Tăng chế tài xử lý các cơ sở không bảo đảm phòng cháy, chữa cháy
(Chinhphu.vn) - Các đại biểu HĐND TP. Hà Nội đã xem xét, thông qua Nghị quyết quy định việc xử lý các cơ sở không bảo đảm yêu cầu về phòng cháy và chữa cháy (PCCC) trên địa bàn Thành phố được đưa vào sử dụng trước khi Luật PCCC số 27/2001/QH10 có hiệu lực.
Trình bày tờ trình tại kỳ họp, Trung tướng Nguyễn Hải Trung, Giám đốc Công an TP. Hà Nội cho biết, hiện nay, tình hình cháy, nổ trên địa bàn Thành phố vẫn đang có nhiều diễn biến phức tạp.
Theo thống kê, trong 5 năm (từ 2016 đến 2021), trên địa bàn Thành phố xảy ra hơn 2.960 vụ cháy, nổ, trong đó có nhiều vụ cháy lớn, gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản.
Trong 6 tháng đầu năm 2022, xảy ra 206 vụ cháy, làm 12 người chết và 10 người bị thương. Địa bàn xảy ra cháy tập trung chủ yếu ở các quận nội thành (chiếm 65%).
Các vụ cháy chủ yếu xảy ra ở các doanh nghiệp tư nhân và nhà dân, nhà ở kết hợp sản xuất kinh doanh (chiếm từ 75% đến 80%). Nguyên nhân do sự cố chập điện chiếm tỷ lệ cao (chiếm 65%). Tính riêng đối với các cơ sở đưa vào sử dụng trước khi Luật, trong 5 năm, trên địa bàn xảy ra 73 vụ cháy, nổ (chiếm 2,5% tổng số vụ trên địa bàn Thành phố).
Trong khi đó, theo kết quả rà soát, thống kê, Thành phố hiện có gần 2.500 cơ sở thuộc đối tượng điều chỉnh Nghị quyết số 05. Đến nay, có 187 cơ sở đã hoàn thành việc khắc phục các tồn tại được nghiệm thu đưa vào sử dụng; 25 cơ sở đã xây mới hoặc phá bỏ hoàn toàn…
Ngoài ra, có 424 cơ sở nhà chung cư, tập thể cũ đã chủ động trang bị phương tiện báo cháy, chữa cháy ban đầu như: hệ thống báo cháy tự động, bình chữa cháy, đèn chiếu sáng sự cố, chỉ dẫn thoát nạn, mặt nạ phòng độc... để giảm thiểu nguy cơ cháy, nổ xảy ra.
Như vậy, số cơ sở hoàn thành việc khắc phục tồn tại các vi phạm về PCCC đến thời điểm hiện tại đạt tỷ lệ rất thấp.
Để bảo đảm các điều, khoản thi hành của Nghị quyết phù hợp với tình hình thực tế, có tính khả thi cao, giải quyết dứt điểm khó khăn, vướng mắc, tồn tại, hạn chế trong triển khai thực hiện Nghị quyết số 05, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về PCCC thì việc xây dựng Nghị quyết mới thay thế Nghị quyết số 05 là đầy đủ cơ sở và thực sự cần thiết, phù hợp với thực tế, có tính khả thi cao.
Việc ban hành Nghị quyết mới thay thế sẽ tạo cơ sở pháp lý nhằm xử lý có hiệu quả các cơ sở không bảo đảm yêu cầu về PCCC trên địa bàn Thành phố được đưa vào sử dụng trước khi Luật PCCC số 27 có hiệu lực.
Bảo đảm phù hợp với quan điểm, chủ trương, đường lối chính sách của Đảng, nhà nước về quản lý nhà nước về PCCC và cứu hộ cứu nạn (CHCN), phù hợp với các quy định của pháp luật hiện hành;
Quy định cụ thể giải pháp tối ưu, phù hợp với tình hình thực tế, bảo đảm yêu cầu về PCCC đối với các loại công trình mà hiện nay không thể khắc phục được theo quy định của pháp luật hiện hành về PCCC. Đồng thời, bám sát theo văn bản hướng dẫn số 1684 ngày 21/7/2021 của Cục Cảnh sát PCCC và CNCH.
Mục tiêu nhằm từng bước làm giảm và hướng tới mục tiêu 100% cơ sở trên địa bàn Hà Nội được đưa vào sử dụng trước khi Luật PCCC số 27 có hiệu lực được khắc phục, bảo đảm an toàn PCCC theo quy định.
Về phạm vi điều chỉnh, Giám đốc Công an TP. Hà Nội Nguyễn Hải Trung cho biết, phạm vi điều chỉnh của Nghị quyết gồm cơ sở không bảo đảm yêu cầu về PCCC được đưa vào sử dụng trước khi Luật PCCC số 27 có hiệu lực; kho chứa và công trình chế biến sản phẩm dầu mỏ, khí đốt, hóa chất nguy hiểm về cháy, nổ ở khu dân cư, nơi đông người trên địa bàn TP. Hà Nội.
Đối tượng áp dụng là cơ quan, tổ chức, hộ gia đình và cá nhân có cơ sở đưa vào sử dụng tại thời điểm trước ngày 04/10/2001 (ngày Luật PCCC số 27 có hiệu lực) và các cơ quan, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân có liên quan. Nghị quyết gồm 07 Điều và 03 phụ lục ban hành kèm theo.
Sau khi nghe tờ trình và báo cáo thẩm tra tại hội trường, các đại biểu có mặt đã biểu quyết, tán thành thông qua Nghị quyết quy định việc xử lý các cơ sở không bảo đảm yêu cầu về phòng cháy và chữa cháy trên địa bàn TP. Hà Nội được đưa vào sử dụng trước khi Luật Phòng cháy chữa cháy số 27/2001/QH10 có hiệu lực.
Sau khi HĐND Thành phố thông qua Nghị quyết, UBND Thành phố sẽ ban hành Kế hoạch để triển khai cụ thể theo giai đoạn và từng năm. Trong đó, đưa ra các lộ trình cụ thể, giao chỉ tiêu cho các quận, huyện, thị xã để thực hiện; định kỳ sơ kết, tổng kết, đánh giá kết quả thực hiện. Đồng thời, xem xét trách nhiệm đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân không thực hiện đúng quy định của Thành phố.
Về nguồn kinh phí bảo đảm cho việc thi hành sau khi Nghị quyết được thông qua, với các cơ quan, tổ chức, đơn vị sử dụng ngân sách Nhà nước: Kinh phí do ngân sách các cấp bảo đảm theo phân cấp ngân sách hiện hành của Nhà nước và các nguồn hợp pháp khác theo quy định của pháp luật.
Đối với các cơ quan, tổ chức, đơn vị, gia đình, cá nhân không sử dụng ngân sách Nhà nước: Người đứng đầu cơ sở, chủ đầu tư chủ động bố trí kinh phí để xây dựng phương án di chuyển và thực hiện di chuyển theo kế hoạch được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt; tổ chức khắc phục các nội dung tồn tại về PCCC đối với công trình.
Thùy Linh