Tăng cường giám sát, quản lý các dự án theo đúng quy hoạch được duyệt

17/10/2022 6:46 PM

(Chinhphu.vn) - Để thúc đẩy dự án đang triển khai đầu tư và đầu tư chưa hoàn chỉnh tại các khu đô thị, Hà Nội sẽ tăng cường công tác giám sát, kiểm soát tiến độ đối với các dự án đã và đang triển khai theo đúng quy hoạch và dự án được duyệt. Kiên quyết xử lý các dự án vi phạm đất đai, quy hoạch, trật tự xây dựng...

Tăng cường giám sát, quản lý các dự án theo đúng quy hoạch được duyệt - Ảnh 1.

Một số khu đô thị, khu nhà ở được đầu tư xây dựng khang trang, hiện đại, đã góp phần thay đổi diện mạo đô thị, giải quyết nhu cầu về nhà ở - Ảnh: VGP

Một số chủ đầu tư khu đô thị chậm bàn giao các công trình hạ tầng

Hà Nội hiện có khoảng 266 dự án khu đô thị, khu nhà ở có quy mô diện tích từ 2ha trở lên, trong đó có 98 dự án đã cơ bản hoàn thành, đưa vào khai thác, sử dụng; 168 dự án đang triển khai đầu tư và đầu tư chưa hoàn chỉnh. Một số khu đô thị, khu nhà ở được đầu tư xây dựng khang trang, hiện đại, đã góp phần thay đổi diện mạo đô thị, giải quyết nhu cầu về nhà ở, nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân.

Tuy nhiên, tại kỳ họp HĐND vừa diễn ra, qua giám sát của các Ban HĐND cho thấy, một số khu đô thị, khu nhà ở sau khi đưa vào khai thác, sử dụng vẫn chưa đầu tư các công trình hạ tầng kỹ thuật theo quy định; chưa khớp nối đồng bộ với hạ tầng khu vực.

Một số dự án công trình hạ tầng xã hội thiết yếu như: Trường học, vườn hoa, cây xanh, hồ nước, bãi đỗ xe, khu vui chơi giải trí... chậm triển khai, chưa được đầu tư đồng bộ theo quy hoạch theo dự án được phê duyệt.

Giải trình về nội dung này, UBND TP. Hà Nội cho biết, trên địa bàn Thành phố hiện có 98 dự án khu đô thị, khu nhà ở đã cơ bản hoàn thành đưa vào sử dụng. Hệ thống hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội đã được hoàn thành theo quy hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Tuy nhiên, một số khu đô thị, khu nhà ở sau khi hoàn thành đưa vào sử dụng vẫn chưa kết nối đồng bộ với hạ tầng chung của khu vực. Nguyên nhân do phần kết nối nằm trong ranh giới các dự án khác chưa đầu tư xây dựng. Chủ đầu tư Dự án khu nhà ở và khu đô thị thường xử lý kết nối tạm hoặc chuyển kết nối hướng khác.

Ví dụ như dự án khu đô thị mới Pháp Vân - Tứ Hiệp không kết nối hoàn chỉnh được với hạ tầng kỹ thuật đường Ngọc Hồi do phần mở rộng đường thuộc Dự án mở rộng quốc lộ 1A chưa hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng và đầu tư xây dựng. Chủ đầu tư - Tổng Công ty đầu tư phát triển nhà và đô thị tạm kết nối trên cơ sở hiện trạng chưa đồng bộ theo quy hoạch.

Một số khu đô thị khác hệ thống hạ tầng kỹ thuật chung của khu vực chưa được đầu tư đồng bộ để đáp ứng các khu đô thị đã triển khai xây dựng, việc chưa đồng bộ khớp nổi đồng bộ, dẫn đến tình trạng ngập lụt khi có mưa lớn thường xuyên xảy ra như: Khu vực Lê Trọng Tấn Hòa Lạc thuộc khu đô thị Lê Trọng Tấn (huyện Hoài Đức); khu đô thị Thiên dường Bảo Sơn; khu đô thị Nam An Khánh...

