Sẽ xây dựng phương án phân cấp quản lý hiệu quả hơn

05/05/2020 3:16 PM

(Chinhphu.vn) - Thời gian qua, các cấp, ngành của thành phố Hà Nội đã nghiêm túc thực hiện các quy định liên quan đến phân cấp nguồn thu, nhiệm vụ chi gắn với phân cấp quản lý kinh tế - xã hội, từ đó đã tạo chuyển biến rõ nét trong công tác chỉ đạo, điều hành ngân sách, quản lý KTXH.

Ảnh minh họa

Việc phân cấp nguồn thu, nhiệm vụ chi cụ thể đến 3 cấp ngân sách địa phương (cấp Thành phố - cấp huyện - cấp xã) đã cơ bản đảm bảo nguồn lực cho các cấp chính quyền địa phương chủ động thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn đã được phân quyền, phân cấp, tạo điều kiện nâng cao vai trò, trách nhiệm của các đơn vị cơ sở, đồng thời đảm bảo sự quản lý tập trung, thống nhất và xuyên suốt từ ngân sách cấp Thành phố đến cấp huyện và cấp xã.

Tiết giảm chi thường xuyên 13.031 tỷ đồng

Theo báo cáo của HĐND thành phố Hà Nội, thu ngân sách nhà nước trên địa bàn toàn Thành phố giai đoạn 2017-2019 đều vượt dự toán Trung ương giao (cụ thể, năm 2017 đạt 103,8%, năm 2018 đạt 103,4%, năm 2019 đạt 102,5%). Đối với thu ngân sách cấp huyện, có nhiều đơn vị hoàn thành vượt dự toán giao.

Năm 2017, có 29/30 quận, huyện, thị xã đơn vị có số thu trên địa bàn vượt dự toán được giao; Năm 2018 có 23/30 quận, huyện, thị xã; Năm 2019 có 17/30 quận, huyện, thị xã.

Song song với đó, chi ngân sách địa phương được quản lý chặt chẽ trên quan điểm thực hiện triệt để tiết kiệm chi thường xuyên từ khâu phân bổ đến tổ chức thực hiện dự toán ngân sách, trong giai đoạn 2016-2020 đã thực hiện tiết giảm chi thường xuyên 13.031 tỷ đồng để tạo nguồn bổ sung dự toán chi đầu tư phát triển và thực hiện dự toán chi trả nợ các khoản đã huy động cho đầu tư phát triển đến kỳ hạn trả nợ của ngân sách Thành phố, góp phần thực hiện mục tiêu cơ cấu lại các khoản chi ngân sách theo Nghị quyết số 07-NQ/TW ngày 18/11/2016 của Bộ Chính trị.

Việc thực hiện tỷ lệ phần trăm phân chia nguồn thu theo nghị quyết HĐND Thành phố đã giúp các địa phương quản lý, khai thác nguồn thu hiệu quả. Việc phân chia cho ngân sách quận, huyện, thị xã tối đa các nguồn thu giao quận, huyện, thị xã quản lý thu đã góp phần nâng cao tính chủ động và trách nhiệm của chính quyền cấp huyện, cấp xã trong việc nuôi dưỡng nguồn thu, quản lý, khai thác các nguồn thu, đảm bảo thu đúng, thu đủ và phấn đấu tăng thu trên địa bàn.

Về phân cấp nguồn thu, nhiệm vụ chi và tỷ lệ phần trăm phân chia nguồn thu giai đoạn 2017-2020 đã nâng số quận tự đảm bảo cân đối ngân sách lên 10 đơn vị (giai đoạn trước số đơn vị tự đảm bảo cân đối là 7 quận); đồng thời, đã tạo nguồn lực cho các quận, huyện, thị xã thực hiện nhiệm vụ đầu tư phát triển hạ tầng KTXH của địa phương, đảm bảo nguồn lực cho các huyện thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới.

Đặc biệt, định mức phân bổ ngân sách đã cụ thể hóa định mức phân bổ ngân sách của Trung ương, phù hợp với điều kiện của Thành phố, đã trên cơ sở kế thừa kết quả đạt được của những định mức phân bổ ngân sách đã có trước đây của Thành phố và cập nhật, bổ sung thêm các yếu tố tác động đên chi ngân sách của các đơn vị (tăng giá tiêu dùng, tăng lương, điều chỉnh, bổ sung các chế độ, chính sách mới của Trung ương và Thành phố ban hành trong thời gian thực hiện định mức).

