Sự đồng điệu trong tâm hồn và tình yêu văn hóa Việt
(Chinhphu.vn) - Trải qua dâu bể thăng trầm cùng đất nước, đến ngày nay tơ lụa Việt Nam vẫn là một sản phẩm mang tinh thần và sức sống của dân tộc.
Tơ lụa Việt Nam vẫn là một sản phẩm mang tinh thần và sức sống của dân tộc. Ảnh: Nhật Nam |
Hàng ngàn năm qua, tơ lụa là sản phẩm thủ công đã gắn liền với lịch sử phát triển của người Việt. Từ truyền thuyết đến đời thường, từ tổ nghề “công chúa Thiều Hoa” con gái Vua Hùng thứ 6 đến bậc “mẫu nghi thiên hạ” Mẫu Liễu Hạnh đều gắn bó với việc dạy dân trồng dâu, nuôi tằm, dệt lụa.
Trên thực tế, tơ lụa Việt Nam trải qua thăng trầm của lịch sử, chưa bao giờ mất đi giá trị từ đôi bàn tay khéo léo của người thợ thủ công. Nhưng để đưa sản phẩm tơ lụa Việt Nam lên tầm đẳng cấp thế giới thì lại cần một bước chuyển khác.
Theo Tổng thư ký Hiệp hội Tơ lụa Thế giới – ông Fei Jianming, trong số các quốc gia Đông Nam Á, ngành tơ lụa Việt Nam có nền tảng tốt nhất với những làng nghề hàng nghìn năm tuổi. Việt Nam xuất khẩu nhiều sợi se hơn Nhật Bản và Trung Quốc, đồng thời xuất nhiều tơ sống hơn Campuchia và Thái Lan. Nhưng ở hiện nay, để có tiếng nói, thì lụa của Việt Nam phải bước thêm một bước mới hơn so với những năm vừa qua.
Chủ nhân thương hiệu De Silk-chị Văn Hằng, một phụ nữ Hà Nội gốc, từ lâu đã nuôi dưỡng mơ ước được sở hữu một thương hiệu lụa truyền thống của người Việt có thể vươn ra thế giới. Giấc mơ ấy càng thôi thúc chị hơn khi chứng kiến những giá trị, tinh hoa của lụa Việt ngày càng bị cạnh tranh, ảnh hưởng bởi các loại lụa nhập khẩu, hàng nhái không rõ nguồn gốc xuất xứ, bán tràn lan nhưng lạm dụng thương hiệu “made in Việt Nam”.
Theo số liệu thống kê mới nhất vào năm 2018, Việt Nam có sản lượng xuất khẩu lụa thứ 3 châu Á và thứ 6 trên thế giới, nhưng có một nghịch lý là trên bản đồ tơ lụa thế giới không có tên Việt Nam. Chị Văn Hằng chia sẻ rằng: “Không thể tìm được những tấm lụa óng ả với dòng chữ “Made in Vietnam” bởi lụa Việt được xuất khẩu bằng tên của những thương hiệu lụa nổi tiếng thế giới. Thị trường bán nhiều dòng tơ cao cấp của Việt Nam nhưng rất ít người biết xuất xứ hàng hóa. Đó là thiệt thòi rất lớn. Nguyên nhân dễ hiểu nhất có thể hiểu được là do Việt Nam chỉ xuất khẩu lụa thô chứ không có một thương hiệu nào xuất khẩu những mặt hàng lụa tơ tằm cao cấp “made in Việt Nam”.
Theo chị Văn Hằng, lụa tơ tằm dệt thủ công Việt Nam thường mềm mượt, khi chạm vào có cảm giác mát. Còn lụa Trung Quốc rất dễ nhăn và nhàu. Do đó, khi mua, bạn hãy thử vò nát lụa rồi thả tay ra, nếu như lụa về nguyên hình dáng ban đầu thì đúng là lụa tơ tằm thủ công Việt Nam.
Lụa Việt Nam là lụa tơ tằm tự nhiên nhẹ, mịn màng, hút được ẩm và cách nhiệt. Sợi tơ cũng rất bóng, bắt sáng và không bị dính vào da kể cả khi trời lạnh. Đặc biệt là mặc mùa hè thì thoáng mát, vào mùa đông thì ấm. Lụa bền màu theo thời gian, bề mặt khô thoáng và không bị rạn đường may. Ngoài ra, lụa có đặc tính rất riêng là mặc dù rất dễ tạo thành nếp gấp nhưng chỉ cần treo lên một thời gian thì sẽ tự nhiên thẳng mà không cần phải là.
Với tiềm năng của nhu cầu thị trường, cùng với sứ mệnh ghi tên Việt Nam lên bản đồ tơ lụa thế giới, các thương hiệu lụa của Việt Nam đang lần lượt ra đời với mong muốn khôi phục các làng nghề lụa tơ tằm truyền thống, phát triển thương hiệu lụa tơ tằm “Made in Việt Nam” bằng cam kết bán hàng thật, lụa thật, công bố rõ nguồn gốc sản phẩm, tạo uy tín cho người tiêu dùng trong nước và thế giới.
Bằng sự kết hợp giữa sản xuất truyền thống với công nghệ tiên tiến, sản phẩm lụa tơ tằm Việt Nam đang có phẩm cấp vượt trội so với các nước trong khu vực, ngang ngửa với mặt hàng cùng chủng loại đạt chất lượng cao của thế giới. Các doanh nghiệp, nhà thiết kế thời trang Việt đang cùng chung mục tiêu, khát vọng đưa thương hiệu lụa Việt Nam đến với các thị trường danh tiếng như Thuỵ Sĩ, Pháp, Nhật, Ý, Anh…
Nhật Nam