Siêu thị đẩy mạnh bán hàng Tết qua thương mại điện tử

11/01/2023 3:16 PM

(Chinhphu.vn) - Năm nay, bên cạnh việc kinh doanh hàng hóa Tết theo hình thực trực tiếp, các siêu thị đã đẩy mạnh sản phẩm lên trang web, sàn thương mại điện tử giúp người tiêu dùng có thể thoải mái lựa chọn sản phẩm theo hình thức trực tuyến.

Siêu thị đẩy mạnh bán hàng Tết qua thương mại điện tử - Ảnh 1.

Ngoài kênh trực tiếp, các siêu thị đẩy mạnh bán hàng Tết online. Ảnh: VGP/Diệu Anh

Xu hướng mua sắm trực tuyến lên ngôi khiến thị trường khuyến mại Tết trên các sàn thương mại điện tử thậm chí sôi động hơn cả kênh mua trực tiếp. Chị Đỗ Quỳnh Anh (37 tuổi, Hà Nội) cho biết, cách đây nửa tháng, cô đã theo dõi các chương trình ưu đãi, giảm giá trên sàn thương mại điện tử, sau đó lưu trước loạt voucher giảm giá để "săn" được hàng Tết giá rẻ.

"Từ quần áo đến mỹ phẩm hay bánh kẹo bày Tết đều có thể mua trên sàn thương mại điện tử, niêm yết giá rõ ràng, lại có cơ hội giảm giá và miễn phí vận chuyển nên tôi cùng bạn bè đang ưu tiên mua sắm chủ yếu qua kênh này", chị Quỳnh Anh nói.

Anh Nguyễn Văn Hưng (Cầu Giấy, Hà Nội) chia sẻ, gia đình anh mới đón thành viên mới, nên vợ anh không quán xuyến việc mua sắm như mọi năm. Vì thế, năm nay anh quyết định đặt hàng Tết online. Điều này vừa giúp anh hoàn thành nhiệm vụ vợ giao, vừa tiết kiệm thời gian đáng kể.

"Sàn thương mại điện tử bán nhiều mặt hàng chất lượng và đa dạng, từ hàng nông sản đến hàng bánh mứt kẹo. Do đó, thay vì xếp hàng thanh toán mất thời gian, tôi có thể thanh toán online không tiền mặt rất tiện lợi", anh Hưng chia sẻ thêm.

Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội cho biết, hiện trên địa bàn Thành phố có 128 chuỗi kinh doanh các hàng nông sản, thực phẩm, 159 chuỗi liên kết sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm nông lâm sản trên địa bàn; 926 chuỗi, cơ sở cung ứng nông lâm, thủy sản của 43 tỉnh, thành phố; trên 80 điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP... Hệ thống cửa hàng này sẽ góp phần đưa hàng Tết đến tay người tiêu dùng.

Bên cạnh kênh bán hàng truyền thống, TP. Hà Nội còn huy động các kênh bán hàng đa phương tiện bao gồm khoảng 600 điểm cung ứng hàng hóa thiết yếu, các sàn thương mại điện tử, siêu thị, hệ thống phân phối đang triển khai bán hàng trực tuyến qua điện thoại, website… để người tiêu dùng nắm bắt thông tin, chủ động mua hàng hóa.

Đáng chú ý, năm nay TP. Hà Nội có 35 doanh nghiệp gồm các sàn thương mại điện tử, siêu thị, hệ thống phân phối, cửa hàng lớn có hình thức bán hàng trực tuyến qua điện thoại, website, ứng dụng thương mại điện tử để người tiêu dùng nắm bắt thông tin, chủ động mua hàng hóa.

Siêu thị đẩy mạnh bán hàng Tết qua thương mại điện tử - Ảnh 2.

Nhiều sàn thương mại điện tử đã bày bán nhiều mặt hàng Tết. Ảnh: VGP/Diệu Anh

Từ giữa tháng 11, trên trang web chính thức của hệ thống siêu thị BigC, Vinmart, Aeon… các mẫu quà Tết Quý Mão 2023 đã chính thức được giới thiệu. Để kích cầu tiêu dùng, các đơn vị này thiết kế nhiều hàng Tết đa dạng mẫu mã và giá cả, cùng với đó là quà tặng và ưu đãi đi kèm như áp dụng mức chiết khấu lên tới 8%, thậm chí có siêu thị chiết khấu lên đến 15%, cùng với đó miễn phí giao hàng. Đặc biệt, các đơn vị này cũng đẩy mạnh bán hàng online qua  mạng xã hội Facebook, Zalo…

Theo các sàn thương mại điện tử, các mặt hàng gia dụng, nội trợ, thực phẩm luôn thuộc nhóm bán chạy. Ước tính, nhu cầu mua sắm sẽ tiếp tục tăng từ 2-3 lần so với ngày thường. Các sàn cho biết về cơ bản đã sẵn sàng và đủ khả năng đáp ứng tốt nhu cầu từ nay cho tới Tết Âm lịch.

Mặc dù mua hàng online đang lên ngôi nhưng các chuyên gia bán lẻ cũng khuyến cáo, người tiêu dùng cần cân nhắc, lựa chọn kênh mua sắm uy tín, có thương hiệu nhằm tránh hàng gian, hàng giả, hàng kém chất lượng, bảo đảm quyền lợi người tiêu dùng trong dịp Tết Nguyên đán.

Diệu Anh

Top