Rà soát các dự án vốn ngoài ngân sách có sử dụng đất chậm triển khai

09/08/2022 4:32 PM

(Chinhphu.vn) – Với hơn 700 dự án vốn ngoài ngân sách có sử dụng đất chậm triển khai trên địa bàn, Chủ tịch TP. Hà Nội yêu cầu đến hết tháng 10/2022 cần có các kết quả rà soát cụ thể, có phương án xử lý của từng dự án chậm triển khai.

Rà soát các dự án vốn ngoài ngân sách có sử dụng đất chậm triển khai - Ảnh 1.

Cuộc họp Ban chỉ đạo nhanh tiến độ đầu tư, tập trung xử lý các dự án vốn ngoài ngân sách có sử dụng đất chậm triển khai của TP. Hà Nội - Ảnh: VGP/Gia Huy

Chiều 9/8, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Trần Sỹ Thanh chủ trì cuộc làm việc của Ban chỉ đạo về việc đẩy nhanh tiến độ đầu tư, tập trung xử lý các dự án vốn ngoài ngân sách có sử dụng đất chậm triển khai trên địa bàn Hà Nội.

Hơn 700 dự án chậm triển khai

Theo Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi Trường Trần Duy Cường, trong quý II/2022 và tháng 7/2022, Tổ công tác liên ngành Thành phố đã tổ chức làm việc với UBND các quận, huyện, thị xã để kiểm tra, rà soát, hậu kiểm và phân loại các dự án.

Cụ thể, đối với 135 dự án chưa được Nhà nước giao đất, cho thuê đất: Sau Nghị quyết số 04/NQ-HĐND ngày 08/4/2022, Sở tiếp tục báo cáo UBND Thành phố chẩm dứt hoạt động dự án theo quy định đối với 7 Dự án.

Tính luỹ kế kết quả xử lý đến nay, có 68 dự án đã xử lý xong. Trong đó, 11 dự án đang triển khai theo tiến độ đã được phê duyệt, phê duyệt điều chỉnh; 12 dự án đề nghị loại bỏ khỏi danh sách do trùng lặp, nhà đầu tư đề xuất nghiên cứu khi chưa có ý kiến của UBND Thành phố; 45 dự án, tiếp tục báo cáo UBND Thành phố chấm dứt hoạt động dự án theo quy định.

Có 67 dự án, Sở Kế hoạch và Đầu tư đang tiếp tục đẩy nhanh tiến độ kiểm tra, và soát, đề xuất xử lý Trong đó, 14 dự án đã báo cáo đề xuất xử lý theo quy định của pháp luật; 11 dự án mới có văn bản chấp thuận cho nhà đầu tư nghiên cứu lập dự án, văn bản lựa chọn chủ đầu tư nhưng chưa có dự án được chấp thuận, chưa được giao đất, cho thuê đất, chưa triển khai thực hiện; đang kiểm tra, xem xét chấm dứt hiệu lực văn bản chấp thuận theo quy định của pháp luật; 42 dự án còn lại (trong đó có một số dự án thuộc đối tượng rà soát của Tổ công tác rà soát các dự án khu đô thị, khu nhà ở trên địa bàn tỉnh Hà Tây, Vĩnh Phúc, Hòa Bình trước đây) đang tiếp tục rà soát, phân loại để báo cáo đề xuất.

Đối với 404 Dự án đã được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất, sau Nghị quyết số 04/NQ-HĐND ngày 08/4/2022, Thành phố đã tiếp tục xử lý đối với 28 dự án.

Tính luỹ kế kết quả xử lý đến nay, có 213 Dự án đã xử lý xong. Trong đó, có 105 dự án với tổng diện tích 299 ha đất, sau thanh tra kiểm tra Chủ đầu tư đã chủ động khắc phục các tồn tại đề nghị đưa ra khỏi danh sách các dự án chậm triển khai; 37 Dự án với tổng diện tích 1.878,7 ha đất, kiển nghị trình UBND Thành phố thu hồi đất, bãi bỏ quyết định giao đất, cho thuê đất, chấm dứt hoạt động dự án.

Đối với 191 dự án còn lại, Tổ công tác liên ngành Thành phố đã tổ chức làm việc trực tiếp với từng quận, huyện, thị xã để phân loại thành 9 Nhóm dự án và phân công các sở, ngành và các quận, huyện, thị xã khẩn trương thực hiện.

