Sớm khôi phục hậu quả sau bão để người dân sinh hoạt bình thường
(Chinhphu.vn) - Sáng 8/9, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh đã thị sát và kiểm tra công tác khắc phục hậu quả sau bão số 3 trên địa bàn quận Hoàn Kiếm.
Kiểm tra hiện trường việc khắc phục hậu quả mưa bão, cây đổ ở phố Ngô Quyền và Đinh Tiên Hoàng, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội nêu rõ, bão số 3 đã đi qua và để lại hậu quả nặng nề.
Chủ tịch UBND TP. Hà Nội chỉ đạo các sở, ngành phối hợp chặt chẽ với các quận, huyện ưu tiên số 1 là nhanh chóng khôi phục giao thông. "Trong ngày hôm nay (Chủ nhật) phải khôi phục hệ thống giao thông để thứ 2 người dân đi làm, sinh hoạt bình thường", Chủ tịch UBND TP chỉ đạo rõ.
Với những cây xanh gẫy đổ, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội đặc biệt lưu ý, có những cây xanh hàng trăm tuổi cần cố gắng giữ lại, trồng lại. Chủ tịch UBND TP. Hà Nội cũng yêu cầu ngành điện khẩn trương khắc phục sự cố để phục vụ sản xuất kinh doanh và sinh hoạt của người dân. Trong đó, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội yêu cầu khẩn trương khôi phục mạng lưới trung thế để phục vụ việc bơm tiêu, thoát nước…
Chủ tịch UBND TP. Hà Nội cũng yêu cầu các quận, huyện, thị xã nhanh chóng kiểm tra, rà soát địa bàn của mình kèm với việc có giải pháp nhanh chóng khắc phục hậu quả mưa bão.
Báo cáo nhanh tại hiện trường, Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm Phạm Tuấn Long cho biết đến 5h sáng 8/9, địa bàn quận có 286 cây gẫy đổ, 22 cây gẫy cành lớn; về người: 3 người (02 nữ + 01 nam) bị thương nhẹ (vào hồi 15h ngày 06/9/2024 do cành cây si gẫy đổ tại 11 phố Chả Cá va quệt).
Về tài sản: 2 xe máy bị hư hỏng nhẹ (do cây si 11 Chả cá đổ - 15h ngày 06/9); 02 tủ điện bị bẹp; 2m rào sắt hư hỏng (do cây xanh 53 Hàng Bài đổ 14h50 ngày 07/9); bị tốc 2 mái tôn (14 Nguyễn Siêu - 16h00 ngày 07/9 và 6 Lê Phụng Hiểu - 18h20 ngày 07/9); 3 cột đèn chiếu sáng đổ (29 Hàng Cót – 20h55 ngày 07/9); Đổ 2 cột điện, 1 ô tô con bị cây đổ bẹp nóc (21h57 ngày 07/9).
Quận cũng đã vận động sơ tán 707 người (trong đó 88 người sơ tán về trường học, điểm an toàn và 620 người sơ tán về nhà người thân, quen).
Tính đến 5h00 sáng ngày 08/9/2024, toàn quận đã huy động tổng lực gần 2.500 người: 18 đội xung kích cấp phường, tổng số 1969 người; Dân quân cơ động 88 người; lực lượng Công an quận và 18 phường, Ban Chỉ huy quân sự quận: 220 cán bộ, chiến sĩ; lực lượng ban ngành: 110 người; cùng các lực lượng chuyên ngành khác: Cây xanh, điện, thoát nước, chiếu sáng, vệ sinh môi trường.
Công tác di dân ra khỏi khu vực nguy hiểm được tập trung kiên quyết thực hiện đảm bảo an toàn. Đã giải tỏa được 2/3 số cây đổ, tập trung giải tỏa trước các cây nguy hiểm đến công trình nhà ở của nhân dân, và giải phóng các trục đường chính đảm bảo giao thông. Các cột đèn chiếu sáng, giao thông đã được khắc phục ngay.
