Quyết liệt triển khai các dự án trọng điểm

04/10/2016 9:00 AM

(Chinhphu.vn) - Quyết tâm, quyết liệt, huy động mọi nguồn lực là nhiệm vụ đã được TP. Hà Nội đặt ra để có đủ nguồn vốn trên 360 nghìn tỷ đồng thực hiện 51 dự án, công trình trọng điểm của giai đoạn 2016-2020.

Ảnh minh họa

Huy động mọi nguồn lực

Để triển khai các công trình trọng điểm, Hà Nội đã thực hiện nhiều giải pháp quyết liệt chỉ đạo, điều hành nhằm đẩy nhanh tiến độ, đặc biệt là nhóm công trình trọng điểm giao thông cấp bách. Ban Chỉ đạo các công trình trọng điểm được thành lập để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đối với từng dự án cụ thể; thành lập tổ công tác liên ngành để chỉ đạo đẩy nhanh kế hoạch vốn đầu tư công năm 2016. Các sở, ngành đã chủ động rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục đầu tư, đẩy nhanh tiến độ khởi công dự án.

Ông Vũ Văn Viện, Giám đốc Sở Giao thông vận tải cho biết, riêng nhóm 7 công trình cấp bách theo cơ chế đặc thù được Chính phủ chấp thuận đã khởi công được 2 công trình là: Ô Đông Mác-Nguyễn Khoái sẽ hoàn thành trước 31/12/2016; nút giao Cổ Linh hoàn thành trước Tết Nguyên Đán 2017. Còn đường vành đai 3 đoạn Mai Dịch-Nam Thăng Long sẽ khởi công trong tháng 10/2016, dự kiến hoàn thành năm 2018; nút giao An Dương-Thanh Niên dự kiến khởi công 2016, hoàn thành năm 2017…

Chia sẻ về các giải pháp thực hiện, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Văn Tứ nhấn mạnh, với 51 dự án, công trình trọng điểm thì Thành phố phải quyết liệt đẩy nhanh công tác chuẩn bị đầu tư, đặc biệt công trình sử dụng vốn đối tác công-tư (PPP) hoặc các dự án ODA.  

Đây là 2 hình thức đầu tư không phải sử dụng vốn đầu tư công nhưng thủ tục đầu tư lại phức tạp. Ví dụ dự án PPP cần 10 bước chuẩn bị đầu tư, dự án ODA phải đồng thời vận dụng cả luật trong nước và hiệp định quốc tế nên đòi hỏi nhiều thời gian. Trong 9 tháng năm 2016, kết quả của 2 loại dự án này đang chậm hơn các dự án có vốn ngân sách.

Ông Nguyễn Văn Tứ cho biết, phải quyết tâm, quyết liệt, huy động mọi nguồn lực thì mới đủ nguồn vốn thực hiện 51 dự án này. Lý do được Sở Kế hoạch và Đầu tư giải thích là trong giai đoạn 2016-2020 vốn ngân sách kể cả hỗ trợ từ Trung ương luôn không đạt 50% tổng nhu cầu của toàn Thành phố. Vì thế, để đạt nguồn vốn thực hiện 51 công trình, Sở Kế hoạch và Đầu tư đã kiến nghị phải quyết liệt huy động nguồn vốn ODA cho những dự án có quy mô lớn, có yêu cầu kỹ thuật cao như hệ thống công trình về đường sắt đô thị. Với các dự án hạ tầng giao thông có khả năng hoàn vốn phải vận động theo hình thức BOT.

Một giải pháp khác là phải quyết tâm trong công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng. Theo ông Nguyễn Văn Tứ, trong 9 tháng năm 2016 đã có 3-4 công trình chậm giải ngân, gây chậm tiến độ, chậm nguồn vốn xây dựng cơ bản. Trong khi đó, đối với các dự án trọng điểm cho dù có đủ nguồn lực đầu tư nhưng nếu không quyết liệt giải phóng mặt bằng cũng khó đạt kế hoạch đề ra.

Ngoài ra, Thành phố cần chỉ đạo các chủ đầu tư, nhà thầu đẩy nhanh kế hoạch giải ngân ở giai đoạn thực hiện. Ở giai đoạn đầu tiên có thể khó khăn trong công tác chuẩn bị đầu tư, nhưng khi mặt bằng đã có mà các chủ đầu tư, nhà thầu không đẩy mạnh giải ngân thì ngay giai đoạn thực hiện cũng không đạt mục tiêu. Theo ông Nguyễn Văn Tứ, hiện nay qua kiểm điểm 51 công trình thấy rằng có những dự án đủ vốn, đủ mặt bằng nhưng giải ngân chậm.

