Sức sống bền bỉ của làng nghề mây tre đan truyền thống

21/04/2021 12:27 PM

(Chinhphu.vn) - Là một trong bảy làng nghề mây tre đan lâu đời nổi tiếng khắp cả nước, cho đến nay, những sản phẩm của làng nghề mây tre đan Phú Vinh xã Phú Nghĩa, huyện Chương Mỹ, TP. Hà Nội đã đi tới mọi miền đất nước và có mặt tại nhiều quốc gia trên thế giới.

Làng nghề truyền thống mây tre đan Phú Vinh mang lại thu nhập ổn định cho người dân. Ảnh: Thiện Tâm.

Hơn 400 năm gìn giữ thương hiệu làng nghề

Làng Phú Vinh được coi là xứ sở về nghề mây tre đan với lịch sử nghề hơn 400 năm. Trải qua thăng trầm của cuộc sống, những tinh hoa cốt cách của làng nghề vẫn luôn được bảo tồn, giữ gìn trọn vẹn trong từng sản phẩm, tác phẩm đan lát thủ công truyền thống.

Những người con của làng nghề Phú Vinh ai cũng biết làm mây tre đan, những thế hệ thanh niên của làng đều quá quen thuộc với việc sáng đi học, ngoài giờ đến lớp lại cầm sợi mây xâu hàng. Cứ thế, theo nghề “cha truyền con nối”, người dân nơi đây với đôi bàn tay tài hoa khéo léo, đã sáng tạo biết bao sản phẩm, tác phẩm nghệ thuật tinh xảo, công phu đáp ứng đông đảo nhu cầu thị hiếu của người tiêu dùng.

Thời gian trước, mây tre đan Phú Vinh sản xuất chủ yếu sản phẩm thiết thực phục vụ cuộc sống hằng ngày như: Dần, sàng, thúng mủng, rổ, giá….Theo sự phát triển của thị trường, nhiều mẫu mã chủng loại ra đời được dùng làm đồ trang trí nội thất, thời trang, mỹ thuật thậm chí còn là nguyên liệu ứng dụng trong thiết kế công trình nhà ở.

Theo ông Nguyễn Văn Chí, Chi cục trưởng Chi cục phát triển nông thôn: Để đẩy mạnh phát triển làng nghề, các cuộc thi ý nghĩa như sáng tác mẫu sản phẩm do Sở NN&PTNT Hà Nội, Chi cục PTNT Hà Nội đứng ra tổ chức đã mang lại hiệu ứng tốt. Ban lãnh đạo cán bộ Chi cục rất quan tâm, tạo điều kiện tổ chức gặp gỡ giao lưu với doanh nghiệp cung cấp nguyên liệu, doanh nghiệp thiếu lao động…

Theo ông Nguyễn Văn Trung, Giám đốc Công ty TNHH Mỹ nghệ Hoa Sơn chia sẻ, làng nghề mây tre đan Phú Vinh là làng nghề được Bộ Khoa học và Công nghệ công nhận là Thương hiệu quốc gia, bao đời nay người dân của làng vẫn sống bằng nghề đan lát này nhưng còn thuần túy, đơn giản. Vì vậy, để vừa bảo tồn phát huy giá trị và  phát triển ưu thế của sản phẩm làng nghề, nhằm quảng bá rộng hơn nữa tinh hoa tốt đẹp của các sản phẩm thủ công truyền thống, năm 2005 tôi đã thành lập doanh nghiệp để có thể hợp thức hóa những giao thương thương mại, tư cách pháp nhân trong việc tiêu thụ, xuất khẩu sản phẩm.

“Những năm gần đây các mẫu mã của công ty Hoa Sơn và làng nghề Phú Vinh xuất khẩu sang Pháp, Đức, Anh, Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc, góp mặt hơn 30 nước khác nhau. Trong làng nghề, mỗi doanh nghiệp đều có thế mạnh và trường phái riêng trong sản xuất sáng tác tác phẩm của mình nên đều có chỗ đứng riêng trên thị trường quốc tế”, ông Trung cho biết thêm.

Có thể nói, nghề mây tre đan không phải là công việc thủ công, không  nặng nhọc, không đòi hỏi sức lao động, lứa tuổi, trình độ, hay thiết bị công nghệ hiện đạ. Vì thế, hầu hết mọi đối tượng đều có thể làm được. Thực tế, hàng chục triệu dân làng vẫn sống, tồn tại bằng chính nghề suốt bao thế hệ. Với lợi thế nguyên liệu phong phú, đa dạng, chỉ cần biết vận dụng sáng tác, tạo ra tác phẩm thiết thực, ý nghĩa là có thể sống được với nghề và bán được sản phẩm dễ dàng.

Là một doanh nhân nhưng cũng là người con mảnh đất Phú Vinh, với tâm huyết, tư duy, trách nhiệm giữ gìn, phát huy làng nghề truyền thống, ông Trung đã thành lập Trung tâm đào nghề mây tre chuyên nghiệp. Tại đây, tập trung những giảng viên giỏi là nghệ nhân, thợ lành nghề, giàu kinh nghiệm, họ được cử đi học nâng cao về cách quản lý, nghiệp vụ đào tạo để giảng dạy và truyền nghề cho người dân, thế hệ trẻ.

