thực hiện theo ý kiến Bộ NN&PTNT đề xuất trước đó? Ông Phạm Quốc Tuyên cho biết, theo Quyết định số 257 đã được phê duyệt, có một số khu vực dân cư đang có mà chưa được đề cập trong Phụ lục 3 – Phụ lục được tồn tại.

Đây là khu vực lớn nhất nằm ở hộ dân ở quận Ba Đình, Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Tây Hồ và một phần ở Thanh Trì đã được Thành phố đề xuất; báo cáo Bộ NN&PTNT. Bộ NN&PTNT cũng đã thống nhất trong việc xem xét điều chỉnh để có thể được xem xét tồn tại. Tuy nhiên, những thông tin cụ thể sẽ cần có những nghiên cứu chi tiết hơn.

Ở đây, Đồ án mới chỉ đưa ra các định hướng. Quy hoạch phân khu sẽ là định hướng, nhưng định hướng này sẽ phải báo cáo đưa vào các quy hoạch. Ví dụ như phương án chi tiết phòng chống lũ, đê phòng chống lũ và quy hoạch chung Thủ đô để báo cáo Thủ tướng cho phép – hay nói cách khác, thẩm quyền khác Quyết định số 257 phải ở cấp Thủ tướng phê duyệt.

Đến thời điểm này chúng ta đã khoanh vùng được khu vực, dự kiến được quỹ đất sẽ phục vụ cho việc phát triển, để trong giai đoạn tới khi Thủ tướng hoặc các quy hoạch cấp trên được duyệt mà có liên quan xác định chính thức khu vực này được tồn tại thì chúng ta sẽ triển khai tiếp.

Ngoài những nội dung trên, Đồ án có một điểm được rất nhiều người quan tâm đó là khai thác các quỹ đất để làm công trình cao tầng hiện đại (ở mức độ nhất định) cũng như tạo động lực phát triển. Theo ông Phạm Quốc Tuyên, một trong những mục tiêu mà chúng ta hướng tới là khai thác các quỹ đất đang có phục vụ cho việc phát triển kinh tế-xã hội.

Ví dụ, những khu vực bãi lớn như khu vực bãi Tàm Xá (Xuân Canh), Cự Khối (Long Biên) là những khu vực xây dựng lớn. Ngoài ra, còn có rất nhiều khu vực nữa. Tuy nhiên, những việc này sẽ được cụ thể hóa ở những bước sau.

Phần xây dựng mới phải tuân thủ Luật Đê điều (Điều 26), nghĩa là phải lập dự án và báo cáo Thủ tướng, Bộ NN&PTNT những nội dung có liên quan theo đúng quy định của Luật Đê điều. Khi đó, về phần chi tiết chúng ta mới có thể xác định được trên cơ sở khai thác cao nhất những gì có thể, đồng thời phải bảo đảm công tác phòng, chống lũ.

Đồ án được sự mong chờ của hàng vạn hộ dân ngoài đê. Tuy nhiên, để rõ ràng đến từng ô đất, từng khu nhà sẽ phải theo quy hoạch chi tiết - đây là theo quy định của Luật. "Việc này liên quan tới cả các sở, ban, ngành chuyên môn và phải có những hướng dẫn để tổ chức thực hiện. Chính quyền địa phương chắc chắn sẽ phải vào cuộc và sẽ quy định tiến độ cụ thể", ông Phạm Quốc Tuyên nhấn mạnh.

Bích Phương

Top