Sản phẩm làng nghề truyền thống: Góp phần phát triển du lịch Thủ đô

27/01/2020 6:00 PM

(Chinhphu.vn) - Hà Nội vốn nổi tiếng là mảnh đất trăm nghề, với rất nhiều làng nghề truyền thống, mỗi làng nghề có một nét đặc trưng riêng, không chỉ mang tới cho du khách những sản phẩm thủ công hấp dẫn mà còn giúp ngành Du lịch Thủ đô ngày càng phát triển.

Du khách thăm quan sản phẩm làng nghề Bát Tràng. Ảnh: Diệu Anh

Những năm gần đây, việc phát triển du lịch làng nghề đang là một hướng đi, được ưu tiên trong chính sách quảng bá và phát triển du lịch Thủ đô. Những lợi ích to lớn của việc phát triển du lịch làng nghề không chỉ thể hiện ở những con số tăng trưởng lợi nhuận kinh tế, ở việc giải quyết nguồn lao động địa phương mà hơn thế nữa, còn là một cách thức gìn giữ và bảo tồn những giá trị văn hoá của dân tộc, gìn giữ bản sắc, hình ảnh con người, vẻ đẹp văn hóa của mỗi địa phương ở Thủ đô.

Điển hình như làng nghề Bát Tràng (xã Bát Tràng, huyện Gia Lâm, Hà Nội), cách trung tâm thành phố khoảng 14km, nổi tiếng với nghề làm gốm, đã có thương hiệu hơn 500 năm nay. Sản phẩm gốm Bát Tràng như lọ độc bình, song bình, bát vẽ chuồn, bát vẽ các tích cổ… từ xưa đến nay đã lưu hành trên khắp mọi miền đất nước và cả nước ngoài.

Đến đây, du khách có thể thả bộ theo những con đường mòn trong làng, tham quan những lò gốm đang hoạt động, thăm những người thợ làm gốm Bát Tràng với đôi bàn tay tài hoa, những con người không chỉ sai khiến được đất và lửa để tạo nên những men ngọc cho đời mà trong họ vẫn còn nguyên đó tình yêu da diết với nghề gốm cổ truyền.

 

Không những vậy, du khách còn có dịp chiêm ngưỡng những con ngõ nhỏ với những bức tường đắp đầy than độc đáo hết sức đẹp mắt, ngắm nhìn những bình gốm sứ được xếp hàng hàng lớp lớp dọc vệ đường, thỏa sức mua sắm trong những gian hàng gốm sứ đẹp mắt tinh xảo… Và còn có thể học làm gốm để tự làm cho mình những sản phẩm riêng, một trải nghiệm vô cùng thú vị.

 

Hay như làng lụa Hà Đông (làng lụa Vạn Phúc), thuộc phường Vạn Phúc, quận Hà Đông, cách trung tâm Hà Nội khoảng 10km. Đây là làng nghề dệt lụa tơ tằm đẹp nổi tiếng có từ ngàn năm trước. Lụa ở đây từng được chọn may trang phục cho triều đình. Sản phẩm lụa Vạn Phúc đa dạng như: Lụa, là, gấm, vóc, vân, the, lĩnh, bằng, quế, đoạn, sa, kỳ, cầu, đũi. Điểm đặc biệt ở những tấm lụa truyền thống được dệt nên từ chất liệu tơ tằm tự nhiên, mang nét mềm mại, mịn óng và tinh tế mà không nơi nào có được.

 

Xu hướng du lịch làng nghề đang hấp dẫn, bởi thế, du khách tham quan không chỉ để đến ngắm nhìn, mua sản phẩm mà muốn được tham gia, học hỏi kỹ năng làm nghề và muốn tự tay tạo ra sản phẩm. Đến đây, du khách được tham quan xưởng dệt, được tìm hiểu quy trình để tạo ra những tấm lụa mềm mịn, từ công đoạn như khâu tơ, hồ sợi, khâu dệt đến khâu nhuộm… Mỗi khâu đều phải tiến hành theo những quy định khá nghiêm ngặt. Ngoài ra, du khách còn được thăm chùa làng và đình làng, nơi thờ phường cửi và thờ Đức Thành Hoàng Làng.

 

Cách trung tâm Hà Nội trên 30km, làng Chuông nằm bên dòng sông Đáy, thuộc xã Phương Trung, huyện Thanh Oai. Sản phẩm nón của làng xưa kia nổi tiếng, được những cô gái thôn quê yêu thích, có nón long, nón dấu cho đàn ông, hay nón chuông để làm cống vật cho hoàng cung. Nón lá làng Chuông được làm từ lá cọ, chỉ và khung nón. Từ lâu đã nối tiếng khắp Việt Nam về nghề làm nón đẹp, bền, đa dạng về kiểu sắc và kích cỡ. Hiện làng Chuông vẫn còn giữ được phiên chợ nón họp 6 phiên/tháng vào các ngày 4, 10, 14, 20, 24 và 30. Chợ họp rất sớm vào thời gian từ 6 giờ đến khoảng 8 giờ thì chợ tan. Phiên chợ chỉ bán nón và các nguyên liệu phục vụ làm nón.

Có thể thấy, du lịch làng nghề ngày càng hấp dẫn du khách và trở thành một hướng phát triển mang lại những lợi ích về kinh tế, xã hội. Hình thức du lịch này góp phần bảo tồn và phát huy những bản sắc văn hoá độc đáo của từng vùng miền, địa phương của Thủ đô. Tuy nhiên, để phát triển du lịch làng nghề cần có sự bắt tay của các doanh nghiệp, tại các làng nghề của Thủ đô cần giữ được nghệ nhân, giữ lại những ngôi nhà có kiến trúc cổ, sưu tầm các sản phẩm nổi tiếng, có phòng trưng bày hiện vật lịch sử phát triển làng nghề.

Đồng thời, tập trung đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ du lịch để hình thành đội ngũ quản lý và điều hành hoạt động du lịch tại làng nghề; huy động cộng đồng dân cư tại làng nghề tham gia vào quá trình hoạt động du lịch.

Ngoài ra cũng cần có sự liên kết giữa các làng nghề, tạo sự kết nối sâu rộng giữa các làng nghề để khai thác triệt để những tiềm năng còn bỏ ngỏ. Góp phần nhân lên sức mạnh thương hiệu, giải quyết mối quan hệ giữa bảo tồn và phát triển các làng nghề của Thủ đô.

Diệu Anh

Top