Tăng cường kiểm soát ô nhiễm môi trường, không khí

30/12/2021 11:02 AM

(Chinhphu.vn) – Triển khai Chỉ thị số 03/CT-TTg ngày 18/01/2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường kiểm soát ô nhiễm môi trường không khí, UBND thành phố Hà Nội đã phân công, giao nhiệm vụ cho các Sở, Ban, Ngành và UBND các quận, huyện, thị xã chủ động thực hiện các giải pháp cải thiện chất lượng không khí theo chức năng, nhiệm vụ được giao.

Theo đó, các Sở, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã của Thành phố phải tập trung triển khai đồng bộ, có hiệu quả 19 giải pháp tổng thể nhằm cải thiện chất lượng không khí đã được UBND Thành phố chỉ ra và đồng thời triển khai một số biện pháp cấp bách. Trong đó, tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân về ô nhiễm không khí, loại bỏ bếp than tổ ong trong sinh hoạt, sản xuất, chấm dứt tình trạng đốt rơm rạ sau các vụ thu hoạch lúa, tăng cường sử dụng các phương tiện giao thông công cộng...

Các Sở Ngành và UBND quận, huyện, thị xã triển khai quyết liệt hoàn thành mục tiêu 100% các hộ dân trên địa bàn Thành phố không sử dụng bếp than tổ ong theo Chỉ thị số 15/CT-UBND ngày 30/10/2019 của UBND Thành phố.

Sở Xây dựng, Sở Quy hoạch kiến trúc cũng đã xây dựng tiêu chí xanh trong việc thẩm định, phê duyệt các dự án nhà ở, trường học, bệnh viện…

Tăng cường tổ chức kiểm tra các cơ sở phát sinh nhiều khói bụi, các phương tiện vận chuyển nguyên liệu, vật liệu, hàng hóa không che chắn hoặc để rơi vãi ra môi trường trong khi tham giao thông; chở chất thải (rác) để nước chảy xuống mặt đường gây mất an toàn giao thông và vệ sinh môi trường…

Thành phố cũng đang đẩy nhanh tiến độ đưa vào sử dụng các phương tiện giao thông công cộng (tuyến đường sắt đô thị, xe buýt..); rà soát lại các đơn vị kinh doanh xe bus đảm bảo tiêu chí bảo vệ môi trường, khí thải phương tiện giao thông; loại bỏ phương tiện cũ nát; yêu cầu các đơn vị kinh doanh xe bus nâng cao chất lượng dịch vụ để thu hút người dân sử dụng phương tiện công cộng.

Sở Tài nguyên và Môi trường được giao chủ trì đẩy mạnh triển khai đồng bộ có hiệu quả Chỉ thị số 03/CT-TTg ngày 18/01/2021 của Thủ tướng Chính phủ và chỉ đạo của Bộ Tài nguyên và Môi trường; của UBND Thành phố về việc tăng cường kiểm soát ô nhiễm môi trường không khí và xử lý triệt để các điểm nóng về ô nhiễm bụi, khí thải… Đồng thời tăng cường công tác quan trắc, giám sát chất lượng môi trường không khí và kiểm soát nguồn thải gây ô nhiễm môi trường không khí. Triển khai việc thực hiện đo kiểm khí thải xe mô tô, xe gắn máy cũ đang lưu hành trên địa bàn Thành phố, làm cơ sở nghiên cứu đề xuất các giải pháp cải thiện chất lượng không khí.

Về lâu dài, Hà Nội sẽ triển khai xây dựng Kế hoạch quản lý chất lượng môi trường không khí cấp tỉnh theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường 2020, Quyết định số 985a/QĐ-TTg ngày 01/6/2016 của Thủ tướng Chính phủ và hướng dẫn kỹ thuật của Bộ Tài nguyên và Môi trường tại văn bản số 3051/BTNMT-TCMT ngày 07/6/2021 giai đoạn 5 năm (2021 – 2025) hoàn thành trong năm 2022.

Theo UBND thành phố Hà Nội, hiện nay UBND Thành phố đã giao Sở Tài nguyên và Môi trường là chủ đầu tư thực hiện Dự án Hệ thống mạng quan trắc môi trường trên địa bàn Thành phố Hà Nội trong giai đoạn 2021 - 2025. Hiện nay, Sở Tài nguyên và Môi trường đang hoàn thiện thủ tục điều chỉnh chủ trương đầu tư theo chỉ đạo của UBND Thành phố.

Sở Tài Nguyên môi trường cũng phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường triển khai dự án “Đầu tư xây dựng mạng lưới quan trắc môi trường không khí – giai đoạn 1” lắp đặt 02 trạm quốc gia quan trắc không khí tự động cố định trong giai đoạn 2021 – 2025.

Các dự án này sau khi hoàn thành sẽ góp phần hoàn thiện mạng lưới quan trắc chất lượng không khí của Thành phố nhằm tăng cường năng lực dự báo, cảnh báo ô nhiễm không khí để đề xuất các giải pháp bảo vệ môi trường của thành phố nói chung và môi trường không khí nói riêng.

Thành phố Hà Nội cũng đặt mục tiêu hoàn thành tỷ lệ nước thải đô thị được xử lý đến năm 2025 đạt 50-55%. Trong thời gian tới, Hà Nội định hướng ưu tiên đầu tư xây dựng hệ thống thoát nước lưu vực tả Nhuệ, hữu Nhuệ, khu vực các quận: Hà Đông, Long Biên và khu vực phía Tây, nhằm giải quyết tình trạng úng ngập do mưa; ưu tiên đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải để thu gom và xử lý nước thải đạt chất lượng theo tiêu chuẩn quy định nhằm góp phần cải thiện môi trường tại khu vực nội thành, khu vực đô thị có mật độ dân cư cao,

Để thực hiện các dự án nói trên, Hà Nội dự kiến đầu tư gần 53.318 tỷ đồng triển khai các dự án đầu tư xây dựng phát triển hệ thống thoát nước, xử lý nước thải đô thị và các dự án đầu tư xây dựng thủy lợi, góp phần tiêu thoát nước đô thị thành phố Hà Nội.

Cùng với chủ trương đầu tư cho các dự án, UBND thành phố Hà Nội đã và đang tiếp tục rà soát, kiểm tra xử lý “điểm đen” về ô nhiễm môi trường sông, hồ; tăng cường thanh tra, kiểm tra lĩnh vực bảo vệ môi trường, tài nguyên nước, đê điều và các hành lang sông...

 Minh Anh

Top