Sau hơn 1 tuần cách ly xã hội: Hàng hóa vẫn dồi dào, ổn định

09/04/2020 11:55 AM

(Chinhphu.vn) - Đến nay, sau hơn 1 tuần thực hiện cách ly xã hội, các siêu thị cửa hàng tiện ích cung ứng hàng hóa đã chủ động vừa bán hàng vừa phòng, chống dịch Covid-19. Thị trường hàng hóa trên địa bàn thành phố Hà Nội bảo đảm ổn định.

Hàng hóa siêu thị luôn được cung ứng liên tục, dồi dào. Ảnh: Thùy Linh

Vừa bán hàng, vừa phòng, chống dịch

Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, các siêu thị, cửa hàng tiện ích cung ứng hàng hóa thiết yếu trên địa bàn Thủ đô đã triển khai hàng loạt dịch vụ mới phục vụ khách hàng, chủ động vừa bán hàng vừa thực hiện phòng, chống dịch... Điển hình, từ ngày 1/4, Tập đoàn BRG (đơn vị vận hành các chuỗi siêu thị, cửa hàng tiện ích HaproMart, Hapro Food, Intimex, Seika Mart, Fuji Mart) đã mở thêm 10 cửa hàng tiện ích Hapro Food tại các địa điểm trung tâm để giúp người tiêu dùng Thủ đô thuận tiện trong việc đi lại, rút ngắn khoảng cách đến các điểm mua sắm.

Ông Nguyễn Thái Dũng, Chủ tịch Tổng công ty Thương mại Hà Nội (Hapro - đơn vị thành viên Tập đoàn BRG) chia sẻ, ngoài việc phục vụ khách đến mua sắm trực tiếp tại các điểm bán hàng, Hapro còn phát triển việc bán hàng đa kênh qua thư điện tử, trang Fanpage trên mạng xã hội Facebook, điện thoại… và giao hàng tại nhà. Trong những ngày qua, hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện ích trong chuỗi BRG Mart đã giao hàng miễn phí cho hàng nghìn đơn hàng mỗi ngày.

Nắm bắt nhu cầu khách hàng đi một lần mua cho nhiều ngày, các siêu thị, cửa hàng tiện ích còn đẩy mạnh việc đa dạng các mặt hàng thực phẩm từ sơ chế đến nấu chín, đông lạnh. Đại diện các hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện ích đều khẳng định, thức ăn sẵn đưa vào hệ thống kinh doanh phải đáp ứng nhiều tiêu chí như hương vị truyền thống, không chất bảo quản, không phụ gia thực phẩm...; được kiểm soát chặt chẽ từ nguyên liệu đầu vào, khâu chế biến đến thành phẩm.

Nói về công tác chuẩn bị hàng hóa, bà Nguyễn Thị Kim Dung, Giám đốc siêu thị Co.opmart Hà  Đông, để bảo đảm việc cung ứng hàng liên tục, siêu thị đã làm việc với các nhà cung cấp lớn để tăng lượng hàng gấp 3 lần. “Hằng ngày, hàng hóa được đưa về các siêu thị hai lần. Trường hợp có đột biến, nhà cung cấp sẽ tăng số chuyến. Chúng tôi cũng chủ động điều xe đến lấy hàng, bảo đảm không để việc “đứt” hàng xảy ra”, bà Dung nói.

Cùng với việc cung ứng hàng hóa, công tác phòng dịch cũng được các siêu thị đặc biệt quan tâm. Trong những ngày qua, tất cả các siêu thị, cửa hàng tiện ích đều triển khai đo thân nhiệt, nhắc khách hàng rửa tay trước khi vào siêu thị. Đối với nhân viên, ngoài khẩu trang còn được trang bị găng tay, lắp thêm tấm chắn ngăn cách giữa nhân viên với khách hàng khi thanh toán. Ngoài việc phát loa nhắc nhở, siêu thị đã dán ký hiệu để khách nhận biết và giữ khoảng cách tối thiểu 2m. Đối với cửa hàng tiện ích, do diện tích nhỏ nên nhiều nơi đã bố trí, sắp xếp một số lượng khách nhất định vào cùng lúc.

Chị Nguyễn Thu Thủy, nhân viên thu ngân tại siêu thị Co.opmart chia sẻ: “Công việc của chúng tôi thường xuyên phải tiếp xúc khách hàng vì thế trong đợt dịch này, chúng tôi đã được hướng dẫn cách phòng tránh, trang bị phương tiện bảo hộ kỹ lưỡng. Tuy nhiên tôi cũng mong muốn mỗi khách hàng chấp hành nghiêm các quy định phòng, chống dịch để chung tay cùng cả nước chiến thắng dịch Covid-19”.

Chủ động xây dựng phương án về nguồn cung hàng hóa

Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan cho biết, trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 31/3/2020 về thực hiện các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch Covid-19, thực hiện cách ly xã hội trong vòng 15 ngày kể từ 0h ngày 1/4/2020. Do đã có phương án dự trữ hàng hóa và bảo đảm nguồn cung, nên các siêu thị, hệ thống phân phối đã khẩn trương tăng cường điều tiết, bổ sung đủ hàng hóa đến điểm bán và sẵn sàng mở cửa muộn hơn.

“Trong những ngày qua, không có hiện tượng khan hiếm hàng. Giá các mặt hàng ổn định. Từ ngày 1/4 đến nay, lượng khách đến mua sắm tại các hệ thống phân phối bình thường, một số nơi vắng hơn do người dân hạn chế ra ngoài khi thực hiện giãn cách xã hội”, bà Trần Thị Phương Lan khẳng định.

Cũng theo bà Lan, các siêu thị đã đẩy mạnh kênh bán hàng thương mại điện tử để phục vụ nhu cầu nhân dân. Lũy kế đến thời điểm hiện tại, đã có 11.748 website, ứng dụng thương mại điện tử bán hàng được tiếp nhận, chấp thuận. Theo báo cáo của doanh nghiệp, lượng hàng dự trữ vẫn tăng gấp 4-5 lần ngày bình thường, các nhà cung cấp đã lên kế hoạch phân bổ hàng hóa chuyển từ các tỉnh về cho hệ thống phân phối tại Hà Nội.

Để chủ động trong công tác bảo đảm hàng hóa, phục vụ nhân dân, Sở Công Thương đã xây dựng và triển khai phương án về nguồn cung hàng hóa. Bên cạnh đó, Sở đã đề nghị các quận, huyện, thị xã, các đơn vị sản xuất, kinh doanh chủ động xây dựng phương án bảo đảm hàng hóa phục vụ nhân dân trên từng địa bàn; chú trọng những mặt hàng bình ổn giá.

Đồng thời, Sở đã trình UBND Thành phố xem xét, ban hành nội dung tổ chức hoạt động liên kết vùng và hỗ trợ kết nối cung-cầu hàng hóa giữa thành phố Hà Nội với các tỉnh, thành phố; xem xét hỗ trợ xe chở hàng tiêu dùng thiết yếu và phục vụ công tác bình ổn thị trường hoạt động 24/24 giờ trên địa bàn..

Thùy Linh

Top