Tăng cường tiêm chủng, đẩy mạnh giám sát phòng chống dịch hiệu quả
(Chinhphu.vn) - Cần rà soát kỹ đối tượng trong chiến dịch tiêm chủng vaccine sởi, đảm bảo không bỏ sót trẻ từ 6 đến dưới 9 tháng tuổi và từ 1 đến 10 tuổi. Chủ động triển khai các biện pháp phòng, chống dịch sốt xuất huyết, đặc biệt chú trọng các giải pháp căn cơ như diệt bọ gậy, vệ sinh môi trường.

Hội nghị giao ban công tác chuyên môn y tế cơ sở và y tế dự phòng quý I. Ảnh: VGP/Thiện Tâm
Ngày 3/4, Sở Y tế Hà Nội đã tổ chức hội nghị giao ban công tác chuyên môn y tế cơ sở và y tế dự phòng quý I, triển khai nhiệm vụ quý II năm 2025.
Ông Trần Văn Chung, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội chủ trì hội nghị; tham dự còn có ông Vũ Cao Cương; ông Đinh Hồng Phong- Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội; cùng các phòng chuyên môn của Sở; đại diện lãnh đạo 30 Trung tâm Y tế quận, huyện, thị xã, Trung tâm chuyên khoa.
Theo Sở Y tế Hà Nội, trong 3 tháng đầu năm 2025, tình hình dịch bệnh truyền nhiễm trên địa bàn Thành phố được kiểm soát, một số dịch bệnh có xu hướng gia tăng như sởi, tay chân miệng...
Cụ thể, từ đầu năm đến ngày 31/3, Thành phố đã ghi nhận 1.355 trường hợp mắc sởi, trong đó có 1 trường hợp tử vong tại Phú Đô, Nam Từ Liêm. Bệnh nhân ghi nhận tại 30/30 quận, huyện, thị xã trong đó một số đơn vị ghi nhận nhiều bệnh nhân như: Hoàng Mai, Nam Từ Liêm, Hà Đông, Thanh Trì, Đống Đa, Tây Hồ, Hoàn Kiếm. Hầu hết bệnh nhân mắc bệnh là trẻ dưới 6 tuổi (chiếm 60%) và chưa được tiêm chủng hoặc tiêm chủng chưa đầy đủ 2 mũi vaccine phòng bệnh (chiếm 91%).
Bên cạnh đó, Hà Nội cũng ghi nhận 685 ca mắc tay chân miệng, không có ca tử vong, số ca mắc tăng so với cùng kỳ năm 2024; phân bố rải rác tại tất cả 30 quận, huyện, thị xã; có 199 ca mắc sốt xuất huyết, không có ca tử vong, số ca mắc giảm so với cùng kỳ năm 2024, bệnh nhân phân bố rải rác tại 27 quận, huyện, thị xã, ghi nhận 1 ổ dịch sốt xuất huyết hiện đã kết thúc.
Ngoài ra, Thành phố cũng ghi nhận 12 ca mắc ho gà, 4.267 trường hợp mắc cúm mùa, 5 ca mắc uốn ván và 1 ca mắc liên cầu lợn.
Để chủ động trong công tác phòng chống dịch bệnh, Sở Y tế đã tham mưu UBND Thành phố ban hành văn bản chỉ đạo tăng cường các biện pháp phòng chống dịch, đặc biệt là đối với dịch bệnh mùa đông xuân, cúm mùa, bệnh sởi, tay chân miệng và sốt xuất huyết.
Trong hai tháng đầu năm 2025, hầu hết các loại vaccine trong chương trình tiêm chủng mở rộng đã được cung ứng đầy đủ và kịp thời. Thành phố đã triển khai chiến dịch tiêm chủng vaccine phòng chống dịch sởi cho trẻ từ 6 đến dưới 9 tháng tuổi, với tổng số 24.425 trẻ đã được tiêm tính đến ngày 31/3, đạt 97%. Đồng thời, thành phố thực hiện tiêm bù, tiêm vét cho hơn 6.200 trẻ từ 1-10 tuổi chưa tiêm đủ hai mũi vaccine có chứa thành phần sởi.
Theo Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố Hà Nội Khổng Minh Tuấn, dịch sởi vẫn có xu hướng gia tăng và số ca mắc có thể tiếp tục tăng trong thời gian tới. Bệnh nhân mắc sởi được ghi nhận ở nhiều nhóm tuổi khác nhau, trong đó: 11% dưới 6 tháng tuổi, 14% từ 6-8 tháng, 11% từ 9-11 tháng, 23% từ 1-5 tuổi, 15% từ 6-10 tuổi và 25% trên 10 tuổi.
Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, các quận, huyện, thị xã tiếp tục rà soát và đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng vaccine sởi cho trẻ trong độ tuổi tiêm chủng thường xuyên và thuộc diện tiêm chủng chiến dịch, đặc biệt là trẻ từ 6 đến dưới 9 tháng tuổi và trẻ từ 1-10 tuổi chưa tiêm đủ 2 mũi vaccine phòng bệnh sởi. Đồng thời, tăng cường giám sát, phát hiện bệnh tay chân miệng tại cộng đồng và các cơ sở giáo dục mầm non có ca bệnh, ổ dịch; triển khai các biện pháp xử lý triệt để, tổng vệ sinh môi trường, khử khuẩn theo quy định.

Phụ huynh nên đưa con em đi tiêm vaccine để phòng chống dịch bệnh hiệu quả. Ảnh: VGP/Thiện Tâm
Song song với đó, các đơn vị phối hợp chặt chẽ với ngành thú y để theo dõi sát tình hình dịch bệnh trên động vật, triển khai các hoạt động liên ngành nhằm phòng, chống dịch bệnh lây truyền từ động vật sang người. Đồng thời, tăng cường đào tạo, tập huấn chuyên môn để nâng cao năng lực phòng, chống dịch cho cán bộ y tế; đảm bảo đầy đủ trang thiết bị, hóa chất và máy phun sẵn sàng đáp ứng khi có nhu cầu.
Ngoài ra, Thành phố cũng đã triển khai hiệu quả các hoạt động chuyên môn như: Phòng, chống HIV/AIDS; cải thiện tình trạng dinh dưỡng của trẻ em; y tế trường học; giám sát vệ sinh và chất lượng nước; hoạt động khám chữa bệnh và y học cổ truyền; an toàn thực phẩm; công tác dân số; truyền thông giáo dục sức khỏe. Đồng thời, thành phố đẩy mạnh thực hiện Đề án 06 của Chính phủ, đảm bảo việc kết nối liên thông dữ liệu và quản lý hồ sơ sức khỏe toàn dân.
Tại hội nghị, các quận, huyện đã thảo luận và đóng góp ý kiến về những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai công tác phòng, chống dịch bệnh trên địa bàn.
Tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh
Tại hội nghị, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Vũ Cao Cương nhấn mạnh, các đơn vị cần rà soát kỹ đối tượng trong chiến dịch tiêm chủng vaccine sởi, đảm bảo không bỏ sót trẻ từ 6 đến dưới 9 tháng tuổi và từ 1 đến 10 tuổi. Chủ động triển khai các biện pháp phòng, chống dịch sốt xuất huyết, đặc biệt chú trọng các giải pháp căn cơ như diệt bọ gậy, vệ sinh môi trường.
Ngoài dịch sởi và sốt xuất huyết, các đơn vị cũng cần quan tâm đến các dịch bệnh khác như tay chân miệng… Đồng thời, ăng cường công tác tham mưu với UBND quận, huyện để chỉ đạo kịp thời các biện pháp phòng, chống dịch trong các cơ sở giáo dục.
Ông Vũ Cao Cương đề nghị các đơn vị tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong hoạt động chuyên môn, từ khám chữa bệnh đến y tế dự phòng; cập nhật kịp thời hồ sơ sức khỏe điện tử của người dân lên hệ thống phần mềm, đảm bảo dữ liệu chính xác, thuận tiện cho công tác quản lý, theo dõi.
Theo ông Đinh Hồng Phong, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội, các Trung tâm Y tế tiếp tục quan tâm đến công tác bảo trợ xã hội và phòng chống tệ nạn trẻ em. Đặc biệt, cần nâng cao vai trò của lực lượng cộng tác viên dân số tại cơ sở, giúp họ phát huy hiệu quả nhiệm vụ chuyên môn. Chú trọng công tác quản lý, chăm sóc tốt hơn đối với các đối tượng yếu thế như người cao tuổi, hộ nghèo và cận nghèo. Sở Y tế cũng sẽ tham mưu với thành phố về việc tổ chức khám sức khỏe định kỳ cho người cao tuổi tại cộng đồng, nhằm nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe cho nhóm đối tượng này.
Phát biểu kết luận hội nghị, ông Trần Văn Chung, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội đề nghị các đơn vị xác định rõ và quán triệt công tác tư tưởng, thực hiện nghiêm túc các nội dung chỉ đạo của cấp trên. Trong quý II, cần triển khai đầy đủ các văn bản, chỉ tiêu, đề án theo kế hoạch, đồng thời rà soát các nhiệm vụ chuyên môn trọng tâm để đảm bảo tiến độ thực hiện.
Bên cạnh đó, cần tăng cường phối hợp trong công tác khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân; chủ động các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, không để dịch bùng phát và lan rộng.
Cùng với đó, việc ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý và hoạt động chuyên môn cần được đẩy mạnh hơn nữa nhằm nâng cao hiệu quả điều hành và cung cấp dịch vụ y tế. Thời gian tới, Sở Y tế sẽ tiếp tục tham mưu với UBND Thành phố để triển khai tốt các hoạt động của ngành Y tế, đảm bảo đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe của nhân dân.
Thiện Tâm