Sẵn sàng ở mức cao nhất để ứng phó với nước lũ
(Chinhphu.vn) - Mực nước sông Hồng vẫn đang tăng và đã vượt mức độ 2 từ đêm 10/9, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến đề nghị huyện Thanh Trì tổ chức ứng trực 24/24h, sẵn sàng ở mức cao nhất để ứng phó với mức độ cao hơn hiện tại của nước lũ.
Sáng 11/9, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến đã trực tiếp xuống địa bàn, kiểm tra công tác phòng, chống mưa lũ tại khu vực Trạm bơm Hòa Bình, xã Đại Áng, huyện Thanh Trì.
Chủ động vận hành liên tục các trạm bơm tiêu úng để hạ mực nước
Báo cáo nhanh tại hiện trường, Bí thư Huyện ủy Thanh Trì Nguyễn Tiến Cường cho biết, từ ngày 9/9, trên địa bàn huyện có mưa to và rất to. Tổng lượng mưa trung bình đến 7 giờ ngày 10/9/2024 là khoảng 267,7mm và hiện vẫn đang tiếp tục mưa.
Do hoàn lưu bão số 3 gây mưa lớn, trên địa bàn huyện Thanh Trì có 11 điểm ngập úng tại các khu dân cư tại các xã: Ngọc Hồi, Tam Hiệp, Tứ Hiệp, Liên Ninh, Tân Triều. Tại một số khu vực, như: Đường dọc sông Hòa Bình; đường 1A khu vực kho 6; đường 25m-Triều Khúc - Tân Triều; đường Vũ Lăng khu vực Công ty Vinafco… xảy ra tình trạng ngập cục bộ.
Thống kê sơ bộ cho thấy, tổng diện tích bị ngập của huyện Thanh Trì là 1.146ha; diện tích lúa đã trỗ bông bị ngập, đổ 950ha tại các xã Tả Thanh Oai, Vĩnh Quỳnh, Đại Áng, Liên Ninh, Hữu Hòa…; diện tích rau màu, cây ăn quả 391ha tại các xã Duyên Hàn, Vạn Phúc, Yên Mỹ…; 35ha diện tích ao bị tràn bờ tại các xã: Yên Mỹ, Tam Hiệp, Hữu Hòa, Vĩnh Quỳnh.
Do mực nước sông Nhuệ dâng cao đã dẫn đến tràn tuyến đê và sạt lở tại một số điểm đoạn qua xã Đại Áng. UBND huyện đã chỉ đạo các đơn vị, UBND xã Đại Áng huy động lực lượng trên 1.000 người để xử lý khẩn cấp sự cố.
Công ty Điện lực Thanh Trì đã chủ động cắt điện toàn bộ 3 xã vùng bãi gồm: Yên Mỹ, Duyên Hà, Vạn Phúc để bảo đảm an toàn. Sau khi nước rút sẽ cấp điện ngay trở lại để phục vụ sinh hoạt của người dân. Xí nghiệp thoát nước số 7 vận hành hết công suất 5/5 tổ máy tại Trạm bơm Cầu Bươu. Xí nghiệp Thủy lợi Thanh Trì đã vận hành 4 trạm bơm tiêu với với 27 máy bơm tiêu ra sông Nhuệ đã dừng bơm.
Các trạm bơm còn lại chỉ bơm 1 máy do mực nước sông Nhuệ lên cao trên mức báo động số III. Hiện nay, TP. Hà Nội đã cho mở Đập Thanh Liệt để giảm áp lực nước sông Nhuệ.
Để bảo đảm an toàn, huyện Thanh Trì đã vận động, hỗ trợ 32 hộ dân tại các vùng bị úng ngập cục bộ ở các xã: Duyên Hà, Liên Ninh với 71 nhân khẩu đến nơi an toàn.
Hiện Ban Chỉ huy phòng chống lụt bão và Tìm kiếm cứu nạn huyện Thanh Trì duy trì tổ chức ứng trực 24/24h; chủ động vận hành liên tục các trạm bơm tiêu úng để hạ mực nước, giảm thiểu thời gian úng ngập trên địa bàn.
Cùng với đó, huyện cũng triển khai các biện pháp chống ngập úng nhằm bảo đảm khả năng tiêu thoát nước nhanh nhất, giảm thiểu thiệt hại đối với sản xuất nông nghiệp trên địa bàn.
Tập trung mọi nguồn lực để hỗ trợ người dân vượt qua những khó khăn do mưa lũ gây ra
Trực tiếp đi thị sát, kiểm tra công tác ứng phó với mưa lũ tại khu vực đê xung yếu gần trạm bơm Hòa Bình, xã Đại Áng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến ghi nhận nỗ lực của các cấp ủy Đảng, chính quyền và Nhân dân huyện Thanh Trì trong việc chủ động ứng phó với bão số 3.
Đối với việc mực nước sông Hồng liên tiếp tăng cao và đã vượt mức độ 2 từ đêm 10/9, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy đề nghị Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn huyện tổ chức ứng trực 24/24h, sẵn sàng ở mức cao nhất để ứng phó với mức độ cao hơn hiện tại của nước lũ.
Lưu ý mức độ nguy hiểm và những thiệt hại to lớn khi mực nước sông Hồng chạm mức báo động 3, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy đề nghị các cấp ủy Đảng, chính quyền Thanh Trì tập trung mọi nguồn lực để hỗ trợ Nhân dân vượt qua những khó khăn do mưa lũ gây ra. Trong đó, cần đặc biệt quan tâm người yếu thế, người già, trẻ em và các gia đình có hoàn cảnh khó khăn.
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy đề nghị các lực lượng chức năng kiên quyết sơ tán các hộ sinh sống tại khu vực nguy hiểm ngoài đê tới nơi an toàn theo đúng phương châm: sơ tán toàn bộ gia đình, không để sót bất cứ người nào ở lại, tránh tình trạng bị cô lập trong mưa lũ.
Động viên, chia sẻ với các lực lượng chức năng đang ứng trực tại khu vực đê xung yếu xã Đại Áng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy mong muốn, các lực lượng chức năng ứng trực nghiêm túc 24/24h, triển khai nhanh và chính xác mọi chỉ đạo của Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn TP. Hà Nội và huyện Thanh Trì nhằm bảo đảm an ninh, an toàn về tài sản, tính mạng cho người dân trên địa bàn.
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy đề nghị các cấp ủy Đảng, chính quyền quan tâm, hỗ trợ lực lượng chức năng làm nhiệm vụ phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn; trang bị đầy đủ trang thiết bị và phương tiện nhằm tạo điều kiện tốt nhất cho các lực lượng trong quá trình thực thi nhiệm vụ.
Tiếp đó, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy đã tới thăm, động viên các gia đình đang sơ tán tránh lũ tại điểm sơ tán xã Liên Ninh. Ân cần thăm hỏi các gia đình, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy cũng chia sẻ những khó khăn và thiệt hại của người dân huyện Thanh Trì .
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến bày tỏ tin tưởng, mong muốn, các cấp ủy Đảng, chính quyền và Nhân dân huyện Thanh Trì sẽ đoàn kết một lòng, thực hiện nghiêm các chỉ đạo của T.Ư, TP về phòng, chống mưa lũ, từng bước vượt qua khó khăn để sớm ổn định cuộc sống.
Tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Bí thư Huyện ủy Thanh Trì Nguyễn Tiến Cường khẳng định sẽ tổ chức các lực lượng ứng trực nghiêm, sẵn sàng các phương án để hỗ trợ người dân khắc phục khó khăn, từng bước vượt qua những thiệt hại do mưa lũ gây ra.
Thùy Chi