Siết chặt quản lý, thực hiện nếp sống văn minh trong lễ hội

03/02/2016 4:19 PM

(Chinhphu.vn) – Các lễ hội đầu Xuân được tổ chức trên địa bàn Hà Nội sẽ được tổ chức bảo đảm văn minh, thiết thực, tiết kiệm, phù hợp với thuần phong mỹ tục, có ý nghĩa giáo dục cao, phát huy những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc.

Ảnh minh họa

Hoạt động lễ hội đầu năm trên địa bàn TP. Hà Nội diễn ra hết sức phong phú, đa dạng, các lễ hội đã tạo bầu không khí vui tươi lành mạnh, đáp ứng nhu cầu văn hóa tinh thần ngày càng cao của người dân Thủ đô, tôn vinh người có công với dân, với nước.

Rút kinh nghiệm ở những năm trước khi công tác quản lý và lễ hội chưa thật chặt chẽ, không ít điểm di tích, nơi tổ chức lễ hội xảy ra quá tải và có biểu hiện phô trương hình thức, đầu năm 2016, Thành ủy Hà Nội đã có chỉ thị đến tất cả các quận, huyện thị xã về tăng tường công tác quản lý và tổ chức lễ hội.

Công tác quản lý được tăng cường sẽ góp phần bảo đảm an ninh, trật tự an toàn xã hội, thực hiện nếp sống văn minh trong lễ hội, khắc phục tình trạng đốt nhiều vàng mã, trang phục không phù hợp với nơi thờ tự, đặt tiền lễ không đúng nơi quy định…

Thành ủy Hà Nội đã yêu cầu các địa phương tăng cường quản lý Nhà nước đối với các hoạt động văn hóa, thể thao và du lịch, đặc biệt là hoạt động lễ hội. Rà soát điều chỉnh giảm tần suất, thời gian tổ chức, nhất là những lễ hội có quy mô lớn, phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội ở từng địa phương, cơ sở.

Đồng thời, hạn chế sử dụng ngân sách Nhà nước, đẩy mạnh xã hội hóa các nguồn lực trong việc tổ chức lễ hội. Quản lý chặt chẽ các loại hình dịch vụ, xử lý nghiêm các hành vi lưu hành những ấn phẩm văn hóa trái phép, tuyên truyền mê tín dị đoan và tổ chức các hoạt động trái pháp luật trong lễ hội.

Việc đốt đồ mã cũng được tăng cường quản lý, đặc biệt quản lý sử dụng tiền trong lễ hội theo đúng quy định pháp luật, công khai, minh bạch để phục vụ công tác bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị các di tích và tổ chức lễ hội; khắc phục tình trạng phô trương hình thức, lãng phí, tốn kém và thương mại hóa, đặt hòm công đức và đặt tiền lễ tùy tiện.

Đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá và xúc tiến du lịch, chú ý tập trung khai thác các điểm du lịch văn hóa, các lễ hội lớn của Thủ đô. Tổ chức và quản lý tốt du khách trong và ngoài nước tham dự các hoạt động lễ hội đầu năm; qua đó có cơ hội giao lưu, trao đổi kinh nghiệm, giới thiệu, quảng bá, tôn vinh các giá trị văn hóa truyền thống của Thủ đô.

Ngoài ra, tăng cường các hoạt động thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các hoạt động mê tín, dị đoan, cờ bạc trá hình, “thương mại hóa” lễ hội. Bố trí không gian lễ hội hợp lý, tôn trọng, đáp ứng nhu cầu tâm linh, tín ngưỡng người dân, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, du khách đến hành lễ, tham gia các hoạt động lễ hội; hàng quán, dịch vụ phải bố trí hợp lý, tránh việc lấn át không gian lễ hội...

Trước đó, Ban Bí thư đã có Chỉ thị số 41 ngày 5/2/2015 của về việc tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý và tổ chức lễ hội; Thủ tướng Chính phủ  cũng đã có Công điện số 229 của về việc tăng cường công tác quản lý và tổ chức lễ hội; Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch có Thông tư 15 về Quy định tổ chức lễ hội, Chỉ thị 04 về việc tăng cường công tác quản lý, tổ chức và thực hiện nếp sống văn minh trong hoạt động lễ hội năm 2016.

Thực hiện các văn bản chỉ đạo của Trung ương và Chỉ thị của Thành ủy Hà Nội, Sở Văn hóa Thể thao Hà Nội  đã yêu cầu dừng tổ chức lễ hội chọi trâu Phúc Thọ năm 2016.  Quyết định này phù hợp với chỉ đạo của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch khi yêu cầu các địa phương giảm tần suất, quy mô tổ chức lễ hội, không tổ chức các lễ hội có nội dung bạo lực, truyền bá các hành vi tội ác gồm những hoạt động trong đó có thể hiện cảnh trái với truyền thống yêu hoà bình và nhân ái của dân tộc Việt Nam.

Huy Anh

Top