Quyết tâm giải quyết tình trạng ô nhiễm môi trường trên sông Nhuệ
(Chinhphu.vn) - UBND TP. Hà Nội đang quyết liệt triển khai nhiều giải pháp nhằm khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường tại lưu vực sông Nhuệ, khẳng định quyết tâm xử lý triệt để vấn đề này trong thời gian tới.

Sông Nhuệ – "lá phổi xanh" phía Tây Nam Thủ đô. Ảnh Internet
Triển khai loạt giải pháp đồng bộ cải thiện chất lượng môi trường sông
Sông Nhuệ - "lá phổi xanh" phía Tây Nam Thủ đô đang phải đối mặt với tình trạng ô nhiễm nghiêm trọng kéo dài nhiều năm. Với chiều dài 62km, sông Nhuệ không chỉ giữ vai trò điều tiết tưới tiêu, tiêu thoát nước cho nhiều địa phương, mà còn là yếu tố sinh thái thiết yếu của thành phố. Theo kết quả quan tắc, chất lượng nước ở mức xấu (mức C–D) ở nhiều đoạn, gây nguy cơ "chết sinh học" do oxy hòa tan thấp. Các chỉ số ô nhiễm (NH₄⁺, BOD, COD, Coliform) vượt ngưỡng rất lớn, có nơi vượt hàng chục đến hàng trăm lần so với QCVN 08:2023.
Ô nhiễm kéo dài gây thiệt hại cho sinh kế nông nghiệp, thủy sản và ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe cộng đồng. Mặc dù Hà Nội và các tỉnh vùng lưu vực đang đẩy mạnh các dự án xử lý và giám sát, ô nhiễm môi dòng sông đã có những chuyển biến, nhưng đến giữa năm 2025 dòng sông vẫn ở trạng thái "đỏ" về ô nhiễm.
Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến thực trạng này, theo các chuyên gia môi trường, là do khối lượng lớn nước thải sinh hoạt chưa được thu gom và xử lý triệt để, trong khi đó nước thải từ các làng nghề, khu công nghiệp cũng vẫn xả trực tiếp ra sông. Bên cạnh đó, tình trạng đổ rác bừa bãi, san lấp lòng sông trái phép diễn ra phổ biến, khiến dòng chảy bị thu hẹp, bồi lắng và mất khả năng tự làm sạch. Những yếu tố này kết hợp lại đã khiến sông Nhuệ ngày càng trở nên ô nhiễm nghiêm trọng.
Trước thực trạng đáng báo động này, TP. Hà Nội khẩn trương triển khai một loạt giải pháp đồng bộ nhằm cải thiện chất lượng môi trường sông. Trước hết, về hạ tầng, Thành phố đang thúc đẩy hoàn thiện cụm công trình Liên Mạc – nơi có vai trò bổ cập nước từ sông Hồng vào sông Nhuệ với lưu lượng lên tới 70m³/s. Giải pháp này được xem là bước đi mang tính chiến lược nhằm tăng cường dòng chảy, pha loãng nước ô nhiễm và khôi phục khả năng tự làm sạch cho dòng sông.
Cùng với đó, các dự án nâng cấp tuyến sông từ Liên Mạc đến Vành đai 4 và phục hồi các sông nội đô như Tô Lịch, Kim Ngưu, Lừ, Sét cũng đang được triển khai một cách quyết liệt. Những dự án này không chỉ giúp cải thiện chất lượng nước mà còn mở rộng không gian sinh thái và cảnh quan cho đô thị.
Ngoài ra, thành phố cũng đẩy mạnh đầu tư vào hệ thống xử lý nước thải. Hàng loạt nhà máy đã được đưa vào vận hành như Kim Liên, Yên Sở, Hồ Tây, Sơn Đồng… Đặc biệt, nhà máy xử lý nước thải Yên Xá với công suất 100.000m³/ngày đêm – một trong những dự án trọng điểm – đã bắt đầu giai đoạn chạy thử nghiệm, đánh dấu bước tiến quan trọng trong việc xử lý triệt để nguồn thải từ khu vực nội đô và các đô thị vệ tinh.
Tăng cường công tác quản lý, giám sát nguồn xả thải
Song song với các giải pháp kỹ thuật, Hà Nội cũng chú trọng tăng cường công tác quản lý, giám sát nguồn xả thải. Theo đó, Kế hoạch số 168/KH-UBND đã được triển khai nhằm xây dựng cơ sở dữ liệu nguồn thải toàn diện, lắp đặt hệ thống quan trắc tự động và kiểm soát chặt chẽ quy trình cấp phép môi trường. Đồng thời, thành phố cũng đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra các cơ sở sản xuất, đặc biệt là tại các khu công nghiệp và làng nghề có nguy cơ ô nhiễm cao. Những trường hợp vi phạm sẽ bị xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.
