Sẵn sàng vận hành 324 trạm bơm tiêu thoát nước để tránh ngập úng

10/09/2024 4:44 PM

(Chinhphu.vn) - TP. Hà Nội sẵn sàng vận hành 324 trạm bơm với công suất khoảng 4.000.000m3/giờ cho các kịch bản mưa; đồng thời, chủ động vận hành trạm bơm tiêu nước đệm trên toàn hệ thống.

Sẵn sàng vận hành 324 trạm bơm tiêu thoát nước để tránh ngập úng- Ảnh 1.

Trạm bơm tiêu Yên Nghĩa được vận hành tiêu úng cho khu vực phía Tây TP. Hà Nội. Ảnh internet

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, lúc 7h sáng nay, mực nước trên sông Hồng tại Hà Nội 9,02m, dưới báo động 1 0,48m. Trong 12 giờ tới, lũ trên sông Hồng tại Hà Nội tiếp tục lên nhanh đạt mức báo động 1. Trong 12-24 giờ tiếp theo, lũ trên sông Hồng tại Hà Nội tiếp tục lên nhanh đạt mức báo động 2.

Cơ quan khí tượng cho biết, cảnh báo ngập do nước sông Hồng lên báo động 1 và trên báo động 1 là các khu vực bãi Phúc Tân (Phường Phúc Tân, Hoàn Kiếm, Hà Nội), bãi Phúc Xá (phường Phúc Xá, Ba Đình, Hà Nội), Phường Tứ Liên, Quảng Bá, Phú Thượng (Quận Tây Hồ).... Nhiều tuyến phố nội thành có nguy cơ ngập với độ sâu phổ biến từ 10-20cm, một số tuyến phố có khả năng ngập sâu hơn 25cm…

Còn theo dự báo của Đài Khí tượng thủy văn khu vực Đồng bằng và Trung du Bắc Bộ, mực nước trên sông Đà, sông Hồng, sông Đuống, sông Đáy sẽ tiếp tục lên trong hôm nay (10/9). Đỉnh lũ trên sông Đà ở mức dưới báo động 1; sông Hồng, sông Đuống ở mức báo động 1; sông Đáy ở mức báo động 2.

Lũ trên các sông lên cao sẽ gây ngập lụt, sạt lở đất ở vùng ven sông, các bãi nổi, uy hiếp các tuyến đê thuộc quận, huyện Long Biên, Gia Lâm, Đan Phượng, Phúc Thọ, Thanh Oai, Ứng Hòa, Chương Mỹ, Mỹ Đức, Quốc Oai, Thạch Thất, Đông Anh, Sóc Sơn…

TS Nguyễn Ngọc Huy, chuyên gia về biến đổi khí hậu và cảnh báo thiên tai đưa ra khuyến cáo, với diễn biến nước lũ lên rất nhanh, bà con ở các vùng thấp trũng, khu vực ngoài đê sông Hồng khu vực Tứ Liên và Ngọc Lâm, Gia Lâm, vùng ven sông, vùng thấp trũng Chương Mỹ lưu ý nước sẽ lên trong ngày và đêm nay 10/9.

Người dân ở vùng thấp trũng ở Hà Nội nên kê cao đồ đạc, đưa xe ô tô lên chỗ cao. Mưa kết hợp lũ sẽ khiến nước dâng. Đêm qua mưa lan rộng ra hầu khắp 17 tỉnh thành ở miền Bắc, nguy cơ ngập lụt diện rộng và ngập lụt cục bộ nhiều nơi. Hôm nay, dự kiến mưa tiếp tục lớn và diễn ra trên diện rộng. Nhiều khu vực ngoại thành Hà Nội nước đã lên 30-50cm và dự báo tiếp tục lên nữa trong hôm nay.

Trước tình hình nước sông Hồng dâng cao, gây nguy cơ ngập lụt, Hà Nội chuẩn bị sẵn sàng vận hành 324 trạm bơm với công suất khoảng 4.000.000m3/giờ cho các kịch bản mưa.

Đối với hệ thống tiêu thoát nước khu vực đô thị, thành phố Hà Nội đã thực hiện đầu tư xây dựng hoàn chỉnh theo quy hoạch đối với khu vực nội thành thuộc lưu vực sông Tô Lịch với diện tích 77,5km2 có thể giải quyết được tình trạng úng ngập cho những trận mưa có cường độ mưa theo thiết kế 300mm/2ngày đối với toàn bộ hệ thống, 70mm/h đối với hệ thống cống.

Cùng với đó, các công ty Thủy lợi tăng cường triển khai vận hành các trạm bơm tiêu phòng, chống úng, ngập ngoại thành, hiện đang vận hành 203 trạm bơm tiêu với 776 máy bơm, tổng lượng bơm tiêu khoảng 1.349.580 m3/giờ. Đồng thời, huy động lực lượng khơi thông, tua vớt rác, bơm hút nước giải toả các điểm úng ngập cục bộ trong nội thành với khoảng 2.416 người; 323 phương tiện; 139 thiết bị bơm hút chống ngập.

Trước đó, đêm ngày 9/9, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Trần Sỹ Thanh đã ký Công điện số 13 về việc tập trung ứng phó lũ lớn trên các tuyến sông.

Theo Công điện, để chủ động ứng phó với lũ lớn trên sông, giảm thiểu đến mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra, Chủ tịch UBND thành phố yêu cầu, giám đốc/thủ trưởng các cấp, các ngành, lãnh đạo các địa phương căn cứ tình hình mưa lũ, chủ động kiểm tra, rà soát, sẵn sàng triển khai các kế hoạch, phương án hộ đê, phương án ứng phó với mưa lũ theo phương châm "4 tại chỗ" phù hợp với địa bàn, phạm vi, lĩnh vực quản lý; tổ chức thông báo ngay đến người dân, các tổ chức có hoạt động ở khu vực bãi sông, trên sông biết để chủ động phòng, tránh bảo đảm an toàn cho người dân.

Đáng chú ý, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội giao Giám đốc Sở NN&PTNT chỉ đạo các đơn vị trực thuộc kiểm tra, rà soát hệ thống đê điều, kè, cống, trạm bơm, các công trình phòng chống lũ khác, đảm bảo vận hành an toàn, hiệu quả; kiểm tra kỹ thuật, đánh giá hiện trạng, khả năng chịu lực của hệ thống đê điều, kè;

Bên cạnh đó, sửa chữa, gia cố ngay các vị trí xung yếu, hư hỏng; kiểm tra, bảo dưỡng các trạm bơm, cống, đảm bảo vận hành tốt khi cần thiết; chuẩn bị sẵn sàng vật tư, thiết bị, nhân lực để xử lý sự cố đê điều, kè; kiện toàn các đội xung kích kiểm tra đê điều, sẵn sàng ứng phó với các sự cố có thể xảy ra, đảm bảo an toàn đê điều, hồ, đập, các công trình thủy lợi.

Thùy Chi

Top