Quận cũng huy động 20 máy phát điện; 30 cưa máy; 03 xe cứu hộ cứu nạn-phòng cháy chữa cháy; 02 xe cấp cứu; 2.500 bộ (áo mưa, mũ, ủng); 120 vật dụng cầm tay: cưa tay, dao, búa, khoan…
Đảng ủy, UBND 18 phường đã chủ động nghiêm túc chỉ đạo của Quận ủy, UBND và Ban Chỉ huy PCTT&TKCN quận: tập trung toàn lực triển khai công tác phòng, chống thiên tai, sẵn sàng theo phương châm "4 tại chỗ". Các lực lượng, đơn vị chuyên ngành: Ban Chỉ huy Quân sự quận; Công an quận; Cây xanh, Điện lực, Thoát nước, Chiếu sáng, Môi trường… đã bố trí lực lượng ứng trực, phối hợp, xử lý ngay các sự cố đảm bảo an toàn.
Chiều ngày 06/9/2024, thành phố Hà Nội bắt đầu xuất hiện dông lốc và mưa trên diện rộng đã gây thiệt hại về người và tài sản. Sáng ngày 07/9/2024, trên địa bàn Thành phố xuất hiện mưa to trên diện rộng. Đặc biệt, tối và đêm ngày 07/9/2024, thời điểm tâm bão đi qua, đã gây ra mưa to và dông lốc, gió cấp 7, giật cấp 9 làm gẫy đổ nhiều cây xanh, mất điện ở một số huyện, ngập úng cục bộ,…
Tính đến 7h sáng ngày 08/9/2024, các thiệt hại ghi nhận gồm 03 người chết và 11 người bị thương do cây đổ. Thành phố thiệt hại chủ yếu là cây xanh, đổ gãy khoảng hơn 2.000 cây, thiệt hại 14.400 cây xanh đô thị, còn toàn địa bàn thành phố ảnh hưởng khoảng 17.000 cây, ảnh hưởng đến giao thông, làm hư hỏng một số phương tiện giao thông và cơ sở hạ tầng.
Khu vực nội thành gần như không mất điện. Khu vực ngoại thành sự cố cột gãy đổ gây mất điện diện rộng ở các huyện Thanh Oai, Chương Mỹ, Phú Xuyên; Thường Tín; Thanh Trì. Do mưa lớn, tập trung, đã xuất hiện khoảng 20 điểm úng ngập khu vực đô thị lúc 00h ngày 08/9. Hà Nội bị ngập 52 ha lúa và 159 ha rau màu; thiệt hại khoảng 10,3 ha cây ăn quả bị. Ngoài ra còn có một số sự cố do dông lốc như tốc mái, sập đổ tường bao, sập đổ nhà, sạt bờ kênh…
Trong sáng nay, Chủ tịch UBND Thành phố Trần Sỹ Thanh cũng đã chỉ đạo các đồng chí Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội theo địa bàn được phân công, trực tiếp xuống các quận, huyện, thị xã để chỉ đạo công tác khắc phục hậu quả cơn bão số 3. Đồng thời yêu cầu các đ/c Giám đốc, Thủ trưởng các sở, ban, ngành, Chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã tập trung chỉ đạo, huy động mọi nguồn lực khẩn trương khắc phục hậu quả sau cơn bão số 3, đảm bảo giao thông, hoạt động sản xuất, sinh hoạt của người dân ổn định sớm nhất. Đặc biệt là việc xử lý giải tỏa cây đổ, cành gãy; khơi thông các điểm úng ngập cục bộ; xử lý sự cố điện, kịp thời triển khai vận hành các trạm bơm tiêu phòng, chống úng, ngập ngoại thành; buộc dựng, cứu lúa đối với diện tích lúa bị đổ; tổ chức tổng vệ sinh, dọn dẹp vệ sinh môi trường…; kịp thời đảm bảo vật tư y tế, lương thực thực phẩm và các điều kiện cần thiết để hỗ trợ người dân trên địa bàn.
Minh Anh