Siêu bão số 3 gây mưa cực lớn, gió rất mạnh tại Hà Nội từ chiều mai 7/9

06/09/2024 11:39 AM

(Chinhphu.vn) - Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia cho biết, 7h sáng nay (6/9), siêu bão số 3 cách tỉnh Quảng Ninh khoảng 600 km với sức gió mạnh cấp 16 (184-201 km/h), giật trên cấp 17.

Siêu bão số 3 gây mưa cực lớn, gió rất mạnh tại Hà Nội từ chiều mai 7/9- Ảnh 1.

Ảnh hưởng của bão vào miền Trung. Ảnh: VGP

Dự báo, đến 7h sáng mai, bão số 3 đi vào vịnh Bắc Bộ, cách tỉnh Quảng Ninh khoảng 120km với sức gió mạnh cấp 12-13, giật cấp 16.

Do ảnh hưởng của bão nên từ chiều mai, các quận: Ba Đình, Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Đống Đa, Long Biên, Tây Hồ, Cầu Giấy, Hoàng Mai, Thanh Xuân, Hà Đông, Bắc Từ Liêm, Nam Từ Liêm và các huyện: Gia Lâm, Hoài Đức, Đan Phượng, Thanh Trì, Thường Tín, Thanh Oai, Mỹ Đức, Ứng Hòa, Phú Xuyên, Chương Mỹ, Đông Anh, Sóc Sơn, Mê Linh có gió mạnh cấp 5, cấp 6, sau tăng lên cấp 7, cấp 8, giật cấp 10.

Từ chiều tối mai, thị xã Sơn Tây và các huyện: Ba Vì, Thạch Thất, Quốc Oai, Phúc Thọ có gió mạnh cấp 4, cấp 5, sau tăng lên cấp 6, cấp 7, giật cấp 9.

Với cường độ gió như trên, Hà Nội có nguy cơ rất cao thiệt hại về cây xanh, tiềm ẩn tổn thất về người do gãy đổ cây xanh, vật dụng từ trên cao (bồn chứa nước, cửa sổ, biển quảng cáo, tôn mái nhà...) rơi xuống đường...

Ngoài gió mạnh, từ ngày 7 đến 9/9, thành phố Hà Nội có mưa to đến rất to. Lượng mưa tại các quận: Ba Đình, Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Đống Đa, Long Biên, Tây Hồ, Cầu Giấy, Hoàng Mai, Thanh Xuân, Hà Đông, Bắc Từ Liêm, Nam Từ Liêm và các huyện: Gia Lâm, Hoài Đức, Đan Phượng, Thanh Trì, Thường Tín, Thanh Oai, Thạch Thất, Quốc Oai, Đông Anh, Sóc Sơn, Mê Linh đạt 200-300 mm, có nơi cao hơn 400 mm.

Thị xã Sơn Tây và các huyện Phúc Thọ, Chương Mỹ, Ba Vì, Mỹ Đức, Ứng Hòa, Phú Xuyên lượng mưa có thể đạt 150-250mm, có nơi cao hơn 350 mm.

Với lượng mưa này, nhiều tuyến phố, khu dân cư của thành phố Hà Nội có khả năng bị úng ngập, ảnh hưởng đến giao thông, sinh hoạt...

Trước thông tin siêu bão số 3 chuẩn bị đổ bộ vào các tỉnh miền Bắc, hàng loạt cơ quan chức năng đã liên tiếp có các cảnh báo người dân về các biện pháp phòng ngừa nhằm giảm thiểu tác động của mưa, bão; đặc biệt là các nguy cơ về cháy nổ, hỏa hoạn.

Theo thống kê từ cơ quan chức năng, nhiều vụ cháy xảy ra trong mùa mưa bão, nguyên nhân chủ yếu là do sự cố hệ thống điện. Đáng chú ý là hệ thống, thiết bị điện ngoài trời (dây dẫn điện, bảng quảng cáo...) dễ bị hư hỏng lớp vỏ cách điện, dẫn đến tình trạng chạm, chập điện gây cháy. Do đó, người dân, hộ gia đình, cũng như các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp cần cẩn trọng, chủ động phòng ngừa cháy, nổ trong mọi thời điểm.

Để bảo đảm an toàn phòng, chống cháy nổ trong mùa mưa bão, ngoài các biện pháp đảm bảo an toàn phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ đối với hộ gia đình, cá nhân, doanh nghiệp và các cơ sở kinh doanh trên địa bàn, người dân cần thực hiện tốt các biện pháp an toàn, đặc biệt lưu ý không đứng trú mưa tại chân cột điện, dưới mái hiên trạm biến áp; không lên sân thượng, mái nhà nơi có đường dây điện đi qua; không tự ý sửa chữa đường dây, thiết bị phòng cháy, chữa cháy và thiết bị điện ngoài trời; lắp đặt hệ thống chống sét, chống rò điện phù hợp với từng loại công trình; có giải pháp chống tĩnh điện đối với những dây chuyền sản xuất, thiết bị phát sinh tĩnh điện; nên ngắt nguồn điện nếu khu vực trong nhà bị ngập hoặc bị mưa, gió tạt làm ướt sàn; nên cắt nguồn điện cung cấp cho các thiết bị sử dụng điện lắp đặt ngoài trời (bảng hiệu, bảng quảng cáo…) khi mưa to, gió lớn; gia cố chắc chắn nhà cửa công trình để tránh sụp đổ khi có gió mạnh; tăng cường công tác kiểm tra các điều kiện an toàn phòng cháy, chữa cháy trước mùa mưa bão... Khi xảy ra cháy nổ, sập đổ nhà, công trình…, nhanh chóng báo cho lực lượng cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ qua số điện thoại 114.

Minh Anh

Top