Một số chủ đầu tư khu đô thị chậm bàn giao các công trình hạ tầng kỹ thuật gây ra những bất tiện khi người dân chuyển đến sinh sống, dẫn đến các cuộc tranh chấp, kiến nghị của người mua căn hộ lên chính quyền địa phương, cơ quan quản lý Nhà nước. Ví dụ việc tranh chấp tuyến đường giữa chung cư Vinaconex 7 và khu đô thị Goldmark City trên địa bàn phường Phú Diễn (quận Bắc Từ Liêm).

Ngoài ra, dự án Khu đô thị, khu nhà ở thường được xây dựng kéo dài. Chủ đầu tư thưởng ưu tiên đầu tư xây dựng các hạng mục nhà ở trước để kinh doanh, trong khi đó hệ thống hạ tầng xã hội thường được đầu tư xây dựng sau. Việc xây dựng hệ thống hạ tầng xã hội chậm chưa đảm bảo phục vụ nhu cầu cho người dân khu đô thị và nhà ở đã chuyển đến sinh sống.

Một số dự án Khu đô thị, khu nhà ở hệ thống hạ tầng xã hội được xã hội hóa về đầu tư (các trường học, công viên... được giao cho các chủ đầu tư triển khai đầu tư xây dựng và khai thác); việc xã hội hóa đầu tư với mục đích huy động tốt nguồn lực của xã hội, giảm nguồn vốn ngân sách Thành phố hiện còn khó khăn. Tuy nhiên do các công trình được đầu tư xây dựng để chỉ phục vụ cho một số đối tượng người dân nhất định, người dân thu nhập thấp thường không được hưởng lợi ích tử hệ thống hạ tầng xã hội này.

Về các dự án khu đô thị và khu nhà ở chưa hoàn thành dù đã được giao đất, đang triển khai đầu tư xây dựng), UBND TP. Hà Nội cho biết hiện nay khoảng 168 dự án khu đô thị, khu nhà ở chưa hoàn thành (dự án đã được giao đất, đã giải phóng mặt bằng đang triển khai đầu tư xây dựng).

Một trong những nguyên nhân là khu đô thị, khu nhà ở chậm triển khai dẫn đến chưa hoàn thành đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật. Hệ thống hạ tầng kỹ thuật chỉ được đầu tư xây dựng trên phần diện tích đã giải phóng mặt bằng, chưa hoàn chỉnh chỉ kết nối một phần với hạ tầng chung của khu vực.

Tiến độ thực hiện các nhiệm vụ còn chậm, có những đồ án quy hoạch phân khu đã được duyệt từ những năm 2014-2015, tuy nhiên, các đồ án quy hoạch chi tiết các khu đô thị, khu nhà ở do các chủ đầu tư thực hiện đến những năm 2018 mới được phê duyệt điều chỉnh cho phù hợp với các đồ án quy hoạch phân khu được duyệt.

Củng cố tính pháp lý và tăng cường phân cấp quản lý đô thị

Tại phiên họp HĐND TP. Hà Nội mới diễn ra, nhiều đại biểu HĐND đã đề nghị UBND Thành phố àm rõ những giải pháp để quản lý, đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội trong các khu đô thị, khu nhà ở, đặc biệt là tình trạng thiếu hạ tầng tại một số khu đô thị, khu nhà ở trên địa bàn.

Theo Phó Chủ tịch UBND TP Dương Đức Tuấn, về quy định, các khu đô thị mới quy mô 20 ha trở lên, khu cải tạo nâng cấp tái thiết đô thị thì có quy mô trên 10 ha phaỉ tuân thủ quy hoạch đô thị, quy hoạch đầu tư xây dựng nhà ở, đất đai rất phức tạp. Còn với quy mô nhà ở dưới 20 ha thì có quy định đơn giản hơn nhưng đảm bảo đáp ứng đầy đủ hạ tầng theo quy chuẩn kỹ thuật quy hoạch đô thị đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Chủ đầu tư có trách nhiệm đầu tư xây dựng đồng bộ, hoàn chỉnh, toàn diện hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội theo tiến độ dự án và đảm bảo chất lượng. Từ đó hình thành chủ đầu tư cấp 1 toàn diện và hệ thống chủ đầu tư thứ cấp quản lý khu vực.

