Sắc lan trên cây tre - làn gió mới trong nghệ thuật hoa Tết tại Thủ đô
(Chinhphu.vn) - Trong dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025 năm nay, xu hướng hoa lan trên thân cây tre kết hợp cùng tiểu cảnh phong thủy đang làm say lòng giới yêu hoa của Thủ đô.
Khởi nguồn từ giá trị truyền thống
Đây không chỉ đơn thuần là một chậu hoa mà còn là một tác phẩm nghệ thuật sống động, nơi sự mềm mại và tinh tế của hoa lan hòa quyện với nét mộc mạc, kiên cường của cây tre Việt Nam.
Từ bao đời nay, cây tre đã trở thành biểu tượng gắn liền với hồn cốt dân tộc Việt. Tre hiện diện trong thơ ca, hội họa, gợi lên hình ảnh những lũy tre làng hiên ngang che chắn bão giông, những thân tre vươn thẳng đầy kiêu hãnh, tượng trưng cho ý chí kiên cường, bất khuất của con người Việt Nam.
Không chỉ mang ý nghĩa tinh thần, tre còn là chất liệu gần gũi, gắn bó trong từng nếp sống, từ đôi đũa, cái nia, cây cầu tre lắt lẻo bắc qua dòng sông quê… tất cả đều thấm đượm vẻ đẹp bình dị, bền bỉ theo năm tháng.
Chính những giá trị truyền thống ấy đã truyền cảm hứng để chị Đinh Thị Thùy Linh sáng tạo nên một phong cách trưng bày hoa lan độc đáo, kết hợp giữa sự thanh tao của lan và vẻ mộc mạc, vững chãi của cây tre, tạo nên điểm nhấn đặc biệt cho không gian gia đình trong Tết Nguyên đán 2025.
"Tôi luôn trăn trở làm sao để đưa những giá trị văn hóa truyền thống vào nghệ thuật cắm hoa. Với tôi, tre không chỉ là một loài cây mà còn là biểu tượng của sự bền bỉ, kiên cường. Nếu lan là loài hoa vương giả, kiêu sa, thì tre lại đại diện cho tinh thần mạnh mẽ, bất khuất. Khi đặt hai yếu tố này cạnh nhau, tôi tin rằng chúng sẽ tạo nên một tổng thể hài hòa – vừa sang trọng, vừa mang chiều sâu văn hóa", chị Linh chia sẻ.
Không dừng lại ở sự kết hợp giữa lan và tre, chị Linh còn khéo léo bố trí thêm các tiểu cảnh phong thủy để tăng tính sinh động và vượng khí cho chậu hoa. Mỗi loại cây đều mang một ý nghĩa riêng: Muống Hoàng Yến rực rỡ tượng trưng cho tài lộc, phú quý; Cung Đàn Vàng với lá mềm mại như những nốt nhạc, mang đến sự cân bằng, bình an; Cây Kim Cương đại diện cho thành công, trường tồn, lan tỏa năng lượng tích cực; Sen Đá tuy nhỏ bé nhưng kiên cường, biểu trưng cho sự gắn kết và trường thọ.
Chị Linh cho rằng, sự kết hợp giữa tre và lan, giữa truyền thống và tinh hoa, không chỉ mang lại vẻ đẹp tao nhã mà còn gửi gắm thông điệp sâu sắc: vững vàng như tre, thịnh vượng như lan, an khang và may mắn trong năm mới. Không đơn thuần là một cách trang trí, mà còn là sự giao thoa giữa quá khứ và hiện tại, giữa thiên nhiên và tinh thần Việt – một nét chấm phá đặc biệt trong không gian Tết truyền thống.
Hướng tới giá trị bảo vệ môi trường bền vững
Thay vì sử dụng chậu sứ hay gỗ lũa quen thuộc, anh Đặng Văn Quyết - cộng sự của chị Linh dùng thân tre làm giá đỡ cho những cành lan. Đây không chỉ là một lựa chọn sáng tạo mà còn mang đến một góc nhìn mới về nghệ thuật trưng bày hoa.
"Khi đặt hoa lan trên nền tre mộc mạc, tự nhiên, vẻ đẹp của chúng càng trở nên nổi bật hơn. Sự kết hợp này vừa giữ được nét truyền thống, vừa tạo cảm giác mới lạ, gần gũi mà không kém phần sang trọng", anh Quyết chia sẻ.
Những thân tre được lựa chọn kỹ lưỡng, không quá lớn để tránh cảm giác thô cứng, nhưng đủ chắc chắn để nâng đỡ những cành lan kiêu sa. Mỗi đoạn tre đều được xử lý tỉ mỉ tạo nên tổng thể hài hòa – vừa thanh thoát, vừa vững chãi.
Không chỉ chú trọng đến thẩm mỹ, anh Quyết còn đề cao giá trị phong thủy trong từng chậu hoa. Màu sắc, bố cục, hướng đặt, các tiểu cảnh đi kèm đều được tính toán kỹ lưỡng để mang lại sự cân bằng và vượng khí cho không gian trưng bày. Mỗi tác phẩm là một phiên bản độc bản, không có sự trùng lặp, thể hiện dấu ấn riêng biệt của người sáng tạo.
Chia sẻ thêm về ý tưởng này, chị Linh cũng nhấn mạnh rằng bên cạnh giá trị nghệ thuật, việc sử dụng thân tre thay thế cho chậu sứ hay gỗ còn mang lại nhiều lợi ích thực tiễn.
"Tre là chất liệu thân thiện với môi trường, dễ phân hủy sinh học, giúp giảm thiểu tác động đến thiên nhiên. Việc tận dụng tre không chỉ góp phần bảo vệ môi trường mà còn gợi lên nét đẹp mộc mạc, gần gũi với đời sống người Việt", chị Linh cho hay.
Không chỉ vậy, tre còn có độ bền cao, không lo mục nát hay hư hỏng nhanh như một số chất liệu khác. Đặc biệt, sau khi mùa hoa kết thúc, thân tre vẫn có thể tái sử dụng để trồng cây cảnh hoặc làm vật trang trí trong nhà, mang đến giá trị lâu dài cho người dùng.
Không chỉ hấp dẫn giới yêu hoa, ý tưởng này còn chinh phục nhiều khách hàng, trong đó có chị Tạ Thanh Huyền (quận Nam Từ Liêm, Hà Nội). Sau khi chọn cho mình một tiểu cảnh ưng ý, chị Huyền bày tỏ: "Đặt một chậu lan trên thân tre trong nhà không chỉ làm sáng bừng không gian, mà còn mang lại cảm giác như đang đưa cả hơi thở thiên nhiên vào cuộc sống".
Việc kết hợp tre Việt và hoa lan trong trang trí Tết không chỉ đơn thuần là một sự đổi mới về mặt thiết kế, mà còn là cách để tôn vinh giá trị văn hóa dân tộc. Sự mộc mạc của tre nâng đỡ vẻ đẹp kiêu sa của hoa lan, giống như tinh thần dân tộc Việt Nam – giản dị nhưng kiên cường, khiêm nhường nhưng đầy sức sống.
Văn Hiền