Tái hiện Nghi lễ cúng ông Công ông Táo ở Hoàng Thành Thăng Long
(Chinhphu.vn) - Sáng 17/1 (tức 23 tháng Chạp), Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long-Hà Nội tái hiện nghi lễ tiễn ông Công ông Táo về trời tại điện Kính Thiên.
Lễ thả cá tại dòng sông cổ ở khu vực khảo cổ 18 Hoàng Diệu. Ảnh: Minh Anh |
Theo tục lệ cổ truyền của người Việt, hằng năm cứ đến ngày 23 tháng Chạp âm lịch, Táo Quân lại cưỡi cá chép bay về trời để trình báo mọi việc xảy ra trong gia đình với Ngọc Hoàng. Cho đến đêm Giao thừa Táo Quân mới trở lại trần gian để tiếp tục công việc coi sóc bếp lửa của mình. Trong ngày này mọi gia đình thường làm cơm cúng tiễn đưa Ông táo về trời. Phong tục này bắt nguồn từ những câu truyện cổ được lưu truyền trong dân gian từ đời này qua khác.
Trong buổi tái hiện Nghi thức thả cá chép trong lễ ông Công ông Táo, đoàn rước ăn mặc chỉnh tề trong trang phục truyền thống áo the, khăn xếp. Cá chép đỏ được đựng trong chậu bằng đồng thau, sau khi làm lễ cúng được rước ra sông cổ tại khu di tích khảo cổ 18 Hoàng Diệu để phóng sinh.
Theo PGS.TS Đặng Văn Bài, Phó Chủ tịch Hội Di sản văn hóa Việt Nam, đây là một phong tục rất đẹp. Việc chúng ta thả cá chép vào nước còn mang ý nghĩa phóng sinh, khuyến khích con người yêu thiên nhiên, yêu động vật.
Sau khi tiễn ông Công ông Táo về trời, đoàn rước trở về khu vực Đoan Môn tái hiện việc dựng cây Nêu ngày tết. Theo quan niệm dân gian, cây nêu được dựng nên để đánh dấu thời khắc chuyển giao giữa năm mới và năm cũ, đồng thời tập tục này còn mang ý nghĩa cầu mong quốc thái dân an, mùa màng tốt tươi.
Bà Nguyễn Thị Yến, Trưởng phòng Hướng dẫn thuyết minh, Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long Hà Nội cho biết, dịp Tết Nguyên Đán năm nay, ngoài lễ hội ông Công ông Táo, dựng cây Nêu được tổ chức ngày 17/1/2020 - 23 tháng Chạp năm Kỷ Hợi). tại Hoàng Thành Thăng Long cũng có các hoạt động biểu diễn múa rối nước (ngày 26, 27, 28, 29/1/2020 - mùng 2, 3, 4, 5 Tết Canh Tý, lúc 10h và 15h); các hoạt động dành cho thiếu nhi (từ 9/1/2020 - 17/1/2020 và 27/1/2020 - 29/1/2020); Lễ dâng hương khai xuân (2/2/2020).
Nhân dịp Tết Nguyên đán Canh Tý 2020 và chào mừng 90 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long - Hà Nội phối hợp với các cơ quan, đơn vị, làng nghề tổ chức nhiều hoạt động trưng bày, triển lãm, văn hóa truyền thống tại khu di sản Hoàng thành Thăng Long, phục vụ nhân dân đón xuân, vui tết.
Với người Việt Nam Tết Nguyên đán là dịp lễ đầu năm quan trọng, chứa đựng nhiều mong ước cũng như những phong tục tập quán tốt đẹp của dân tộc.
Chương trình Tết Việt với chủ đề “Nét bút ngày Xuân” được tổ chức tại Hoàng thành Thăng Long nhằm tái hiện lại những nét đẹp văn hóa truyền thống từ ngàn đời xưa của cha ông ta.
Chương trình Tết Việt cũng dành nhiều nội dung và không gian riêng cho trẻ em vui chơi, tìm hiểu lịch sử, giáo dục truyền thống như Kể chuyện Tết ở Hoàng cung gắn với phong tục khai bút, xin chữ, các câu …và các trò chơi dân gian, đồ chơi bằng thùng tôn vẽ gratifi…Chủ điểm dành cho thiếu nhi còn được thể hiện qua hình thức độc đáo “Con đường ước mơ” để các em có thể viết lên những ước muốn của mình trong năm mới.
Ngoài ra, tại khu vực Điện Kính Thiên còn tổ chức trưng bày hai chuyên đề: “Vương triều Lý, Trần, Lê, Mạc trong lịch sử trị vì tại Hoàng thành Thăng Long” và “Rồng - vương triều, uy quyền” nhằm hệ thống những tư liệu lịch sử, diễn giải khái quát về các vị vua anh minh gắn với các vương triều huy hoàng trong lịch sử, những triều đại nối tiếp nhau tạo nên một Kinh thành Thăng Long kỳ vĩ, một trung tâm quyền lực tồn tại lâu dài trong lịch sử. Ở đó Rồng được tượng trưng cho sự thiêng liêng, hiện thân cho sức mạnh và uy quyền tuyệt đối của nhà vua.
Đặc biệt, trong dịp Xuân mới năm nay, không gian khu di sản được sắp đặt nhiều tiểu cảnh, vườn hoa rực rỡ.
Minh Anh