Sự đồng tình của người dân là thước đo trong cải cách hành chính

21/03/2017 4:37 PM

(Chinhphu.vn) - Thuận lợi trong quá trình triển khai khảo sát mức độ hài lòng của người dân và tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước thuộc TP. Hà Nội là sự đánh giá tích cực và đồng tình từ người dân và tổ chức khi họ được thể hiện suy nghĩ và có tiếng nói với các cơ quan cung ứng dịch vụ công.

Phấn đấu để vượt trước 2 năm

Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2011-2020 được ban hành tại Nghị quyết 30c/NQ-CP ngày 08/11/2011 của Chính phủ đặt ra một trong những mục tiêu quan trọng là “bảo đảm sự hài lòng của cá nhân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước đạt mức trên 60% vào năm 2015 và trên 80% vào năm 2020”.

Từ đó, Bộ Nội vụ đã ban hành quyết định phê duyệt đề án phương pháp đo lường sự hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước thống nhất một phương pháp chung, về đo lường, xác định Chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước (gọi chung là Chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính) được áp dụng để đánh giá kết quả, chất lượng các dịch vụ hành chính công do các cơ quan hành chính nhà nước cung cấp.

Theo Giám đốc Sở Nội vụ Hà Nội Trần Huy Sáng, căn cứ chỉ đạo của Bộ Nội vụ, UBND TP. Hà Nội đã giao Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế-xã hội Hà Nội phối hợp với các cơ quan có liên quan hàng năm xây dựng kế hoạch thực hiện điều tra thăm dò dư luận xã hội nhằm đánh giá sự hài lòng của tổ chức và công dân đối với sự phục vụ của các cơ quan hành chính thuộc Thành phố.

Mục tiêu của các cuộc khảo sát mà TP. Hà Nội đặt ra là lấy ý kiến đánh giá của người dân, tổ chức về chất lượng cung ứng dịch vụ hành chính công của các cơ quan hành chính Thành phố nhằm phát huy vai trò giám sát của người dân đối với sự phục vụ của các cơ quan hành chính nhà nước của Thành phố.

Việc lấy ý kiến cũng với mục đích tìm nguyên nhân của những yếu kém, thiếu sót, bất cập trong việc cung ứng các dịch vụ hành chính công; khảo sát và đề xuất các giải pháp nhằm cải thiện chất lượng cung ứng dịch vụ hành chính công và nâng cao trách nhiệm, thái độ phục vụ người dân, tổ chức của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.

Đặc biệt, TP. Hà Nội phấn đấu đạt được mục tiêu 80% sự hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính Thành phố vào năm 2018 (sớm hơn 2 năm so với mục tiêu, yêu cầu của Chính phủ).

Tại hội nghị báo cáo đánh giá việc triển khai đo lường, xác định chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức với sự phục vụ của cơ quan hành chính Nhà nước toàn quốc tổ chức ngày 14/3, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội cho biết, năm 2014, TP. Hà Nội khảo sát với 6 thủ tục, kết quả cho thấy tỷ lệ hài lòng cao nhất là cấp chứng minh nhân dân, với 91,33%; giấy khai sinh đạt 87,09%; đăng ký kết hôn đạt 84,7%... và thấp nhất là GCN quyền sử dụng đất đạt 71,16%.

Tiếp đó, năm 2015, Hà Nội khảo sát với thủ tục cấp chứng nhận đăng ký kinh doanh và cấp chứng chỉ quy hoạch, cho kết quả chung đạt 77,54% hài lòng. Còn năm 2016, qua khảo sát với 4 nhóm dịch vụ lao động việc làm, bảo hiểm thất nghiệp, bảo trợ xã hội, người có công, đều cho kết quả hầu hết hài lòng.

Riêng năm 2017, từ đầu năm thành phố đã ban hành Đề án xác định phạm vi khảo sát sự hài lòng của người dân, tổ chức tại 22 sở, ngành và 30 quận, huyện, thị xã ít nhất một lần/năm và khuyến khích thực hiện nhiều lần trong năm.

Kết quả đo lường sự hài lòng của người dân, tổ chức với cơ quan hành chính Nhà nước năm 2015 bước đầu phản ánh được thực trạng và chất lượng giải quyết các TTHC của các cơ quan hành chính Nhà nước. Mong đợi của người dân, tổ chức đối với đối với việc giải quyết TTHC, phục vụ nhân dân trong thời gian tới. Từ đó giúp các cơ quan hành chính Nhà nước xác định các giải pháp phù hợp, khách quan nhằm khắc phục yếu kém, nâng cao chất lượng giải quyết TTHC, phục vụ người dân ngày càng tốt hơn.

Khó khăn trong quá trình triển khai được ông Trần Huy Sáng cho biết là do nhận thức và yêu cầu của người dân tại mỗi địa phương khác nhau, phụ thuộc vào mức độ dân trí, yêu cầu của người dân, dẫn đến yêu cầu đánh giá về sự hài lòng là khác nhau.

Ngoài ra, việc tiến hành khảo sát mức độ hài lòng của người dân, tổ chức chưa được thực hiện đồng bộ hàng năm, chưa có sự kế thừa và so sánh; nhiều cơ quan cùng tiến hành khảo sát nên thiếu sự thống nhất; một số cơ quan vừa thực hiện giải quyết các TTHC cho người dân và tổ chức lại vừa thực hiện khảo sát mức độ hài lòng nên thiếu tính độc lập, khách quan.

Để kết quả điều tra sự hài lòng của người dân có kết quả hiệu quả hơn nữa, Sở Nội vụ TP. Hà Nội đã có những đề xuất với Bộ Nội vụ. Đó là, khi chính quyền điện tử của các địa phương đã tương đối phát triển thì có thể khảo sát, điều tra xã hội học trên môi trường mạng internet để tiết kiệm kinh phí.

Đồng thời nên có quy định rõ thời gian công bố kết quả xác định chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước hàng năm (vào tháng 3 của năm sau liền kề) để các Bộ, ngành, UBND các tỉnh, thành phố căn cứ kết quả chỉ số để có những biện pháp khắc phục kịp thời những mặt chưa làm tốt. Sở Nội vụ cũng nêu đề xuất ban hành kế hoạch triển khai ngaỵ từ đầu năm và việc điều tra được thực hiện trong năm xác định chỉ số, để đến cuối năm có thể tổng hợp và đầu quý I năm sau công bố.

 Gia Huy

Top