Tăng cường liên kết vùng, kết nối cung cầu hàng hóa

16/05/2022 9:53 AM

(Chinhphu.vn) - Việc liên kết vùng, hỗ trợ quảng bá, kết nối cung-cầu hàng hóa giữa Hà Nội và các tỉnh, thành phố trong cả nước là vô cùng cần thiết, nhất là trong bối cảnh các mặt hàng nông sản của Hà Nội đa dạng và nhu cầu của thị trường Hà Nội là rất lớn đối với các nông sản của địa phương khác.

Tăng cường liên kết vùng, kết nối cung cầu hàng hóa - Ảnh 1.

Người dân Thủ đô mua hàng hóa tại một Tuần hàng nông sản tổ chức ở Hà Nội. Ảnh: VGP/Thùy Linh

Quyền Giám đốc Sở Công Thương Trần Thị Phương Lan cho biết, thời gian qua, TP. Hà Nội đã phối hợp với nhiều tỉnh, thành trên cả nước như: Hải Dương, Hưng Yên, Sơn La… tổ chức Tuần hàng trái cây, nông sản các tỉnh, thành phố (tổ chức thường niên) nhằm hỗ trợ các đơn vị, hợp tác xã của Hà Nội và các tỉnh, thành phố quảng bá thương hiệu, sản phẩm hàng hóa được sản xuất đến người tiêu dùng Thủ đô.

Đồng thời, thông tin, giới thiệu nguồn cung nông sản thực phẩm, trái cây mùa vụ, 2.000 sản phẩm OCOP của trên 24 tỉnh, thành phố có khó khăn trong việc tiêu thụ nông sản do ảnh hưởng dịch COVID-19 đến các doanh nghiệp, đơn vị phân phối, chế biến Hà Nội để hỗ trợ tiêu thụ;

Thông tin, giới thiệu trên 2.000 sản phẩm OCOP của Hà Nội và 15 tỉnh, thành phố đến các doanh nghiệp, siêu thị, cửa hàng thực phẩm, điểm bán sản phẩm OCOP Thành phố để nghiên cứu, kết nối, tiêu thụ tại thị trường Hà Nội.

Ngoài ra, Thành phố còn tổ chức các sự kiện, như: Chương trình "Khuyến mại tập trung thành phố Hà Nội" và "Tuần hàng Việt" năm 2022 (phát động ngày 28/4/2022); Chương trình thực hiện Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam",…

Đối với việc đẩy mạnh liên kết thương mại, hội nhập kinh tế quốc tế, Sở Công Thương đã phổ biến tài liệu giới thiệu về các hiệp định, cam kết thương mại quốc tế đến các Sở, ngành, quận, huyện và một số doanh nghiệp trên địa bàn Thành phố; báo cáo tình hình hợp tác giữa TP. Hà Nội với 20 quốc gia như: Nhật Bản, Australia, New Zealand, Pháp, Trung Quốc, Singapore, Hà Lan, Đức và Hungary, Lào, Campuchia…;

Đồng thời, có các biện pháp hỗ trợ kịp thời doanh nghiệp xuất khẩu về các chính sách mới của Nhà nước và các nước đối tác xuất nhập khẩu, những khó khăn, vướng mắc cần giải quyết.

Đặc biệt, hỗ trợ các cơ sở sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ tham gia các sàn thương mại điện tử nước ngoài như Amazon, Alibaba và phát hành bản tin cung cấp thông tin về nhu cầu của thị trường ngoài nước…

Theo bà Trần Thị Phương Lan, việc đẩy mạnh liên kết vùng và hỗ trợ quảng bá, kết nối cung cầu hàng hóa nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ nông dân Hà Nội và các tỉnh, thành phố nắm bắt tình hình cung-cầu thị trường để chủ động tổ chức sản xuất, kinh doanh sản phẩm nông sản thiết yếu, thủy sản, trái cây, sản phẩm OCOP… Qua đó góp phần ổn định sản lượng, giảm tình trạng dư cung hoặc thiếu cung sản phẩm, hạn chế tổn thất cho nông dân, thích ứng với các diễn biến nhu cầu thị trường.

Liên kết vùng cũng góp phần hỗ trợ các đơn vị, hợp tác xã sản xuất quảng bá thương hiệu, sản phẩm hàng hóa đến người tiêu dùng, các đơn vị phân phối biết để ưu tiên lựa chọn, kết nối, tiêu thụ, từng bước chiếm lĩnh và đứng vững trên thị trường nội địa; Đẩy mạnh kết nối với các bộ phận thu mua của các kênh phân phối nước ngoài như Central Group, Aeon, Lotte… để xuất khẩu hàng hóa.

Đáng chú ý, đến hết quý II/2022, Thành phố sẽ hỗ trợ các doanh nghiệp trên địa bàn tham gia các hoạt động giao thương trực tuyến tiêu thụ sản phẩm do các tỉnh, thành phố tổ chức trong các mùa vụ trái cây, nông sản; hướng dẫn các đơn vị sản xuất, cung ứng sản phẩm bảo đảm tiêu chuẩn, yêu cầu, thị hiếu, thủ tục của nhà phân phối, người tiêu dùng Thủ đô; triển khai ký biên bản ghi nhớ, hợp đồng nguyên tắc hỗ trợ tiêu thụ nông sản giữa các đơn vị tham gia….

Bên cạnh đó, Thành phố giao Sở Công Thương Hà Nội phối hợp với Sở Công Thương các tỉnh, thành phố khác tổ chức từ 2-3 buổi làm việc, hoạt động giao thương, giới thiệu sản phẩm có quy mô nhỏ theo hình thức trực tiếp hoặc trực tuyến; tổ chức từ 3-5 tuần hàng trái cây, nông sản của các tỉnh, thành phố tại Hà Nội; tổ chức 2-3 đoàn doanh nghiệp, đơn vị sản xuất kinh doanh thành phố tham gia Khu gian hàng Hà Nội tại các hội trợ, triển lãm do Sở Công Thương các tỉnh, thành phố tổ chức.

Ngoài ra, Thành phố sẽ hỗ trợ các tỉnh, thành phố trên cả nước tổ chức từ 15-20 tuần lễ trái cây, hàng nông sản tại Hà Nội khi dịch bệnh được kiểm soát; hỗ trợ giới thiệu, kết nối tiêu thụ các sản phẩm của Hà Nội và các tỉnh, thành phố có nguy cơ dư cung cao trong các mùa vụ, rủi ro từ thị trường tiêu thụ, xuất khẩu do ảnh hưởng của dịch COVID-19…; giới thiệu các địa điểm thuận lợi để hỗ trợ các tỉnh, thành phố chủ động tổ chức Điểm bán sản phẩm các tỉnh, thành phố tại Hà Nội...

Thành phố cũng yêu cầu các doanh nghiệp phân phối, siêu thị, chuỗi thực phẩm, đơn vị sản xuất kinh doanh, xuất khẩu Hà Nội chủ động nghiên cứu, tham gia các nội dung chương trình…

Có thể thấy rằng, với những biện pháp nhanh chóng, kịp thời, TP. Hà Nội đã hỗ trợ các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh, các hộ dân đẩy mạnh phát triển sản xuất, tăng cường kết nối, giao thương sản phẩm hang hóa nhằm bảo đảm chuỗi cung ứng trong bối cảnh bình thường mới.

Diệu Anh

Top