Tái thiết đô thị gắn với bảo tồn, phát huy giá trị khu vực nội đô lịch sử

31/08/2022 3:05 PM

(Chinhphu.vn) - Cải tạo, chỉnh trang, tái thiết đô thị gắn với bảo tồn, phát huy giá trị không gian lịch sử văn hóa, truyền thống tại khu vực nội đô lịch sử là vấn đề được đặt ra trong nhiều chính sách, giải pháp của chính quyền các cấp tại Hà Nội trong nhiều năm qua.

Tái thiết đô thị gắn với bảo tồn, phát huy giá trị khu vực nội đô lịch sử - Ảnh 1.

Thứ trưởng Bộ Tư pháp Phan Chí Hiếu đánh giá cao các ý kiến góp ý của các chuyên gia, nhà khoa học. Ảnh: VGP/Thùy Linh

Vẫn còn bất cập trong vấn đề tái thiết đô thị

Ngày 31/8, Bộ Tư pháp phối hợp với UBND TP. Hà Nội tổ chức Hội thảo xây dựng cơ chế, chính sách về phát triển đô thị của Thủ đô Hà Nội.

Trong báo cáo tại hội nghị, Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Hoàng Anh Thắng cho biết, hiện nay các nguồn lực để cải tạo, chỉnh trang, tái thiết đô thị gắn với bảo tồn phát huy giá trị khu vực nội đô lịch sử, bao gồm các khu phố cổ, khu phố cũ, biệt thự cũ và những công trình kiến trúc có giá trị khác theo hướng bảo tồn không gian văn hóa và cảnh quan, phát huy giá trị khu vực nội đô lịch sử còn manh mún, chưa tập trung vì vướng những vấn đề về quy định pháp luật và nguồn lực xã hội.

Cùng với các giải pháp về bảo tồn ở khu vực nội đô lịch sử, TP. Hà Nội cũng cần phải giải quyết các vấn đề liên quan đến nhà ở cũ, nhà nhiều hộ (không phải các chung cư cũ) đã xuống cấp, không bảo đảm chất lượng sống, ảnh hưởng đến an toàn của người dân, bộ mặt kiến trúc cảnh quan xuống cấp ảnh hưởng đến mỹ quan đô thị…

Các quy định pháp luật hiện tại chưa tạo điều kiện để có sự hợp tác công tư hoặc các giải pháp đột phá khác để có thể phát huy hiệu quả kinh tế-xã hội cũng như bảo tồn của các công trình này.

Ngoài ra, việc cải tạo, tái thiết các khu vực hiện hữu trong đô thị tại các quận Ba Đình, Hoàn Kiếm, Đống Đa và Hai Bà Trưng (theo khoản 3 Điều 10 Luật Thủ đô) yêu cầu phải giải phóng mặt bằng lớn để có thể đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật đồng bộ cũng như để giãn mật độ dân số và giảm nguy cơ ô nhiễm môi trường ở khu vực trung tâm Thủ đô. Vấn đề này dẫn đến khối lượng công việc tái định cư lớn, phải đầu tư nguồn lực lớn về tài chính, bố trí quỹ đất, quỹ nhà để phục vụ công tác tái định cư, giải phóng mặt bằng trong các dự án cải tạo, tái thiết do phải di chuyển nhiều hộ dân, khó đạt tỷ lệ đồng thuận cao của người dân.

Chính vì vậy, Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Hoàng Anh Thắng cho rằng, cần có các giải pháp để khuyến khích người dân cùng tham gia vào công tác bảo tồn, chỉnh trang và tái thiết đô thị tại khu vực nội đô lịch sử và các khu vực khác của Thành phố.

Về việc phát triển không gian ngầm tại khu vực trung tâm khu vực nội đô lịch sử, Phó Giám đốc Sở Xây dựng cho biết, hiện tại mới chỉ chú trọng phát triển hệ thống giao thông động, đó là các hệ thống tầu điện ngầm, hầm chui,…trong khi nhu cầu của phát triển ở khu vực nội đô lịch sử cần chú trọng phát triển không gian ngầm để phục vụ phát triển giao thông tĩnh, dịch vụ thương mại bổ trợ công cộng và bảo tồn không gian văn hóa và cảnh quan tại khu vực nội đô lịch sử.