Ban đầu khi thành lập trung tâm, mục đích chủ yếu của ông Trung và những hội viên là mong sao dạy nghề cho những người bên ngoài công ty. Tuy nhiên, người lao động có nhu cầu học nghề và phát triển tương lai cùng mây tre đan trên nhiều tỉnh thành trong cả nước đã chủ động liên hệ với trung tâm để được học hỏi kiến thức, kinh nghiệm và phương thức kinh doanh.

Đây chính là tín hiệu tích cực mà những người yêu mến nghề mây tre đan, trân quý những tinh hoa nghề truyền thống như ông Trung hết sức vui mừng, phấn khởi.

Trăn trở và những hướng đi

Trong bối cảnh đại dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, khó lường trải rộng khắp các nước trên thế giới trong đó có Việt Nam. Hầu hết mọi lĩnh vực, hoạt động kinh tế văn hóa đời sống đều bị ảnh hưởng nghiêm trọng, thậm chí không ít ngành nghề tê liệt, phá sản vì dịch bệnh.

Làng nghề mây tre đan Phú Vinh đứng trước thách thức ấy cũng bị tác động trở ngại nhất định. Đặc biệt trong thời gian thực hiện quy định giãn cách xã hội, nguyên liệu không chuyển kịp hoặc chuyển được thì lại chậm, nhân công làm việc nhỏ lẻ theo số lượng cho phép nên năng suất thấp. Không được tập trung đông người nên việc tổ chức sản xuất gặp trở ngại.

Bên cạnh đó, vì sản phẩm chủ yếu xuất khẩu nên công tác vận chuyển không đúng tiến độ như ký kết với đối tác dẫn đến chậm thanh toán hoặc số lượng hàng hóa không đủ yêu cầu dẫn đến doanh thu của doanh nghiệp bị ảnh hưởng nhiều, thu nhập người lao động giảm mạnh.

Tuy nhiên, so với các ngành nghề khác, mây tre đan vẫn bảo đảm đầu ra cho sản phẩm cũng như công việc đều đặn cho bà con. Các đơn hàng từ nước ngoài vẫn liên tiếp,  nhu cầu sử dụng sản phẩm từ mây tre ở các nước rất cao, người lao động duy trì thu nhập giữ tâm dịch… cũng có thể coi là tín hiệu vui trong thời điểm này.

Đồng thời, các hội viên trong Hội nghề nghiệp mây tre đan quyết tâm, đồng lòng đưa ra phương án, mục tiêu trong giai đoạn dịch bệnh phải giữ vững thông thương thương mại, nghề nghiệp, chăm lo cho đời sống của người lao động yên tâm vượt qua khó khăn trước mắt.

Hiên nay, tổng số lao động của Hội là 25.000 người, bình quân lương trước dịch là 5.5 triệu đồng/1 người. Hội Mây tre Phú Vinh có trên 40 doanh nghiệp chuyên tổ chức sản xuất và kinh doanh mặt hàng mây tre. Năm 2020 đạt 197 tỷ doanh số, sang năm 2021, dịch bệnh diễn biến nhiều đợt nên giảm 55% (xấp xỉ khoảng 100 tỷ).

Nói về định hướng phát triển của doanh nghiệp và làng nghề mây tre Phú Vinh trong thời gian tiếp theo, ông Nguyễn Văn Trung bày tỏ: Trước mắt Hội và Trung tâm sẽ tập trung định hướng phát triển lực lượng lao động sản xuất để đáp ứng số lượng hàng hóa, sản phẩm theo yêu cầu của đối tác, các mẫu mã mới phù hợp thích ứng trong giai đoạn COVID-19 cũng sẽ được triển khai do khách hàng thị trường khác nhau nên nhu cầu sử dụng sản phẩm khác nhau

Mặt khác vận động doanh nghiệp đầu tư tính toán thiết bị công nghệ bổ trợ, hỗ trợ sức lao động cho bà con đặc biệt ở vùng sâu vùng xa. Tăng cường đào tạo bồi dưỡng tay nghề cho lao động học xong chưa có việc làm hoặc đối tượng đã hết tuổi lao động hay những trường hợp hoàn cảnh đặc biệt không thể đi làm đâu được… có nguyện vọng làm nghề, tăng thêm thu nhập.

Trong những năm qua, được sự quan tâm của các cấp chính quyền, sở ban ngành địa phương và thành phố Hà Nội, làng nghề mây tre Phú Vinh đã có những bước phát triển vững chắc trong sản xuất kinh doanh, thương mại đặc biệt xuất khẩu, quảng bá sản phẩm rộng rãi.

Thay mặt cho Hội làng nghề mây tre Phú Vinh, ông Nguyễn Văn Trung đề xuất các cấp ban, ngành thành phố, địa phương và đơn vị, quan tâm, đầu tư hơn nữa về công nghệ, con người, nhằm đảm bảo công việc, thu nhập ổn định, an sinh xã hội, nâng cao chất lượng đời sống cho người dân. Tiếp tục triển khai các cơ chế chính sách hỗ trợ và định hướng cho doanh nghiệp, người lao động làng nghề Phú Vinh trong việc giữ gìn và phát triển bền vững làng nghề thủ công truyền thống.

Thiện Tâm

Top