Tăng cường giám sát, bảo đảm an sinh xã hội
(Chinhphu.vn) - Thời gian qua, thực hiện Chương trình số 08-CTr/TU về “Phát triển hệ thống an sinh xã hội, nâng cao phúc lợi xã hội, chất lượng cuộc sống của nhân dân Thủ đô giai đoạn 2021-2025", MTTQ Việt Nam TP. Hà Nội đã tăng cường giám sát, triển khai các hoạt động bảo đảm an sinh xã hội trên địa bàn.
Chia sẻ về kinh nghiệm vận động nguồn lực thực hiện công tác an sinh xã hội, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP. Hà Nội Phạm Anh Tuấn cho biết, quán triệt phương châm "Bảo đảm an sinh xã hội là trọng yếu", MTTQ các cấp Thành phố đã linh hoạt, kịp thời trong triển khai vận động các Quỹ và tạo sức lan tỏa, thu hút được sự tham gia của cả cộng đồng.
Cụ thể, đã tuyên truyền vận động nhân dân chủ động phòng chống dịch và chung tay ủng hộ công tác phòng, chống dịch với tổng giá trị trên 1.300 tỷ đồng; triển khai có hiệu quả các đợt vận động ủng hộ Quỹ "Vì biển đảo Việt Nam" mỗi năm trên 50 tỷ đồng; tiếp nhận đăng ký và ủng hộ Quỹ "Vì người nghèo" các cấp với trên 134 tỷ đồng, phát động và tiếp nhận trên 17 tỷ đồng tiền mặt ủng hộ Chương trình "Sóng và máy tính cho em".
Đặc biệt đã có nhiều cách làm mới, thiết thực, mang tính bền vững trong giúp đỡ người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn, như hỗ trợ xây dựng, sửa chữa 1.587 nhà đại đoàn kết, cùng nhiều phương tiện lao động, sản xuất, học tập trị giá trên 66 tỷ đồng...
MTTQ Thành phố luôn xác địn công tác chăm lo, bảo đảm an sinh xã hội là một trong những nhiệm vụ hàng đầu và triển khai vận động ủng hộ các quỹ an sinh xã hội, thực hiện hỗ trợ đảm bảo đúng nội dung, mục đích, đối tượng.
Còn tại quận Long Biên, để thực hiện công tác an sinh xã hội, quận đã chỉ đạo thực hiện đầy đủ, kịp thời các chế độ, chính sách của Trung ương, Thành phố đối với các đối tượng, người dân trên địa bàn. Bên cạnh đó, đã chủ động xây dựng các đề án, đặc thù riêng như Đề án "Tăng nguồn cho vay giảm nghèo, hỗ trợ tạo việc làm bằng nguồn ngân sách quận" mỗi năm cấp 4 tỷ đồng để thực hiện (đến nay nguồn vốn cho vay theo Đề án trên 30 tỷ đồng); dạy nghề miễn phí; hỗ trợ bổ sung đủ mức đóng 100% bảo hiểm xã hội tự nguyện cho thành viên hộ cận nghèo đến năm 2025.
Đồng thời, tích cực vận động các nguồn xã hội hóa để thực hiện 120 mô hình hay, sáng tạo, hỗ trợ hàng chục nghìn người dân với kinh phí hàng chục tỷ đồng như: Vận động các nguồn lực xã hội hỗ trợ lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm cho người dân gặp khó khăn với trị giá trên 28 tỷ đồng; miễn, giảm tiền thuê trọ 10.500 phòng trọ, mặt bằng cho thuê, giảm số tiền 4,4 tỷ đồng; ủng hộ Quỹ vắc-xin phòng chống dịch COVID-19 hơn 20,2 tỷ đồng; Quỹ phòng chống dich COVID-19 hơn 4,1 tỷ đồng...
Tại quận Cầu Giấy, lãnh đạo quận đã xác định mục tiêu giảm nghèo, cận nghèo bền vững là nhiệm vụ trọng tâm của cả hệ thống chính trị từ phường tới quận. Theo số liệu rà soát đầu giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn quận không còn hộ nghèo, có 23 hộ cận nghèo (chiếm 0,03%). Quận đặt chỉ tiêu không để phát sinh hộ nghèo mới; Phấn đấu đến cuối năm 2023 giảm 100% số hộ cận nghèo.
Để thực hiện các chỉ tiêu này, quận Cầu Giấy đã hỗ trợ thẻ BHYT, BHXH tự nguyện; hỗ trợ tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản và thực hiện đầy đủ các chế độ chính sách cho các hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn, hộ cận nghèo và đối tượng Bảo trợ xã hội. Năm 2022 quận đã vận động Quỹ Vì người nghèo với số tiền trên 1,8 đồng; tổ chức trao hỗ trợ cho 23 hộ gia đình cận nghèo từ nguồn xã hội hoá với tổng số tiền hơn 642 triệu đồng.
Nhờ thực hiện những giải pháp cụ thể, thiết thực, quận Cầu Giấy là quận đầu tiên của Thành phố không còn hộ nghèo theo chuẩn mới từ tháng 6/2017, không phát sinh hộ nghèo và đến cuối năm 2022 giảm 100% số hộ cận nghèo (hoàn thành sớm chỉ tiêu của năm 2023).
Có thể thấy, qua nửa nhiệm kỳ đã đề ra trong Chương trình số 08-CTr/TU đã có nhiều kết quả đáng ghi nhận, nhất là các chế độ, chính sách liên quan được thực hiện đầy đủ, kịp thời; việc đẩy mạnh đầu tư phát triển mạng lưới cơ sở y tế, giáo dục đào tạo, trợ giúp xã hội được thực hiện ngày càng hiệu quả, từng bước đáp ứng nhu cầu của nhân dân.
Diệu Anh