Rau an toàn-Hướng đi phù hợp để tạo dựng lòng tin

16/09/2016 5:31 PM

(Chinhphu.vn) - Tính đến nay dù Đề án thực hiện sản xuất và tiêu thụ rau an toàn Thành phố Hà Nội giai đoạn 2009-2016 đã đạt nhiều kết quả khả quan nhưng vấn đề tiêu thụ sản phẩm còn nhiều bấp bênh. Đặc biệt người tiêu dùng chưa có lòng tin với rau an toàn và nhiều doanh nghiệp đã phá sản do kinh doanh không có lãi. Vậy lối đi nào phù hợp để sản xuất và tiêu thụ rau an toàn tạo được lòng tin?

Ảnh minh họa

Hướng làm bài bản…

Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Duy Hồng, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ thực vật Hà Nội cho biết, sau 7 năm thực hiện đề án sản xuất và tiêu thụ rau an toàn, đến nay Hà Nội đã có hơn 5 nghìn ha rau an toàn, con số này đã đạt mục tiêu đề ra của dự án. Đây cũng là diện tích rau an toàn lớn nhất của cả nước, cao hơn diện tích trồng rau an toàn của Đà Lạt và TP.HCM.

Trong suốt thời gian qua, để triển khai thực hiện đề án hiệu quả, các quận, huyện trên địa bàn Hà Nội đã lập 37 dự án xây dựng cơ sở hạ tầng vùng rau an toàn tập trung.Tính đến cuối năm 2015 diện tích cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện ATTP trong sản xuất đạt 5,1 nghìn ha, 224 ha rau VietGAP và trên 40 ha rau hữu cơ.

Để đáp ứng ATTP trong sản xuất, Chi cục BVTV Hà Nội tổ chức thường xuyên các lớp tập huấn, hội nghị đầu bờ để nâng cao năng lực chuyên môn, kỹ thuật sản xuất rau an toàn cho bà con nông dân được tiếp cận đúng quy trình sản xuất. Xây dựng các mô hình tập trung, khép kín sản xuất và tiêu thụ tại xã Văn Đức, Đặng Xá (Gia Lâm), Yên Mỹ, Duyên Hà (Thanh Trì), Thanh Đa, Vân Phúc (Phúc Thọ); Vân Côn, Tiền Lệ (Hoài Đức), Chúc Sơn (Chương Mỹ), Nam Hồng (Đông Anh),...

Mặt khác, để nâng cao nhận thức, vai trò, trách nhiệm của người sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp và niềm tin của người tiêu dùng đối với sản phẩm rau an toàn, từ đầu năm 2016, Chi cục BVTV đã xây dựng và vận hành thí điểm 11 chuỗi rau an toàn áp dụng hệ thống đảm bảo có sự tham gia (PGS) của người sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng.

Đồng thời tiến hành thanh, kiểm tra thường xuyên, đột xuất 3.996 lượt cửa hàng, công ty, chi nhánh công ty trên địa bàn. Qua đó phát hiện 563 trường hợp vi phạm, phạt tiền 457 triệu đồng, thu giữ 1044,36 kg(lit) thuốc chờ tiêu huỷ. Tại các địa phương, hàng năm cũng tiến hành kiểm tra toàn bộ các cửa hàng buôn bán thuốc BVTV, phát hiện và xử lý phạt tiền, đình chỉ kinh doanh nhiều trường hợp vi phạm, thông báo công khai vi phạm trên đài truyền thanh huyện và xã, từ đó có tác dụng giáo dục, răn đe rất hiệu quả. Cho nên việc kinh doanh thuốc ngoài danh mục, thuốc cấm rất ít.

Việc thanh, kiểm tra các mẫu rau cũng được kiểm tra đa dư lượng, (không chỉ test nhanh), đây là ưu điểm của Hà Nội so với các địa phương khác. Bởi test nhanh chỉ có thể kiểm tra được 2/100 chỉ tiêu, còn thông qua kiểm tra đa dư lượng sẽ cho biết cụ thể và chính xác các thành phần, chỉ tiêu đạt hay không của một sản phẩm.

Nhờ các hoạt động của đề án đã tác động tích cực, làm thay đổi tập quán canh tác và sử dụng thuốc BVTV của nông dân. Kết quả điều tra cho thấy, tỷ lệ sử dụng thuốc thảo mộc, sinh học khoảng 60%, giảm 30% số lần sử dụng thuốc. Chi phí  sử dụng thuốc BVTV giảm 50%, tuân thủ thời gian cách ly khi thu hái sản phẩm. Đặc biệt, lượng thuốc BVTV sử dụng trên các cây trồng của Hà Nội năm 2014 (trong đó có rau) là 360 tấn chỉ bằng 0,3% so với toàn quốc là 116.582 tấn. Tỷ lệ mẫu rau phân tích vượt dư lượng thuốc BVTV tối đa cho phép thấp, hàng năm phân tích 300-1.000 mẫu rau, chỉ có khoảng 1% mẫu vượt ngưỡng. Năng suất rau tăng 18%, riêng tại các vùng che phủ nilon, nhà lưới trồng rau trái vụ  tăng thêm 3-5 vụ/năm,  hiệu quả kinh tế tăng thêm 600 triệu đồng/ha/năm. Giá trị sản xuất đạt 1 tỷ đồng/ha/năm, có diện tích đạt 2 tỷ đồng/ha/năm (Yên Viên), tổng giá trị sản xuất đạt trên 1.200 tỷ đồng/năm, cao hơn sản xuất rau thường từ 10-20%.

