Tái hiện các nghi lễ cung đình tại Hoàng thành Thăng Long
(Chinhphu.vn) - Sáng 22/1, Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long - Hà Nội phối hợp cùng Hội Di sản Văn hóa Thăng Long đã tái hiện nhiều nghi lễ cung đình nhân dịp Tết Nguyên đán.
Đây là các nghi thức được nhiều đời vua tại Hoàng thành Thăng Long thực hiện mỗi dịp Tết đến, Xuân về để "Tống cựu nghinh tân".
Trước khi thực hiện nghi lễ, lễ dâng hương tưởng nhớ các bậc tiên đế tại điện Kính Thiên được thực hiện, tiếp theo là nghi thức cúng ông Công ông Táo. Sau đó, đoàn nghi lễ đã cùng chủ tế thả cá chép tại dòng sông cổ, khu khảo cổ 18 Hoàng Diệu. Theo đúng phong tục, nghi thức thả cá chép được chuẩn bị kỹ lưỡng, đoàn rước ăn mặc chỉnh tề trong trang phục truyền thống áo the, khăn xếp.
Sau nghi thức thả cá, đoàn rước trở về khu vực Đoan Môn tái hiện việc dựng cây nêu ngày Tết.
Lễ dựng cây nêu là một phong tục cổ truyền của người Việt trong dịp Tết Nguyên đán. Đồng thời, đây cũng là nghi lễ quan trọng của cung đình. Trong thời kỳ quân chủ, đích thân nhà vua hoặc một vị quan có phẩm hàm cao được giao nhiệm vụ này, tục thường diễn ra vào 23 tháng Chạp. Khi cây nêu dựng lên báo hiệu mùa xuân đã về, mọi công việc triều chính tạm dừng. Trước khi dựng nêu phải lập đàn tế trời đất, sau phần lục cúng, ngũ bái dâng lễ vật mới tiến hành động thổ dựng nêu.
Việc dựng cây nêu tại Hoàng thành Thăng Long ngoài ý nghĩa dân gian giúp xua đuổi ma quỷ, còn mang ý nghĩa cầu cho quốc thái dân an, mùa màng tốt tươi, đất nước thịnh vượng.
Sau một thời gian nghiên cứu, Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long - Hà Nội đã phối hợp Hội Di sản Văn hoá Thăng Long phục dựng thành công nghi lễ này.
Minh Anh