Thành phố xác định, định mức phân bổ ngân sách là căn cứ để lập và giao dự toán chi thường xuyên hàng năm đối với các đơn vị dự toán thuộc các cấp ngân sách địa phương đã cơ bản đảm bảo mức chi cần thiết để thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng của các cấp chính quyền Thành phố, góp phần vào việc thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu kinh tế xã hội giai đoạn 2016-2020.

Nhìn chung, định mức phân bổ ngân sách giai đoạn 2017-2020 đã tăng cường tính chủ động, linh hoạt cho các cấp trong xây dựng dự toán cũng như trong quản lý, sử dụng ngân sách. Đồng thời, góp phần sử dụng hiệu quả ngân sách nhà nước, thúc đẩy thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, tạo điều kiện đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao chất lượng dịch vụ công.

Định mức phân bổ ngân sách có ý nghĩa quan trọng trong đổi mới quản lý tài chính đối với các cơ quan hành chính, sự nghiệp, là cơ sở để thực hiện khoán biên chế và kinh phí quản lý hành chính với các cơ quan nhà nước và giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho các đơn vị sự nghiệp công lập.

Sẽ xây dựng phương án phân cấp quản lý hiệu quả hơn

Tuy nhiên, HĐND TP cũng chỉ ra một số tồn tại, hạn chế, nguyên nhân và đưa ra những kiến nghị cụ thể với Trung ương và UBND TP. Trong đó, đáng chú ý là HĐND TP đề nghị UBND chỉ đạo rà soát, đánh giá tổng thể, toàn diện các quy định phân cấp quản lý KTXH trên địa bàn, xem xét kịp thời sửa đổi các quy định phân cấp quản lý hiện hành chưa phù hợp và xây dựng phương án phân cấp quản lý làm cơ sở xác định phương án phân cấp nguồn thu - nhiệm vụ chi trong kỳ ổn định ngân sách mới đảm bảo hiệu quả hơn.

Liên quan đến việc phân cấp nguồn thu, Chủ tịch UBND huyện Đan Phượng Nguyễn Hữu Hoàng đề xuất, việc phân cấp nguồn thu, nhiệm vụ chi cần theo nhóm để tập trung nguồn lực, trong đó, 5 huyện đang thực hiện Đề án lên quận đưa vào một nhóm để thành phố có chính sách hỗ trợ chung. Cùng với đó, phân cấp nhiệm vụ chi, thì thành phố cũng phân cấp cả về thủ tục hành chính, vì hiện nay lĩnh vực trong phòng cháy, chữa cháy dù đã có nhiệm vụ chi nhưng thủ tục hành chính phải là cấp thành phố, nên huyện khó thực hiện.

Giám đốc Sở Tài chính Nguyễn Việt Hà cho rằng, trên cơ sở những bất cập, khó khăn của các địa phương, thời gian tới, Sở sẽ tiếp tục rà soát, tham mưu cho UBND thành phố phấn cấp nguồn thu, nhiệm vụ chi và tỷ lệ phần trăm phân chia nguồn thu giữa các cấp ngân sách và định mức phân bổ ngân sách giai đoạn 2021-2025 cho phù hợp.

Theo đó, về phân chia định mức, sẽ kế thừa định mức chi cũ vẫn bảo đảm đã phù hợp; tính toán tỷ lệ trượt giá hàng năm và cập nhật, bổ sung định mức phân bổ ngân sách đối với các phát sinh thêm trong thời kỳ ổn định ngân sách. Sở sẽ tham mưu cho thành phố chia 3 nhóm để phân cấp nguồn thu, nhiệm vụ chi cho sát thực tiễn, tránh bất cập như hiện nay. Trong đó, nhóm 12 quận sẽ tự cân đối ngân sách; nhóm 5 huyện đang thực hiện Đề án lên quận thì sẽ có cơ chế đặc thù để thúc đẩy nhanh đủ tiêu chí thành quận; nhóm các huyện, thị xã còn lại sẽ giao mức thu, chi tối đa, nếu không cân đối được thì thành phố cấp bổ sung.

Việc chia nhóm cho thời kỳ ổn định ngân sách giai đoạn 2021-2025 rất cần thiết, để không tạo khoảng cách quá xa trong cùng một nhóm, đảm bảo tính đồng bộ, Phó Chủ tịch HĐND thành phố Hà Nội Phùng Thị Hồng Hà nêu ý kiến.

Vĩnh Hoàng (t/h)

Top