Sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã đúng tiến độ, phù hợp thực tiễn tại địa phương
(Chinhphu.vn) - Hà Nội đang triển khai lập và niêm yết danh sách cử tri lấy ý kiến việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã; đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền để cử tri hiểu rõ, góp phần để việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã đúng tiến độ, đảm bảo chất lượng, phù hợp thực tiễn tại địa phương.
20 quận, huyện lấy ý kiến về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã
Ngay sau khi Nghị quyết số 35/2023/UBTVQH15 ngày 12/7/2023 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 - 2030 được ban hành, tháng 7/2023, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 117/NQ-CP về Kế hoạch thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính (ĐVHC) cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2025, trong đó yêu cầu các địa phương tiến hành việc xây dựng Phương án tổng thể, Đề án sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã; khuyến khích các địa phương chủ động đề xuất sắp xếp ĐVHC phù hợp với thực tiễn địa phương để giảm số lượng ĐVHC, tăng quy mô của từng ĐVHC, giải quyết các vấn đề còn bất hợp lý về phân định địa giới ĐVHC, tinh gọn tổ chức bộ máy và tinh giản biên chế, tạo thuận lợi cho công tác quản lý nhà nước...
Nghị quyết số 117/NQ-CP cũng yêu cầu, năm 2024, các địa phương hoàn thành việc sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã, tiến hành sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy, bố trí đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động tại các cơ quan, tổ chức, đơn vị ở ĐVHC cấp huyện, cấp xã thực hiện sắp xếp giai đoạn 2023 - 2025.
Đối với TP. Hà Nội, trước đó, Chủ tịch UBND Thành phố Trần Sỹ Thanh cho biết, Hà Nội có 30 đơn vị hành chính cấp huyện, trong đó có 17 huyện, 12 quận, 1 thị xã; 579 đơn vị hành chính cấp xã, trong đó có 383 xã, 175 phường và 21 thị trấn.
Trong giai đoạn 2019-2021, Thành phố đã sắp xếp 12 đơn vị hành chính cấp xã, gồm 6 xã và 6 phường. Sau khi sắp xếp, Thành phố đã bố trí lại số lượng cán bộ, công chức dôi dư đảm bảo đúng theo quy định.
Còn theo phương án tổng thể cải cách hành chính của TP. Hà Nội giai đoạn 2023-2025, trong giai đoạn 2023-2025, qua rà soát và đối chiếu với các tiêu chí, Hà Nội dự kiến có 173 đơn vị hành chính cấp xã thuộc diện phải sắp xếp.
Triển khai nhiệm vụ sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã, để hướng dẫn các đơn vị, tháng 2/2024, Sở Nội vụ TP. Hà Nội đã ban hành văn bản về việc triển khai lập và niêm yết danh sách cử tri lấy ý kiến việc sắp xếp ĐVHC cấp xã. Theo đó, UBND các quận, huyện, thị xã triển khai việc lập và niêm yết danh sách cử tri để phục vụ việc lấy ý kiến đối với phương án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã thuộc đơn vị mình theo phương án đã đề xuất. Danh sách cử tri được niêm yết đến ngày tổ chức phát phiếu lấy ý kiến cử tri.
Để sắp xếp các ĐVHC cấp xã giai đoạn 2023-2025, TP. Hà Nội có 20 đơn vị thực hiện lấy ý kiến gồm UBND các quận, huyện, thị xã: Ba Đình, Cầu Giấy, Đống Đa, Hà Đông, Hai Bà Trưng, Long Biên, Thanh Xuân, Ba Vì, Chương Mỹ, Gia Lâm, Mê Linh, Mỹ Đức, Phú Xuyên, Thạch Thất, Ứng Hòa, Phúc Thọ, Thanh Oai, Thường Tín, Quốc Oai, Sơn Tây. Có 3 huyện tiến hành lấy ý kiến cử tri thực hiện trong Đề án lên quận, gồm UBND các huyện Đan Phượng, Hoài Đức, Thanh Trì.
Đẩy mạnh thông tin để cử tri hiểu rõ về sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã
Hiện nay, các xã, phường, thị trấn của các quận, huyện, thị xã thuộc diện sắp xếp ĐVHC cấp xã trên địa bàn Hà Nội đang thực hiện rà soát, niêm yết danh sách cử tri, nhằm chuẩn bị lấy ý kiến cử tri về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã.
Quận Đống Đa có 10 phường chịu ảnh hưởng trực tiếp của việc sắp xếp đơn vị hành chính gồm Khâm Thiên, Trung Phụng, Quốc Tử Giám, Văn Miếu, Kim Liên, Phương Liên Trung Tự, Khương Thượng, Ngã Tư Sở, Thịnh Quang. Danh sách cử tri sẽ được niêm yết trong thời gian tối thiểu 30 ngày đến khi lấy ý kiến cử tri.