Khi thực hiện xong 1 quy trình lớn về đầu tư đến giai đoạn kết luận bàn giao đưa vào khai thác vận hành thì cũng có trục trặc. Luật quy định khi kết thúc thì chủ đầu tư cấp 1 có trách nhiệm bàn giao hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, các khu đất liên quan cho TP, chính quyền địa phương hoặc cơ quan quản lý chuyên ngành các cấp để quản lý. Việc này tuân thủ quy định phân cấp quản lý Nhà nước của UBND TP Hà Nội.

Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Dương Đức Tuấn cho biết, UBND Thành phố sẽ củng cố tính pháp lý và tăng cường phân cấp quản lý đô thị, thanh tra giám sát đầu tư và có biện pháp đồng bộ để đáp ứng yêu cầu của cử tri.

Làm rõ hơn nội dung này, với vấn đề hạ tầng chung ở các khu đô thị trên toàn địa bàn, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Trần Sỹ Thanh cho biết Thành phố đã thành lập tổ công tác do Phó Chủ tịch UBND Thành phố Dương Đức Tuấn làm tổ trưởng với mục tiêu rõ ràng: "Năm 2023 phải làm sống lại các công viên ở Hà Nội, người dân phải được công bằng, tiếp cận các dịch vụ đó".

Với sự chỉ đạo của Thành ủy, Hà Nội sẽ mở ra một số phương thức mới để đầu tư công viên, cây xanh, tìm nhà đầu tư nhưng nhân dân được hưởng lợi chức không phải "bán vé, làm hàng rào".

Về hạ tầng kỹ thuật ở các khu đô thị, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội nhận trách nhiệm trước nhân dân và nhấn mạnh, trách nhiệm là của UBND Thành phố, các sở khi triển khai có buông lỏng. Thành phố sẽ có kế hoạch triển khai cụ thể hơn để HĐND giám sát với mục tiêu: Đồng bộ hóa các khâu đầu tư, tránh lãng phí, nâng cao hiệu quả đầu tư công, đầu tư xã hội.

Cụ thể, theo UBND Thành phố, các sở, ngành theo chức năng nhiệm vụ được giao, rà soát, tiếp tục tham mưu UBND Thành phố ban hành các quy định pháp luật phù hợp với các văn bản của Chính phủ và các Bộ, ngành Trung ương mới ban hành, xây dựng cơ chế chính sách để hướng dẫn các nhà đầu tư, chủ đầu tư dự án, đặc biệt là hướng dẫn, tháo gỡ khó khăn vướng mắc, đẩy nhanh quá trình thực hiện các dự án đầu tư đảm bảo theo quy định. Đề xuất các cơ chế đặc thù về hạ tầng đô thị để thu hút các nhà đầu tư; quản lý, vận hành, khai thác hạ tầng kỹ thuật, dịch vụ công cộng có hiệu quả.

Tăng cường công tác quản lý quy hoạch theo đúng quy định của pháp luật, đảm bảo phát triển đô thị, nông thôn đồng bộ, hiện đại và bền vững theo các tiêu chỉ của đô thị loại đặc biệt, hoàn thiện hệ thống cơ sở dữ liệu, quản lý cơ sở hạ tầng, quy hoạch đô thị một cách thông minh. Tham mưu trong công tác lập quy hoạch điều chỉnh quy hoạch phải đảm bảo đồng bộ tổng thể quy hoạch chung; khớp nối các dự án thành phần.

Ngoài ra, công khai, minh bạch quy hoạch như: Phổ biến thông tin quy hoạch một cách công khai qua hệ thống truyền thông, báo chí, công bố quy hoạch làm cho công tác quy hoạch được công khai, minh bạch hơn, góp phần giảm thiểu đầu cơ đất, thuận tiện, kêu gọi các nhà đầu tư, rút ngắn thủ tục xây dựng, nâng cao kiến thức và vai trò của cộng đồng trong công tác quy hoạch và giám sát việc thực thi quy hoạch.

Nâng cao các giải pháp xây dựng. công nghệ mới, công tác tiếp nhận, bàn giao, quản lý sau đầu tư đối với các công trình Hạ tầng kỹ thuật được giao quản lý vận hành theo dự án được duyệt.

Gia Huy

Top