Sáng tạo từ mô hình điểm về phát triển BHXH tự nguyện

28/03/2022 6:00 PM

(Chinhphu.vn) - Mô hình xã điểm về phát triển người tham gia BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình được UBND 30 quận, huyện thành lập từ tháng 6/2021. Chỉ sau một thời gian ngắn triển khai, các xã điểm đã có nhiều cách làm hay, sáng tạo và hiệu quả.

Sáng tạo từ mô hình điểm về phát triển BHXH tự nguyện - Ảnh 1.

Cán bộ Bảo hiểm xã hội TP. Hà Nội vận động người dân tham gia BHXH tự nguyện

Năm 2021, trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, kéo dài, đặc biệt là đợt dịch lần thứ 4 bùng phát, đã ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp, đời sống, sinh hoạt của người dân.

Tuy nhiên, bằng các giải pháp sáng tạo, linh hoạt, phù hợp với diễn biến, tình hình thực tế, công tác phát triển người tham gia đã đạt được những kết quả khả quan, số người tham gia BHXH, BHYT đều tăng so với năm 2020.

BHXH Thành phố đã hoàn thành và hoàn thành vượt một số chỉ tiêu được giao. Năm 2021, số người tham gia BHXH tự nguyện trên địa bàn Thành phố là hơn 63.300 người, tăng hơn 14.600 người (tăng 30,06%) so với năm 2020, đạt 100,21% kế hoạch, chiếm 1,3% lực lượng lao động trong độ tuổi, vượt 0,3% so với chỉ tiêu Hội đồng nhân dân Thành phố giao.

Nổi bật là mô hình xã điểm về phát triển người tham gia BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình được UBND 30 quận, huyện thành lập từ tháng 6/2021. Chỉ sau một thời gian ngắn triển khai, các xã điểm đã có nhiều cách làm hay, hiệu quả.

Điển hình như thị trấn Xuân Mai (huyện Chương Mỹ) đã sáng tạo trong công tác tuyên truyền. Theo đó, các tuyên truyền viên sử dụng xe máy có gắn loa đi từng ngõ ngách, thôn xóm để tuyên truyền về BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình, kết hợp phát tờ rơi, nên trong thời gian giãn cách vẫn gia tăng số người tham gia BHXH tự nguyện.

Tại huyện Ba Vì, UBND xã Vạn Thắng đã phân công, giao chỉ tiêu phát triển người tham gia BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình tới từng thành viên Ban Chỉ đạo, đưa kết quả vào chỉ tiêu đánh giá cuối năm của xã; đồng thời cử cán bộ cùng với các hội, đoàn thể tuyên truyền đến các tiểu thương, các hộ kinh doanh cá thể, gia đình có nghề phụ có từ 5-10 lao động để tư vấn pháp luật về lao động và vận động người dân tham gia BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình…

Đến cuối năm 2021, tại mô hình 30 xã điểm đã có gần 6.500 người tham gia BHXH tự nguyện, chiếm 10,25% tổng số người tham gia BHXH tự nguyện năm 2021, tăng hơn 3.100 người so với trước khi triển khai mô hình điểm về phát triển BHXH tự nguyện.

Trong 7 tháng triển khai mô hình, bình quân 1 xã điểm tăng mới được 115 người/xã tham gia BHXH tự nguyện, cao gấp 2,9 lần so với các xã khác.

Theo ông Nguyễn Đức Hòa, Giám đốc BHXH TP. Hà Nội, từ năm 2022 trở đi, các chỉ tiêu về BHXH tự nguyện của Hà Nội sẽ tăng cao, trong khi đó mức hỗ trợ cho một số nhóm đối tượng có khả năng giảm dần. Chính vì vậy, việc thực hiện theo mô hình điểm là một trong những điểm sáng và hướng đi mới, góp phần nâng cao hiệu quả phát triển BHXH tự nguyện tại các địa phương.

Cũng theo ông Hòa, từ những kết quả đã đạt được, dự kiến năm 2022 sẽ có khoảng 100.000 người tham gia BHXH tự nguyện. "Hiện nay đã có 63.000 người tham gia. Vì vậy, chúng ta cần tiếp tục duy trì và phát triển mới 37.000 người nữa. Đây là bài toán khó, nhưng nếu mỗi một xã, phường phấn đấu từ giờ đến cuối năm đạt 200 người tham gia thì sẽ vượt chỉ tiêu", ông Hòa khẳng định.

Giám đốc BHXH TP. Hà Nội cũng yêu cầu BHXH các quận, huyện, thị xã chủ động phối hợp với Ban Chỉ đạo cấp xã, đặc biệt là các xã điểm để đánh giá, xác định những hạn chế, tồn tại để có giải pháp khắc phục.

Đồng thời, mở rộng mô hình xã điểm với những cách làm hay, sáng tạo, trong đó có thể một quận, huyện tăng thêm số lượng xã điểm lên 2 hoặc 3. Cùng với đó, tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, tăng cường hệ thống loa truyền thanh cơ sở; tăng cường ứng dụng mạng xã hội vào công tác tuyên truyền chính sách...

Diệu Anh

Top