Tăng cường các biện pháp phòng chống bệnh viêm da nổi cục trên trâu bò

15/06/2021 11:51 AM

(Chinhphu.vn) - Tính đến nay, bệnh viêm da nổi cục trên trâu, bò đã xuất hiện ở 3 huyện (Phú Xuyên, Chương Mỹ, Đan Phượng) trên địa bàn Hà Nội. Do ảnh hưởng phức tạp của thời tiết, cộng với việc vận chuyển, lưu thông động vật… theo dự báo, trong thời gian tới nguy cơ bùng phát dịch bệnh sẽ rất cao.

Bác sỹ thú ý kiểm tra bệnh viêm da nổi cục trên bò tại huyện Phú Xuyên. Ảnh: Thiện Tâm

Ông Nguyễn Ngọc Sơn, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y cho biết, theo Cục Thú y đến thời điểm tháng 5/2021, trên địa bàn cả nước có 25 tỉnh, thành phố có trâu bò mắc bệnh viêm da nổi cục chưa qua 21 ngày, tổng số gia súc mắc bệnh là khoảng 42 nghìn con, số gia súc đã phải tiêu hủy là 5 nghìn con. Tại Hà Nội từ cuối năm 2020 ổ dịch đầu tiên đã xảy ra tại huyện Phú Xuyên, mặc dù đã được các cấp, các ngành tập trung chỉ đạo áp dụng quyết liệt các giải pháp song đến nay bệnh đã xuất hiện ở 10 hộ/06 xã/03 huyện, số trâu bò mắc bệnh là 19 con, tiêu hủy 3 con.

Do thời tiết khí hậu đang diễn biến phức tạp, khó lường, đặc biệt những ngày qua nắng nóng đã xuất hiện kèm theo các đợt giông, lốc mưa lớn tạo điều kiện cho mầm bệnh phát triển, lây lan từ vùng này sang vùng khác. Mặt khác việc vận chuyển, lưu thông dộng vật và sản phẩm động vật trên địa bàn lớn do nhu cầu tiêu dùng cao. Hiện tại đàn trâu bò chưa được tiêm phòng vaccine viêm da nổi cục đồng loạt. Mặt khác đàn trâu bò trên địa bàn thành phố lớn nhưng quy mô chăn nuôi còn nhỏ lẻ, chủ yếu vẫn là chăn nuôi nhỏ lẻ ở nông hộ. Thời điểm tháng 4/2021 tổng đàn trâu bò trên địa bàn Thành phố khoảng 164 nghìn con, trong đó 14 nghìn con bò sữa nên việc quản lý dịch bệnh trong đó có bệnh viêm da nổi cục còn gặp nhiều khó khăn.

Vì vậy, để chủ động ngăn chặn, khống chế không để bệnh viêm da nổi cục phát sinh, người chăn nuôi cần tuân thủ về công tác phòng bệnh như: Phát hiện bệnh sớm, cùng cộng đồng, chính quyền địa phương áp dụng tốt các biện pháp phòng chống bệnh để hạn chế lây nhiễm trên diện rộng. Tuân thủ nghiêm việc không cho trâu bò đi chăn thả, để gia súc tại nhà chăm sóc nuôi dưỡng, nâng cao sức đề kháng, trường hợp phải tiêu huỷ thì thực hiện tốt quy trình tiêu huỷ theo hướng dẫn của cơ quan chuyên môn. Tuyệt đối không được bán chạy, vận chuyển lưu thông gia súc nhiễm bệnh. Thực hiện tiêm phòng khi có vaccine viêm da nổi cục và kiểm soát các côn trùng (vector) truyền bệnh.

Đồng thời, tổ chức phun phòng, khử trùng tiêu độc định kỳ toàn bộ khu vực chuồng nuôi, hiện tại các loại thuốc khử trùng tiêu độc cơ bản sử dụng an toàn cho người và gia súc, vì vậy thực hiện ngay việc phun phòng trong, ngoài chuồng nuôi. Phun trên diện rộng cả ở khu vực (thôn, xã), nhất là khu vực có mức độ ô nhiễm môi trường cao, khu vực chăn nuôi nhiều, bãi chăn thả, các khu vực có ổ dịch cũ, bãi rác, cống rãnh thoát nước.

Các địa phương (thôn, xã) thực hiện tốt việc lập chốt kiểm dịch khi có gia súc mắc bệnh, ngăn chặn việc vận chuyển lưu thông gia súc bệnh (bán chạy), hạn chế người qua lại khu vực đang có dịch, xử lý vi phạm chủ hộ, người kinh doanh gia súc không tuân thủ công tác phòng chống dịch bệnh tại địa phương. Tổ chức tiêu huỷ đối với các trường hợp gia súc bệnh nặng buộc phải tiêu huỷ theo đúng hướng dẫn của cơ quan chuyên môn.

Thực hiện tốt việc tuyên truyền để các chủ hộ chăn nuôi chủ động áp dụng ngay từ hộ gia đình, cùng cộng đồng thực hiện tốt các biện pháp về phun phòng, tiêm phòng và không vận chuyển và lưu thông vận chuyển gia súc bệnh. Tuyên truyền để người tiêu dùng thực hiện tốt vệc sử dụng sản phẩm động vật rõ nguồn, đảm bảo an toàn thực phẩm đồng thời góp phần tích cực trong công tác phòng chống dịch bệnh.

Trường hợp trâu bò bị nhiệm bệnh, thể hiện triệu chứng không bình thường cần báo ngay với cán bộ chuyên môn, chính quyền địa phương để áp dụng ngay các biện pháp phòng bệnh. Thực hiện ngay việc khoanh vùng, tách riêng gia súc nhiễm bệnh, dừng ngay việc chăn thả, phun thuốc phòng kết hợp dùng thuốc bổ trợ, kháng viêm để nâng cao sức đề kháng.

Thiện Tâm

Top