Nhưng tiêu thụ bấp bênh

Như vậy có thể thấy, vấn đề bảo đảm ATTP của sản xuất rau an toàn của Hà Nội cơ bản đạt và bảo đảm, các mẫu vượt ngưỡng tối đa cho phép chỉ chiếm tỷ lệ nhỏ. Đồng thời giá trị sản xuất rau an toàn của Hà Nội cũng cao hơn rất nhiều so với các địa phương khác trong cả nước. Tuy nhiên theo ông Nguyễn Duy Hồng, dù mang lại nhiều kết quả  nhưng hiện nay vấn đề tiêu thụ rau an toàn của Hà Nội gặp phải rất nhiều hạn chế.

Thực tế cho thấy các sản phẩm rau an toàn đầu ra rất bấp bênh vì Hà Nội có khoảng 200 siêu thị, cửa hàng tiện ích nhưng trong đó chỉ có mấy chục siêu thị, cửa hàng bán rau an toàn. Số rau bán trong siêu thị, cửa hàng bán lẻ, bếp ăn tập thể… mới đạt 20 nghìn tấn/năm, bằng 2% so với nhu cầu. Trong khi đó, một năm Hà Nội cần tiêu thụ khoảng 1 triệu tấn, trung bình mỗi ngày người dân cần tiêu thụ khoảng gần 3 nghìn tấn, như vậy mỗi cửa hàng hoặc siêu thị, bán rau an toàn không bằng một người bán lẻ. Điển hình như vùng sản xuất rau an toàn Văn Đức, mỗi ngày cung cấp ra thị trường khoảng 80 tấn nhưng số vào siêu thị tiêu thụ chỉ chiếm khoảng hơn 1 tấn, tương đương 1%.

Bên cạnh đó, do việc kinh doanh các mặt hàng nông sản vốn chứa nhiều rủi ro và những vấn đề về chi phí như quảng cáo, nhân công… cũng tạo sức ép cho doanh nghiệp nên việc kinh doanh rau an toàn khó thu hút đầu tư, dẫn đến nhiều doanh nghiệp phá sản, gần đây nhất là Rau sạch Liên Thảo đã phải đóng cửa do gánh nặng chi phí.

Một vấn đề đặt ra là, tuy phần lớn số rau an toàn được bán ra ngoài chợ nhưng người tiêu dùng lại hết sức hoang mang vì không thể phân biệt được đâu là rau an toàn và rau thường. Khi hiện nay, nhất là tại các chợ đầu mối, số rau hàng ngày từ các tỉnh, thành vẫn đổ về Hà Nội hoặc chính các thương lái của Hà Nội tỏa đi các tỉnh, thành để tập kết rau và cung cấp cho các hộ bán lẻ trên địa bàn thành phố. Sự trà trộn này khiến người tiêu dùng rất khó phân biệt. Và đây chính là vấn đề nhức nhối của Hà Nội khi chính rau Hà Nội sản xuất ra cơ bản an toàn nhưng người Hà Nội không biết mua rau an toàn ở đâu?

Cần chính sách đặc thù

Để giải quyết tận gốc vấn đề này, ông Nguyễn Duy Hồng cho rằng cần phải có chính sách đặc thù về tiêu thụ vì hiện nay tuy có quy định về truy xuất nguồn gốc sản phẩm nhưng lại chưa có quy định cụ thể đối với thực phẩm tươi sống như các vấn đề về nguồn gốc, nhãn mác, quy định về vận chuyển... Hi vọng trong thời gian tới, UBND thành phố Hà Nội sẽ đầu tư xây dựng hạ tầng xã hội: chợ đầu mối, chợ dân sinh, bố trí điểm bán hàng rau an toàn. Đồng thời nhà nước cũng cần ban hành Nghị định qui định về kiểm soát nguồn gốc xuất xứ rau lưu thông, thương mại trên thị trường.

Khi có chính sách đặc thù sẽ là cơ sở để hỗ trợ địa điểm bán hàng xây dựng ở các chợ đầu mối (trong một khoảng thời gian nhất định), tại đây sẽ có chủ vựa, là người đứng ra quản lý và chịu trách nhiệm khi cơ quan quản lý thực hiện truy xuất nguồn gốc, kiểm tra nhãn mác sản phẩm. Đồng thời, khi xây dựng được các điểm bán hàng tại các chợ, người tiêu dùng sẽ biết rõ địa điểm bán rau an toàn ở đâu, nguồn gốc ra sao?

Hiện nay, để tiêu thụ sản phẩm rau an toàn được ổn định và tạo dựng lòng tin với người tiêu dùng, Hà Nội đang làm hệ thống kế thừa của Rau hữu cơ là đảm bảo có sự tham gia của người tiêu dùng (đại diện người tiêu dùng tham gia kiểm tra sản xuất, nguồn gốc sản phẩm…). Đây chính là cách Rau hữu cơ tồn tại và tạo dựng được lòng tin đối với người tiêu dùng trong suốt thời gian qua dù chưa có chính sách đặc thù.

Tú Mai

Top