Hà Nội sẽ xin cơ chế đặc thù

Sau 9 tháng năm 2016, theo UBND TP. Hà Nội vẫn còn một số dự án triển khai chậm so với yêu cầu, tiến độ giải ngân dự án chậm. Nguyên nhân do một số chủ đầu tư chưa quyết liệt triển khai nhiệm vụ; một số thủ tục về giải phóng mặt bằng, phê duyệt thiết kế, tổng dự toán còn vướng mắc, chậm xử lý, một số dự án chậm triển khai giải phóng mặt bằng như: Dự án Khu Liên hiệp xử lý chất thải Sóc Sơn; dự án tiếp nước sông Tích; Trạm bơm tiêu Yên Nghĩa; một số dự án chủ đầu tư chậm hoàn thiện các thủ tục lập, trình thẩm định, phê duyệt chủ trương đầu tư hoặc hồ sơ đề xuất dự án…

Để đẩy nhanh tiến độ thực hiện, Giám đốc Sở Giám đốc Sở Giao thông vận tải Vũ Văn Viện đã kiến nghị Thành phố chỉ đạo các đơn vị đổi mới công tác chỉ đạo điều hành, tập trung thống nhất, quán triệt đến đội ngũ cán bộ và người dân để hiểu về những công trình trọng điểm của Thủ đô, đặc biệt là các công trình giao thông nhằm nâng cao sự đồng thuận của cả hệ thống chính trị trong quá trình thực hiện.

Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Đức Chung cũng đã nhấn mạnh, để huy động nguồn lực cho các công trình trọng điểm, ngoài các nguồn vốn như ngân sách tập trung, Trái phiếu xây dựng Thủ đô, Ngân sách Trung ương hỗ trợ có mục tiêu, Trái phiếu Chính phủ, cần tiếp tục huy động thêm các nguồn lực để đầu tư các công trình giao thông trọng điểm như: Tiết kiệm chi dịch vụ công, rà soát tài sản công của Nhà nước không cần thiết; tạo một số quỹ đất tập trung tại các quận mới thành lập, rà soát quỹ đất trong các khu đô thị để tổ chức đấu giá tạo nguồn vốn cho đầu tư phát triển; đẩy mạnh thu hút và tăng cường nguồn vốn ODA.

TP. Hà Nội cũng sẽ kiến nghị với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cho hưởng một số cơ chế đặc thù đặc biệt trong các dự án PPP và dự án nhóm sử dụng ngân sách. Theo ông Nguyễn Văn Tứ, nếu không có cơ chế đặc thù thì dù có giải phóng mặt bằng tốt, bố trí đủ ngân sách cũng khó đạt mục tiêu. Theo thống kê của Sở Kế hoạch và Đầu tư, 1 dự án PPP nhóm A nếu làm đủ 10 bước thủ tục mất từ 750-780 ngày mới xong thủ tục, nếu như vậy có dự án làm xong là gần hết giai đoạn 2016-2020.

Cơ chế đặc thù Hà Nội dự kiến trình Chính phủ nhằm mục tiêu đẩy nhanh tiến độ các dự án trọng điểm. Như với dự án ODA, kiến nghị được giải ngân theo tiến độ triển khai dự án và khả năng giải ngân; với các dự án đầu tư công nhóm A sử dụng ngân sách kiến nghị Chính phủ ủy quyền cho Thành phố phê duyệt chủ trương đầu tư; với các dự án hạ tầng giao thông, xử lý môi trường, xử lý rác thải và hạ tầng kỹ thuật cấp bách đầu tư theo hình thức PPP, kiến nghị Chính phủ cho phép TP. Hà Nội lựa chọn nhà đầu tư theo cơ chế đặc thù để rút ngắn thời gian chuẩn bị đầu tư…

Bên cạnh đó, TP. Hà Nội cũng đặt ra nhiệm vụ chuẩn bị đẩy đủ và các điều kiện thực hiện công tác giải phóng mặt bằng bằng giải pháp nâng cao trách nhiệm và quyết liệt trong chỉ đạo điều hành từ Thành phố tới cơ sở. Tập trung công tác giải phóng mặt bằng cho các dự án trọng điểm; tích cực tháo gỡ khó khăn, giải quyết kịp thời các vướng mắc về cơ chế, chính sách trong giải phóng mặt bằng.

Muốn vậy, công tác chuẩn bị quỹ nhà tái định cư phải đi trước một bước để tạo điều kiện cho công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng các dự án qua việc xây dựng các khu tái định cư tập trung, bảo đảm chủ động về nhà ở tái định cư phục vụ công tác đền bù giải phóng mặt bằng; thực hiện giải phóng mặt bằng theo quy hoạch để đẩy nhanh tiến độ các dự án trọng điểm.

Giai đoạn 2016-2020, TP. Hà Nội xác định danh mục 51 công trình trọng điểm với tổng mức đầu tư trên 360 nghìn tỷ đồng. Trong đó có 11 công trình chuyển tiếp từ giai đoạn 2011-2015 và 40 dự án mới giai đoạn 2016-2020. Phân theo hình thức đầu tư, có 31 dự án sử dụng vốn ngân sách và ODA, 20 dự án đầu tư theo hình thức PPP.

Gia Huy

Top