Phường Ngã Tư Sở (quận Đống Đa) đã hoàn thành việc niêm yết danh sách cử tri lấy ý kiến việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp phường tại 100% điểm niêm yết tại 12/12 tổ dân phố, bảo đảm đúng luật và tiến độ. Bên cạnh việc lập, niêm yết danh sách cử tri, toàn phường đang đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền bằng nhiều hình thức để cử tri hiểu rõ ý nghĩa, nội dung, thực hiện đúng quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của mình, đảm bảo công khai, dân chủ, đúng pháp luật và ổn định trật tự, an toàn xã hội ở địa phương.
Để triển khai nhiệm vụ này, UBND phường Ngã Tư Sở đã khẩn trương quán triệt tới đội ngũ cán bộ, công chức, công an phường, các đồng chí cán bộ cơ sở để thực hiện kế hoạch đúng tiến độ, đảm bảo chất lượng. Danh sách cử tri trên địa bàn được niêm yết công khai tại 100% các tổ dân phố. Ngoài việc rà soát kỹ, tổ chức niêm yết danh sách cử tri tại các điểm, các chi bộ, tổ dân phố thông báo việc niêm yết danh sách cử tri tới nhân dân qua các nhóm Zalo và chủ động lên phương án bố trí tổ công tác trực để tiếp nhận các phản ánh, bổ sung, sửa chữa thông tin trong danh sách cử tri… Trong trường hợp phát hiện sai sót, các tổ công tác ghi sổ trực, báo cáo UBND phường giải quyết theo đúng quy định của pháp luật.
Chủ tịch UBND quận Đống Đa Lê Tuấn Định đã trực tiếp đi kiểm tra đột xuất một số phường trên địa bàn về công tác niêm yết danh sách cử tri lấy ý kiến về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã và đề nghị các phường tiếp tục đẩy mạnh việc tuyên truyền đến nhân dân về chủ trương, quan điểm, giải pháp chỉ đạo, kế hoạch thực hiện việc sáp nhập đơn vị hành chính để tạo sự đồng thuận sâu rộng trong nhân dân.
Tại quận Long Biên, 3 phường được sáp nhập để giảm còn 2 phường. Trong đó, một phần diện tích phường Sài Đồng dự kiến sáp nhập vào Phúc Đồng và phần còn lại vào phường Phúc Lợi... đến nay, các phường cũng đã hoàn thành việc niêm yết danh sách cử tri lấy ý kiến việc sắp xếp ĐVHC cấp xã.
Phường Phúc Đồng (quận Long Biên) hiện đã hoàn thành việc niêm yết danh sách cử tri lấy ý kiến việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã. Để đảm bảo tiến độ thực hiện các nội dung về lấy ý kiến cử tri, UBND phường đã gửi công văn số 39/UBND-VP đến các tổ dân phố về việc triển khai lập và niêm yết danh sách cử tri lấy ý kiến việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã giai đoạn 2023 - 2025 trên địa bàn phường, triển khai việc đánh máy, in ấn danh sách phát về các tổ dân phố niêm yết đảm bảo đúng quy định.
Còn huyện Gia Lâm có 12 đơn vị thực hiện lấy ý kiến về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã giai đoạn 2023 - 2025, gồm UBND các xã: Đình Xuyên, Dương Hà, Yên Viên, Bát Tràng, Kim Lan, Văn Đức, Đông Dư, Kim Sơn, Phú Thị, Trung Mầu, Phù Đổng và thị trấn Yên Viên; 4 đơn vị thực hiện lấy ý kiến về việc điều chỉnh địa giới hành chính của đơn vị hành chính cấp xã, gồm UBND các xã: Dương Xá, Đa Tốn, Kiêu Kỵ và thị trấn Trâu Quỳ.
Theo Chủ tịch TP. Hà Nội Trần Sỹ Thanh, Hà Nội sẽ tuyên truyền sâu rộng đến đội ngũ cán bộ đảng viên và các tầng lớp nhân dân nhằm tạo sự đồng thuận trong việc thực hiện chủ trương sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trong giai đoạn 2023-2030, trước mắt là giai đoạn 2023-2025. Thành phố sẽ tập trung chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương rà soát, xây dựng phương án tổng thể và đề án sắp xếp đáp ứng yêu cầu; đồng thời phải phù hợp với tình hình, điều kiện thực tiễn tại địa phương.
Gia Huy