Đối với 173 dự án, UBND các quận, huyện, thị xã tiếp tục đề xuất xử lý, tổ công tác liên ngành TP đã làm việc trực tiếp với UBND các quận, huyện, thị xã để rà soát cụ thể từng dự án vốn ngoài ngân sách có sử dụng đất chậm tiến độ, chậm triển khai, vi phạm pháp luật theo giai đoạn. Đối với 173 dự án này, Sở TN&MT đã có kết quả phân loại và phân công thực hiện xử lý theo 7 nhóm cụ thể. 

Cũng theo Giám đốc Sở Tài nguyên và Mội trường, trong Quý III/2022, đối với các dự án theo kiến nghị của Đoàn Giám sát HĐND Thành phố, sẽ tập trung tổ chức thực hiện kiểm tra, rà soát, hậu kiểm ngay và có kết luận cụ thể đối với từng dự án xong trong Quý III/2022.

Trong đó, 67/135 Dự án chưa được Nhà nước giao đất, cho thuê đất: Giao Sở Kế hoạch và Đầu tư đang tiếp tục đẩy nhanh tiến độ kiểm tra, rà soát, đề xuất xử lý; 191/404 Dự án đã được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất. Trong đó, UBND Thành phố đã phân loại thành 9 nhóm và phân công thực hiện cụ thể.

Sớm ban hành quy chế làm việc của Ban chỉ đạo 

Phát biểu tại cuộc họp, Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Dương Đức Tuấn cho rằng qua rà soát, toàn Thành phố có hơn 700 dự án với hơn 5.000 ha chậm triển khai. Vì vậy, cần tiếp tục rà soát, tổng hợp để phân thành 2 hệ thống dự án chưa được giao đất và đã được giao đất nhưng chậm triển khai.

Sở Quy hoạch và Kiến trục cần tiếp tục rà soát những dự án đầu tư bị ảnh hưởng từ việc chưa điều chỉnh được quy hoạch kiến trúc, để có hướng xử lý theo đúng quy định của pháp luật. 

Phát biểu kết luận cuộc họp, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Trần Sỹ Thanh nhấn mạnh việc đẩy nhanh tiến độ đầu tư, tập trung xử lý đối với các dự án vốn ngoài ngân sách có sử dụng đất chậm triển khai là việc làm thường xuyên, diễn ra hàng năm. Vì vậy cần có cơ chế của Ban chỉ đạo nhằm đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án, từ đó các đơn vị cần đóng góp ý kiến cụ thể về quy chế làm việc để Thành phố sớm ban hành.

Về hoạt động của Ban chỉ đạo, Chủ tịch TP. Hà Nội nhấn mạnh, quan trọng nhất là vấn đề thống kê, phân loại, từ đó xây dựng bộ nguyên tắc ứng xử trong Ban chỉ đạo để phân loại, xử lý các dự án chậm triển khai.

Nhấn mạnh về việc cần phân vai cụ thể trong công tác quản lý, Chủ tịch Thành phố giao Sở Kế hoạch Đầu tư là đơn vị đầu mối khi dự án đã được Nhà nước giao đất và Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì đối với dự án chưa được Nhà nước giao đất… Đồng thời, cần thực hiện theo nguyên tắc là dự án lớn làm trước, nhỏ làm sau. Chủ tịch TP. Hà Nội cũng nhắc nhở về nguyên tắc tối thượng là chấp hành các quy định của pháp luật, cụ thể là chấp hành các quy định về gia hạn của Luật Đất đai và Luật Đầu tư.

Chủ tịch TP. Hà Nội yêu cầu, đến hết tháng 10/2022 cần có các kết quả rà soát cụ thể, phương án xử lý của từng dự án để tổng hợp báo cáo HĐND Thành phố. Báo cáo về nội dung này cần theo nguyên tắc phân vai của từng sở, ngành: Tài nguyên và Môi trường, Kế hoạch và Đầu tư, Quy hoạch kiến trúc… Chủ tịch TP. Hà Nội cũng đề nghị đẩy mạnh công tác tuyên truyền; định kỳ giao ban kiểm tra tiến độ thực hiện; kiên quyết xử lý trách nhiệm tổ chức, cá nhân chậm thực hiện nhiệm vụ được giao.

Gia Huy

Top