Tăng cường liên kết vùng trong điều chỉnh chung quy hoạch Thủ đô

18/12/2021 1:47 PM

(Chinhphu.vn) - Quá trình triển khai tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô trong thời gian tới sẽ nghiên cứu để điều chỉnh phù hợp, bảo đảm tăng cường liên kết vùng, tạo động lực phát triển trong vùng Thủ đô.

Vùng Thủ đô định hướng phát triển theo hướng vùng đô thị hóa đa cực tập trung, liên kết không gian Hà Nội và các tỉnh xung quanh

Vùng Thủ đô phát triển theo hướng vùng đô thị hóa đa cực tập trung

Sau 10 năm thực hiện Quyết định số 1259/QĐ-TTg ngày 26/7/2011 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050, TP. Hà Nội đã giao Sở Quy hoạch - Kiến trúc tổ chức rà soát, đánh giá Quy hoạch, tổ chức hội thảo khoa học làm cơ sở cho điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô.

Trong hội thảo “Phát triển nhanh và bền vững Thủ đô theo hướng đô thị xanh, thông minh và hiện đại” vừa được TP. Hà Nội tổ chức, Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội cho biết, khi điều chỉnh Quy hoạch cần xác định các tác động trực tiếp đối với các tỉnh trong vùng Thủ đô cũng như những ảnh hưởng đến các tỉnh trong vùng phía Bắc để Hà Nội có vị thế vượt trội và bao trùm hơn trong Vùng Thủ đô trước đây.

Theo đó, vùng Thủ đô phát triển theo hướng vùng đô thị hóa đa cực tập trung, liên kết không gian thành phố Hà Nội (đô thị trung tâm của vùng) và các tỉnh xung quanh (vùng phát triển đối trọng), trong đó các đô thị tỉnh lỵ là các hạt nhân của vùng phát triển đối trọng.

Do vậy, quá trình nghiên cứu Điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô trong thời gian tới cần xây dựng bổ sung tầm nhìn quy hoạch theo các định hướng: Hà Nội là thành phố đổi mới, sáng tạo, năng động, tiên phong trong vùng đô thị lớn, có môi trường sống, sinh hoạt giải trí với chất lượng cao, có tính đa dạng văn hóa, bảo tồn di sản, có hạ tầng đô thị bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu.

Theo Sở Quy hoạch - Kiến trúc, quá trình nghiên cứu này cần nghiên cứu bổ sung thêm một số tính chất của Hà Nội như: Là một trong những trung tâm dịch vụ logistics của cả nước và khu vực; là đầu mối giao thông quan trọng trong vùng Thủ đô, quốc gia và quốc tế; là trung tâm liên kết vùng, đầu mối kết nối các loại hình vận tải đa phương thức của vùng phía Bắc. Là trung tâm hàng đầu của cả nước và khu vực về văn hóa, khoa học, giáo dục, kinh tế số và hạ tầng số.

Đưa Hà Nội trở thành động lực thúc đẩy kinh tế trong vùng Thủ đô

Nhìn lại 10 năm thực hiện Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô, các đồ án quy hoạch được duyệt trong thời gian qua cơ bản đáp ứng yêu cầu đầu tư xây dựng và quản lý đô thị trên địa bàn Thành phố, phát triển kinh tế - xã hội Thủ đô. Đổi mới, nâng cao chất lượng công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch được thành phố Hà Nội xác định là một trong năm nhiệm vụ trọng tâm trong giai đoạn 2021 - 2025.

Về cơ bản, diện mạo Thủ đô có nhiều thay đổi. Đô thị Hà Nội từng bước được hiện đại hóa và vị thế của Thủ đô ngày được nâng cao. Tại khu vực đô thị trung tâm, bộ mặt đô thị đã chuyển biến tích cực, cảnh quan đô thị được nâng cao; hình thành một số khu đô thị lớn, hoàn chỉnh từ quy hoạch cấu trúc tổng thể, kiến trúc không gian, chi tiết cảnh quan và dịch vụ xã hội khép kín. Một số huyện ngoại thành Hà Nội có tốc độ đô thị hóa nhanh. Hạ tầng kinh tế, hạ tầng xã hội được quan tâm đầu tư.

Tuy nhiên, Hà Nội là khu vực nằm trong cấu trúc Quy hoạch xây dựng vùng Thủ đô, với hạt nhân vùng Đồng bằng sông Hồng, có cả khu vực nông thôn và khu vực hành lang xanh chiếm tỷ lệ lớn (khoảng 70%) nên chưa phát huy được vai trò, tiềm năng, thế mạnh và chưa chia sẻ chức năng, hỗ trợ phát triển lẫn nhau trong Vùng Thủ đô.

Hà Nội có tốc độ đô thị hóa chưa đồng đều giữa các khu vực, quy mô dân số vượt ngưỡng dự báo. Việc quản lý, kiểm soát dân số tại khu thị trung tâm và công tác giãn dân tại khu vực nội đô gặp nhiều khó khăn. Mô hình phát triển chùm đô thị (với đô thị trung tâm, các đô thị vệ tinh và thị trấn sinh thái, chiếm tỷ lệ 30%) trong cấu trúc đô thị chưa bảo đảm kết nối phát triển do ngăn cách biệt lập với khu vực hành lang xanh chiếm tỷ lệ lớn, nên đô thị trung tâm có xu hướng phát triển nén, chưa tạo được động lực cho việc phát triển các đô thị vệ tinh.

