Tăng cường tuyên truyền pháp luật về quản lý vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ

15/10/2024 8:27 PM

(Chinhphu.vn) - Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ sẽ chính thức có hiệu lực từ ngày 1/1/2025, chính vì vậy công tác tuyên truyền các quy định của Luật đang được công an các cấp trên địa bàn Hà Nội tích cực thực hiện để Luật nhanh chóng đi vào cuộc sống.

Tăng cường tuyên truyền pháp luật về quản lý vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ- Ảnh 1.

Công an xã Kim Chung tuyên truyền các nội dung của Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ cho học sinh. Ảnh: Đăng Quang/VGP

Nhận thức học sinh tiềm ẩn những nguy cơ vi phạm các quy định liên quan đến vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ, ngay vào đầu năm học mới 2024 – 2025, Công an xã Kim Chung đã chủ động xây dựng kế hoạch tuyên truyền các nội dung của Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ cho học sinh tại Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp – giáo dục thường xuyên Hoài Đức, Trường THCS Kim Chung, Trường THPT Việt Hoàng và Trường THPT Hoài Đức A.

Nhờ chủ động phối hợp với các đơn vị trên địa bàn cùng việc tổ chức biên soạn tài liệu và hình thức tuyên truyền phù hợp, các em học sinh tại các điểm tuyên truyền nêu trên đã cơ bản nắm được những nội dung chủ yếu của Luật. Công tác tuyên truyền đã hướng tới đúng và trúng đối tượng.

Công an xã Kim Chung là đơn vị chủ động và tích cực thực hiện các văn bản chỉ đạo của Công an TP. Hà Nội, Công an huyện Hoài Đức trong việc tuyên truyền Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ cũng như phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm, vi phạm pháp luật về vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ.

Là huyện cửa ngõ của Thủ đô, tốc độ đô thị hóa nhanh hướng tới được công nhận thành quận mới của Hà Nội vào cuối năm 2025, công tác này có ý nghĩa hết sức quan trọng trong việc bảo đảm an ninh trật tự cho huyện Hoài Đức, tạo những tiền đề cần thiết để xây dựng diện mạo mới an toàn, văn minh cho một quận mới ở phía Tây thủ đô Hà Nội.

Tăng cường tuyên truyền pháp luật về quản lý vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ- Ảnh 2.

Các em học sinh tại các điểm tuyên truyền nêu trên đã cơ bản nắm được những nội dung chủ yếu của Luật. Công tác tuyên truyền đã hướng tới đúng và trúng đối tượng. Ảnh: Đăng Quang/VGP

Theo Thượng tá Nguyễn Ngọc Mẽ - Trưởng Công an huyện Hoài Đức, thực hiện Kế hoạch 216/KH-CAHN ngày 13/8/2024 của Công an Hà Nội và các văn bản của Bộ Công an, UBND TP. Hà Nội, Công an huyện đã tổ chức Hội nghị triển khai, ban hành Kế hoạch 216, đồng thời tham mưu cho UBND huyện Hoài Đức ban hành kế hoạch phát động thi đua tuyên truyền Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm, vi phạm pháp luật về vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ.

Đặc biệt, Công an huyện đã có Văn bản số 5875/CAHĐ-QLHC (ngày 30/8/2024) nhằm kịp thời chỉ đạo các nội dung trọng tâm cũng như lưu ý các đơn vị chức năng của Công an huyện về các nhiệm vụ cụ thể, đặc biệt là tổ chức cao điểm vận động thu hồi vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ đạt hiệu quả cao mang tính triệt để, chủ động phòng ngừa từ sớm, từ cơ sở, không để tội phạm lợi dụng gây án.

Công an huyện Hoài Đức đã yêu cầu Công an các xã, thị trấn trên địa bàn huyện chủ trì tham mưu UBND cùng cấp tổ chức hội nghị tuyên truyền Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ đến cơ quan, doanh nghiệp, cán bộ, nhân dân trên địa bàn phụ trách. Trong đó có 100% các trường từ cấp học THCS trở lên được tuyên truyền về Luật; nhận rõ các phương thức, thủ đoạn vận chuyển, tàng trữ sử dụng trái phép vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ. Tận dụng các phương thức tuyên truyền trên trang báo điện tử của địa phương, loa phát thanh, mạng xã hội như nhóm Zalo, Facebook… để nhân dân cùng hưởng ứng.

