Sáng tạo sản phẩm mới dựa trên giá trị cốt lõi truyền thống

01/06/2023 2:10 PM

(Chinhphu.vn) - Những năm qua, Hà Nội luôn coi việc phát triển ngành thủ công mỹ nghệ-làng nghề truyền thống trở thành ngành công nghiệp sáng tạo có vai trò quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của Thành phố.

Sáng tạo sản phẩm mới dựa trên giá trị cốt lõi truyền thống - Ảnh 1.

Các nghệ nhân nghề Kim hoàn thực hiện thao tác đúc bạc. Ảnh: VGP/TL

Theo Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm Phạm Tuấn Long, để thúc đẩy phát triển kinh tế đô thị, khôi phục hoạt động của các phố nghề, phố chuyên doanh trong khu phố cổ Hà Nội, tiềm năng của làng nghề truyền thống trong và xung quanh Hà Nội cần phải phát huy nội hàm giá trị của những sản phẩm truyền thống và thiết kế sáng tạo để đổi mới và phát triển.

Trong thời gian qua, các nghề thủ công truyền thống đứng trước rất nhiều thách như: Sự cạnh tranh với các sản phẩm công nghiệp, các sản phẩm nhập khẩu từ nước ngoài có giá thành thấp, thiếu nguồn nhân lực kế thừa ở các làng nghề, vấn đề nguyên liệu, sản phẩm, giá thành cao, marketing và thị trường tiêu thụ hạn chế... Các phố nghề của quận Hoàn Kiếm cũng không nằm ngoài các vấn đề đó.

Hiện nay, nghề thủ công truyền thống đang cần sự kết nối và tiếp sức của các nhà thiết kế, các nhà đầu tư và đội ngũ doanh nhân để mỗi sản phẩm thủ công truyền thống mang trong mình thông điệp di sản có tính đại diện của từng địa phương và khu vực.

"Nghề thủ công truyền thống và các sản phẩm của nó trở thành một kênh lưu giữ ký ức, là "sứ giả" cho hoạt động giao lưu văn hóa. Vấn đề đặt ra là làm sao để các sản phẩm thủ công trở thành món quà lưu niệm được du khách ưu chuộng. Sáng tạo sản phẩm mới phải dựa trên giá trị cốt lõi truyền thống", ông Long nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, việc giới thiệu sản phẩm, xúc tiến thương mại, tìm nguồn nguyên liệu thích ứng, thiết kế mẫu mã sản phẩm, bao bì, nhãn mác bảo đảm yếu tố kỹ - mỹ thuật, bắt mắt, đáp ứng thị hiếu người tiêu dùng trong nước và quốc tế có thể được coi là giải pháp căn cốt.

Để tìm giải pháp nâng tầm cho sản phẩm thủ công, mới đây, Hội Di sản Văn hóa Việt Nam và UBND quận Hoàn Kiếm đã tổ chức tọa đàm "Nghề thủ công truyền thống Hà Nội-Sáng tạo để phát triển".

Anh Nguyễn Việt Nam, Giám đốc sáng tạo thương hiệu "Tired city", chuyên sản xuất các mặt hàng liên quan đến văn hóa dân gian cho rằng, cần đặt khách hàng làm trung tâm trong việc phát triển và gìn giữ sản phẩm thủ công truyền thống, từ đó quan tâm tới nhu cầu của khách hàng khi tiếp cận một sản phẩm văn hóa.

"Chúng ta cần đặt những câu hỏi như: Sản phẩm dùng làm gì, dành tặng ai, có phù hợp không, mang ra nước ngoài như thế nào, cách sử dụng, bảo quản ra sao và đặc biệt là câu chuyện phía sau sản phẩm phải chứa đựng giá trị, niềm tự hào về văn hóa dân tộc. Đồng thời, cần nghiên cứu, xây dựng kho tư liệu để dễ dàng truyền thông, phối hợp xây dựng sản phẩm, từ đó có thể kể câu chuyện rộng hơn về sản phẩm thủ công", anh Nam nhấn mạnh.

Theo ông Đinh Công Tài, Giám đốc Sale and Marketing Công ty TNHH Hanoia, là một thương hiệu thủ công, đặt yếu tố con người lên hàng đầu trong mỗi thiết kế nên một trong những định hướng được công ty đưa ra ngay từ ngày thành lập là kết hợp với các xưởng, làng nghề và nghệ nhân thủ công ở mọi miền đất nước.

"Con đường để tạo nên giá trị cho sản phẩm thủ công phải xuất phát từ việc tạo đầu ra ổn định cho sản phẩm nghệ thuật để tạo điều kiện tốt nhất cho các nghệ nhân có thể sống và làm nghề một cách đúng nghĩa. Chỉ có như vậy, các nghệ nhân và làng nghề truyền thống mới tồn tại và từ đó, nghệ thuật của ông cha truyền lại mới trường tồn", ông Đinh Công Tài nói.

Tiến sỹ Lê Thị Minh Lý, Phó Chủ tịch Hội Di sản văn hóa Việt Nam nhấn mạnh, tầm quan trọng của việc xây dựng cơ sở dữ liệu di sản một cách khoa học, với phương thức quản lý thống nhất, có thể tiếp cận dễ dàng, tạo điều kiện thuận lợi cho cộng đồng sáng tạo thể nghiệm, thực hành những sáng tạo mới, mang lại những giá trị mới cho di sản.

"Khi tích hợp câu chuyện di sản vào sản phẩm thủ công truyền thống, chúng ta có thể tạo ra giá trị lớn hơn cho văn hóa dân tộc. Từ những món quà lưu niệm cho bạn bè quốc tế, đồ thủ công và câu chuyện về quá trình tạo ra nó sẽ trở thành sản phẩm du lịch hấp dẫn," Tiến sỹ Lê Thị Minh Lý chia sẻ.

Diệu Anh

Top