Tái hiện các nghi lễ truyền thống 'Tiễn cựu nghinh Xuân'
(Chinhphu.vn) - Sáng 26/1, các nghi lễ truyền thống “Tiễn cựu nghinh Xuân” như nghi thức cúng ông Công ông Táo, dựng câu Nêu đã được tái hiện tại Khu di sản Hoàng thành Thăng Long nhân dịp Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019.
Du khách háo hức với nghi lễ truyền thống “Tiễn cựu nghinh Xuân” tại Hoàng thành Thăng Long. Ảnh: Diệp An |
Theo Trung tâm bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội, với thông điệp “Hoàng thành Thăng Long, điểm đến di sản mùa Xuân 2019”, Trung tâm tập trung giới thiệu một bức tranh văn hóa truyền thống nhiều sắc màu trong không gian di sản mùa Xuân, đưa đến cho du khách những cảm nhận thú vị về phong tục tập quán độc đáo gắn với ngày Xuân của dân tộc Việt Nam.
Nhiều nghi lễ truyền thống được tái hiện như: Lễ cúng ông Công, ông Táo; lễ dâng hương của đoàn kiều bào trong chương trình Xuân quê hương tại không gian điện Kính Thiên; lễ thả cá chép tại dòng sông cổ tại Khu khảo cổ học 18 Hoàng Diệu; lễ dựng cây Nêu tại sân Đoan Môn.
Theo Ban Tổ chức, trong cung đình Thăng Long xưa kia, các nghi lễ ngày Tết được thực hiện rất trang trọng, nghiêm cẩn, thể hiện rõ ý nghĩa “Tống cựu nghinh Xuân”, tiễn năm cũ đi để đón năm mới về, bao gồm một chuỗi các lễ thức như Lễ ban sóc (24/12 âm lịch), Tiến Xuân Ngưu (vào tiết lập xuân trước Tết), Lễ phất thức (lau ấn tín), Lễ thướng tiêu (dựng cây nêu). Trong đó, Lễ Thướng tiêu, dựng cây nêu ngày tết được diễn ra khoảng ngày 23 - 30/12 AL. Đây là nghi thức truyền thống trong Tết Nguyên Đán của người Việt mang màu sắc phật giáo và tín ngưỡng dân gian, với mong muốn xua đuổi điều không tốt và cầu may mắn. Cây nêu trong cung đình được nhà vua dựng lên ở nhiều vị trí khác nhau trước chính điện thiết triều và các miếu điện, là biểu tượng báo hiệu Tết đến Xuân về.
Các nghi lễ được tổ chức trang trọng, thể hiện sự thành kính với các bậc đế vương trị vì đất nước cũng như sự trân trọng các giá trị văn hóa truyền thống. Đây cũng là hoạt động mở đầu cho chuỗi hoạt động đón Xuân trong không gian di sản, đưa đến cho du khách những cảm nhận thú vị về phong tục tập quán độc đáo gắn với ngày Xuân của dân tộc.
Bên cạnh đó, không gian điện Kính Thiên được trang hoàng với cờ hoa, quạt, lọng theo phong cách cổ truyền; quảng trường hoa được sắp đặt tại sân Đoan Môn với chủ đề “Thăng Long đón Xuân, muôn hoa hội tụ”; không gian trưng bày gợi nhớ Tết xưa với chủ đề “ Hương Xuân” cũng được tái hiện tại Nhà đón tiếp 19C Hoàng Diệu với nhiều hình ảnh sinh động như: Nghênh rồng ngày xuân, xin chữ thư pháp và thú chơi câu đối Tết, mô hình nấu rượu hoa tiến vua, tranh dân gian tết, gian hàng bao cấp ngày tết và nghệ thuật gấp giấy Origami hình các con giáp.
Điểm nhấn của trưng bày là giới thiệu nét văn hóa ngày xuân trong thưởng thức rượu Tết, bánh Tết và mô hình nấu rượu hoa ngày Tết. Ban Tổ chức mong muốn với nhiều hình ảnh sinh động, trưng bày đã đưa du khách trở về miền ký ức đầy sắc màu cùng dải xúc xích, hoa dây trang trí ngày Tết bằng giấy thủ công, giấy báo cũ; hoài niệm về những cái Tết xưa.
Các du khách nhí sẽ được trải nghiệm chợ Tết, tìm về Tết xưa qua các trò vui dân gian, viết chữ thư pháp, làm hoa Tết, ghép tranh vải, nặn tò he … và thưởng thức các tiết mục múa rối nước đặc sắc.
Diệp An