Việc quản lý các công trình nhà cổ, biệt thự cũ và công trình kiến trúc có giá trị tại khu vực nội đô lịch sử còn bất cập, thiếu cơ chế quản lý, mới chỉ tập trung vào các biện pháp để bảo tồn mà chưa có các giải pháp hữu hiệu để phát huy giá trị của các công trình thành nguồn lực phát triển. Công tác cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ tại khu vực nội đô lịch sử và toàn TP. Hà Nội vẫn chưa phát huy hiệu quả…

Cần có một quy chuẩn riêng cho khu vực đặc thù

Tại Hội thảo, đa số các đại biểu, chuyên gia đánh giá hiện các chính sách liên quan đến công tác cải tạo, tái thiết chỉnh trang đô thị của Hà Nội đã thể chế hóa cơ bản đầy đủ các quan điểm, định hướng chỉ đạo của Đảng về phát triển đô thị. Tuy nhiên nhìn nhận lại thực trạng vẫn còn những tồn tại, hạn chế thiếu đồng bộ, chồng chéo; chưa theo kịp sự phát triển của thực tiễn trong công tác xây dựng thể chế, chính sách cho đô thị hóa và phát triển đô thị…

Góp ý, thảo luận tại hội thảo, PGS.TS Đặng Văn Bài, Phó Chủ tịch Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia cho hay, xuất phát từ góc nhìn kinh thế học di sản, chúng ta nên ưu tiên đầu tư các dự án bảo tồn cho các di tích có khả năng tạo ra nguồn thu trực tiếp bổ sung nguồn vốn tái đầu tư cho việc bảo tồn và phát huy giá trị của di sản văn hoá.

"Đã đến lúc phải tập trung đầu tư công cho những dự án mang tính tích hợp và bao trùm để biến di sản văn hoá từ dạng tài sản văn hoá – tài nguyên du lịch thành loại "hàng hoá đặc biệt" có giá trị kép cả về mặt văn hoá và kinh tế…", PGS.TS Đặng Văn Bài chia sẻ.

Còn theo KTS Trần Ngọc Chính, Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, hiện nay, tại khu vực các quận lõi nội đô Hà Nội: Ba Đình, Đống Đa, Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng đang tồn tại nhiều khu dân cư có mật độ xây dựng rất cao, tạo ra những không gian sống bị đóng kín, chật chội. Điều kiện nhà ở không đạt chuẩn cùng với sự thiếu hụt các công trình công cộng, dịch vụ xã hội đã tác động không nhỏ đến sự an toàn, sức khỏe thể chất và tinh thần của người dân…

Là người làm công tác quy hoạch, KTS Trần Ngọc Chính cho rằng hiện trạng cơ cấu sử dụng và tổng số lượng quỹ đất hữu hạn thì việc tăng diện tích đất ở tại 4 quận nội đô sẽ làm giảm diện tích đất dành cho công trình hạ tầng, gây nên mất cân đối cơ cấu sử dụng. Sự suy giảm quỹ đất hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội dẫn đến các hiện tượng như ách tắc giao thông, thiếu trường học, sân chơi, công viên...

Do đó để cải tạo, tái thiết chỉnh trang đô thị gắn với bảo tồn, phát huy giá trị khu vực nội đô lịch sử của Hà Nội, quy chuẩn kỹ thuật về quy hoạch, kiến trúc vừa được UBND TP. Hà Nội ban hành (Quyết định 975/QĐ-UBND) là căn cứ quan trọng để các tổ chức, cá nhân tuân thủ trong quá trình lập quy hoạch, thiết kế đô thị, lập dự án cải tạo, chỉnh trang, làm cho bộ mặt Thủ đô ngày càng khang trang, bảo đảm chất lượng sống cho người dân. Việc có một Quy chuẩn riêng cho khu vực đặc thù sẽ làm cho công tác cải tạo tái thiết chỉnh trang đô thị trong khu vực nội đô có tính khả thi hơn…

Phát biểu kết luận, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Phan Chí Hiếu đánh giá cao các ý kiến góp ý của các chuyên gia, nhà khoa học. Các ý kiến đều sâu sắc, trách nhiệm, thể hiện tình cảm với Hà Nội; khẳng định sự cần thiết xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi).

Các ý kiến góp ý sẽ được tiếp thu, tổng hợp làm cơ sở tham gia đóng góp xây dựng, hoàn thiện Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi), bảo đảm lần sửa đổi này sẽ có các cơ chế, chính sách đặc thù vượt trội giúp Thủ đô ngày càng phát triển.

Thùy Linh

Top