Vì vậy, một trong những định hướng triển khai trong điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô là phát triển Thủ đô Hà Nội đặt trong mối quan hệ chặt chẽ với phát triển hệ thống đô thị toàn quốc và vùng Thủ đô; xây dựng Hà Nội trở thành động lực thúc đẩy kinh tế - xã hội trong Vùng Thủ đô và các vùng khác trong cả nước.

Phát triển mô hình “Thành phố trong thành phố”

Để thực hiện được mục tiêu, Hà Nội đưa ra các định hướng chính nhằm áp ứng yêu cầu thực tiễn, phù hợp với xu thế phát triển kinh tế - xã hội thành phố Hà Nội giai đoạn 2021 - 2025 và các năm tiếp theo.

Theo PGS. TS Lưu Đức Cường, Viện trưởng Quy hoạch đô thị và nông thôn Quốc gia (Bộ Xây dựng), Hà Nội cần tiếp tục nghiên cứu mô hình cấu trúc đô thị để điều chỉnh cho phù hợp, đáp ứng khả năng phát triển mô hình “thành phố trong thành phố” tại khu vực phía Bắc (gồm các huyện: Đông Anh, Mê Linh, Sóc Sơn), phía Tây (Thành phố mới Hòa Lạc) và một số “thị xã mới trong thành phố”.

Hà Nội cũng cần nghiên cứu hoàn chỉnh, tái cấu trúc không gian chức năng, hạ tầng khu vực đô trung tâm trong chùm đô thị thủ đô và chùm hệ thống đô thị trong Vùng Thủ đô. Nghiên cứu cấu trúc không gian lấy trục sông Hồng là trục xanh làm trung tâm phát triển, cân đối không gian hai bên trục sông Hồng và phát triển phía Bắc sông Hồng thành đô thị hiện đại, đồng bộ hạ tầng để trở thành động lực phát triển.

Để xây dựng đô thị thông minh tại Hà NộI, theo PGS. TS Lưu Đức Cường, trước hết là phải đổi mới phương thức lập và nghiên cứu quy hoạch. Đô thị phải có quy hoạch thông minh, phải duy trì, tôn tạo hệ sinh thái tự nhiên cũng như cảnh quan đặc trưng từ điều kiện tự nhiên của đô thị. Chú trọng phát triển mới với cải tạo nâng cấp khu hiện hữu, các khu mở rộng. Gắn kết khu hiện hữu và mở rộng với nhau cả hạ tầng và cảnh quan. Các khu phát triển mới phải là khu đô thị hoàn chỉnh với trung tâm đa chức năng...

Trong định hướng, Sở Quy hoạch - Kiến trúc cho biết, Hà Nội sẽ nghiên cứu hoàn chỉnh, tái cấu trúc không gian chức năng, hạ tầng khu vực đô thị trung tâm trong chùm đô thị Thủ đô và chùm hệ thống đô thị trong Vùng Thủ đô. Nghiên cứu quy hoạch xây dựng - phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội tại khu vực huyện dự kiến lên quận trong giai đoạn 2025 - 2030 và những năm tiếp theo, gắn với phát triển đô thị xanh, bền vững hai bên trục đường Vành đai 4, tạo không gian chuyển tiếp giữa khu vực đô thị và nông thôn.

Thành phố sẽ rà soát nhằm xác định lại mô hình và lộ trình phát triển các đô thị vệ tinh để có kế hoạch tập trung nguồn lực đầu tư theo thứ tự ưu tiên, trên cơ sở đó điều chỉnh quy mô quy hoạch (diện tích, dân số) đối với các đô thị ưu tiên phát triển nhằm đáp ứng các tiêu chí đơn vị hành chính cấp thành phố thuộc TP. Hà Nội.

Nghiên cứu hoàn chỉnh đồng bộ mạng lưới hạ tầng kỹ thuật đô thị. Trong đó nghiên cứu hoàn chỉnh và đồng bộ kết cấu hạ tầng giao thông đô thị (đường cao tốc, kết nối liên vùng, đô thị, vành đai, cầu qua sông, tỉnh lộ...), đường sắt đô thị gắn mô hình TOD; phát triển các loại hình vận tải hành khách công cộng. Nghiên cứu bổ sung các tuyến đường sắt nội vùng hoặc Bus nhanh (BRT) kết nối Đô thị trung tâm với các đô thị vệ tinh. Mở rộng, nâng cấp sân bay quốc tế Nội Bài; nghiên cứu xây dựng sân bay thứ hai cho Vùng thủ đô Hà Nội tại khu vực phía Nam Hà Nội.

Định hướng Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô xác định không gian vùng Thủ đô được phân thành hai phân vùng chính:

(1) Vùng đô thị trung tâm và phụ cận (vùng đô thị trung tâm là Thủ đô Hà Nội vùng phụ cận trong phạm vi 25 - 30 km).

(2) Vùng phát triển đối trọng trong phạm vi 30 - 60km, hình thành theo 3 phân vùng lớn là: Vùng đối trọng phía Tây (Hòa Bình); Vùng đối trọng phía Đông và Đông Nam (tỉnh Bắc Ninh, tỉnh Hải Dương, tỉnh Hưng Yên và tỉnh Hà Nam) và Vùng đối trọng phía Bắc - Đông Bắc (tỉnh Vĩnh Phúc, hành lang cao tốc QL18).

Gia Huy

Top