Không dừng lại ở phạm vi nội thành, Hà Nội còn tăng cường phối hợp với các địa phương trong lưu vực sông. Việc này giúp kết nối hành động liên tỉnh, chia sẻ dữ liệu và giải quyết tận gốc tình trạng ô nhiễm xuyên vùng.
Đáng chú ý, chính quyền thành phố cũng đã phát động nhiều chiến dịch truyền thông, tuyên truyền nâng cao nhận thức của cộng đồng về bảo vệ môi trường nước. Nhiều chương trình như "Ngày chủ nhật xanh", "Thu gom rác bờ sông", "Tổ tự quản môi trường" được triển khai rộng khắp với sự tham gia của các tổ chức đoàn thể, trường học, doanh nghiệp và người dân địa phương. Những hành động nhỏ nhưng bền bỉ đang góp phần tạo nên thay đổi lớn về diện mạo và ý thức cộng đồng đối với dòng sông.
Từ góc độ chuyên gia, TS. Hoàng Dương Tùng, nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường nhận định, thiếu dòng chảy là nguyên nhân cốt lõi khiến sông Nhuệ mất khả năng tự làm sạch. Giải pháp bổ sung nước từ sông Hồng kết hợp với hệ thống thu gom và xử lý nước thải hiện đại sẽ là bước ngoặt trong phục hồi dòng sông này.
Ở một khía cạnh khác, người dân sống ven sông cũng bắt đầu cảm nhận được những chuyển biến tích cực. Anh Nguyễn Việt Hùng (xã Thanh Liệt, huyện Thanh Trì) chia sẻ: "Trước kia, nước đen ngòm và bốc mùi cả ngày lẫn đêm. Mấy tháng nay, nước có vẻ trong hơn, rác bớt nhiều, đỡ mùi hơn".
Tương tự, chị Nguyễn Thị Mai (phường Phú Lương, Hà Đông) cho biết: "Dự án nạo vét và đường ven sông mới giúp khu dân cư khang trang, con trẻ cũng có chỗ chơi, không còn ai vứt rác bừa bãi như trước nữa".
Dù vậy, theo đánh giá của giới chuyên môn, việc "hồi sinh" sông Nhuệ vẫn còn nhiều thách thức. Việc xử lý ô nhiễm hiệu quả đòi hỏi phải có nguồn vốn lớn, công nghệ phù hợp, hệ thống giám sát thông minh và sự phối hợp chặt chẽ giữa các ngành, các cấp và người dân. Đặc biệt, cần có chế tài đủ mạnh để xử lý dứt điểm các hành vi vi phạm môi trường.
Hướng tới năm 2030, Hà Nội đặt mục tiêu kiểm soát hoàn toàn các nguồn xả thải vào sông Nhuệ, bảo đảm dòng sông sạch – an toàn – bền vững. Để đạt được mục tiêu này, thành phố cần tiếp tục tăng cường đầu tư cho hạ tầng kỹ thuật, hoàn thiện thể chế quản lý môi trường, mở rộng hợp tác vùng và đẩy mạnh các hoạt động truyền thông cộng đồng.
Ông Nguyễn Đình Hoa, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường TP. Hà Nội cho biết, thời gian qua TP. Hà Nội rất quan tâm vấn đề cải tạo làm sống lại những dòng sông trước hết là sông trong nội đô. Cụ thể, Hà Nội đã tập trung đầu tư vào các công trình thủy lợi, củng cố các trạm bơm và trạm xử lý nước thải. Ví dụ như hiện nay, Hà Nội đang nghiên cứu để trình 2 tháng nữa khởi công đầu tư xây dựng trạm bơm ở cụm đầu mối Liên Mạc trực tiếp bơm nước sông Hồng vào sông Nhuệ. Dự án đã được HĐND TP. Hà Nội phê duyệt với mức đầu tư hơn 4.000 tỉ đồng, trong đó giải phóng mặt bằng khoảng 900 tỉ.
Bên cạnh đó, Sở Nông nghiệp và Môi trường Hà Nội cũng đang thẩm định để trình UBND TP. Hà Nội phê duyệt. Giai đoạn 1 sẽ bơm nước trực tiếp vào hệ thống sông Nhuệ. Giai đoạn 2 tiếp tục kè sông Nhuệ từ đê Liên Mạc đến hết cầu Trắng…
Trả lời kiến nghị cử tri gửi đến HĐND TP. Hà Nội trước kỳ họp thứ 25, UBND TP. Hà Nội cho biết, Hà Nội đang nỗ lực, quyết tâm cao triển khai các dự án nhằm cải thiện chất lượng nước sông Nhuệ. Đại diện UBND TP. Hà Nội khẳng định sẽ tiếp tục huy động nguồn lực, phối hợp chặt chẽ với các ngành và địa phương để giải quyết dứt điểm tình trạng ô nhiễm, góp phần bảo vệ môi trường lưu vực sông Nhuệ một cách bền vững.
Thùy Chi