Trong Kế hoạch nêu trên, đáng chú ý Công an xã Kim Chung đã phát huy cao độ vai trò, sự chủ động của đội ngũ cán bộ, chiến sĩ công an xã tăng cường hiệu quả công tác thu hồi vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ. Tại các điểm thu hồi đều công bố rõ lịch, cán bộ ứng trực tiếp nhận, thu hồi vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, vận động các trường hợp có dấu hiệu nghi vấn vi phạm pháp luật về vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ.

Đi đôi với các công tác trên, Ban Chỉ huy Công an xã Kim Chung đã chỉ đạo các cán bộ, chiến sĩ áp dụng các biện pháp nghiệp vụ như tuần tra, kiểm soát, điều tra cơ bản, rà soát lập danh sách những tuyến, điạ bàn trọng điểm, đối tượng nghi vấn liên quan đến sản xuất, mua bán, vận chuyển, tàng trữ và sử dụng trái phép vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ để quản lý chặt chẽ và đấu tranh, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

Nhờ áp dụng các biện pháp trên một cách linh hoạt, sáng tạo, công tác quản lý, đấu tranh với các vi phạm pháp luật liên quan đến vũ khí vật liệu nổ trên địa bàn các xã có những chuyển biến tích cực, bảo đảm an ninh trật tự trên địa bàn, góp phần cùng Đảng ủy xã, UBND xã tổ chức thành công các hoạt động quan trọng trên địa bàn, đặc biệt trọng dịp cùng toàn thành phố kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô 10/10.

Tăng cường tuyên truyền pháp luật về quản lý vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ- Ảnh 3.

Công an xã Kim Chung là đơn vị chủ động và tích cực thực hiện các văn bản chỉ đạo của Công an TP. Hà Nội, Công an huyện Hoài Đức trong việc tuyên truyền Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ. Ảnh: Đăng Quang/VGP

Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ được Quốc hội thông qua ngày 29/6/2024 và sẽ có hiệu lực từ ngày 1/1/2025 đã tạo cơ sở pháp lý trong công tác quản lý nhà nước và phòng chống tội phạm, vi phạm pháp luật về vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ trên địa bàn cả nước.

Luật đã sửa đổi, bổ sung một số từ ngữ để giải thích các khái niệm cho phù hợp với nội dung, phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật, tạo thuận lợi cho việc áp dụng Luật, phục vụ hiệu quả công tác quản lý nhà nước và phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm.

Trong đó, đáng chú ý là bổ sung dao có tính sát thương cao vào nhóm vũ khí thô sơ, trường hợp sử dụng dao có tính sát thương cao vào mục đích lao động, sản xuất, sinh hoạt thì không thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật này; đồng thời, quy định vũ khí thô sơ khi sử dụng với mục đích xâm phạm tính mạng, sức khỏe con người trái pháp luật là vũ khí quân dụng. Bổ sung các loại súng bắn đạn ghém, nén khí, nén hơi vào nhóm vũ khí quân dụng, trường hợp các loại súng này sử dụng vào mục đích săn bắn thì được xác định là súng săn.

Bên cạnh đó, Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ (sửa đổi) cũng đã bổ sung quy định về đối tượng, điều kiện, thẩm quyền, thủ tục tiếp nhận và quản lý, sử dụng vũ khí, công cụ hỗ trợ do tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân nước ngoài cho, tặng, viện trợ; sửa đổi, bổ sung quy định việc nghiên cứu, phát triển, thử nghiệm vật liệu nổ công nghiệp.

Việc ban hành Luật Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ là hết sức cần thiết trong bối cảnh hiện nay. Thống kê trong vòng 5 năm trở lại đây cho thấy, trong tổng số 28.715 vụ đối tượng sử dụng trái phép vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ gây án giết người, cướp tài sản, cố ý gây thương tích, chống người thi hành công vụ, gây rối trật tự công cộng... thì có đến 25.378 vụ (chiếm 88,4%) đối tượng sử dụng vũ khí thô sơ, dao và phương tiện tương tự dao gây án, riêng đối tượng, sử dụng các loại dao gây án là 16.841/25.378 vụ (chiếm 66,4%). Nhiều vụ đối tượng sử dụng dao nhọn, sắc có tính sát thương rất cao giết người với tính chất rất manh động, tàn ác, dã man gây bức xúc dư luận xã hội, hoang mang, lo lắng trong nhân dân. Tuy nhiên, không xử lý được đối tượng về hành vi tàng trữ, sử dụng trái phép vũ khí vì trong Luật hiện hành không quy định dao là vũ khí.

Bên cạnh đó, tình trạng đối tượng sử dụng trái phép súng tự chế chiếm tỷ lệ cao hơn nhiều so với đối tượng sử dụng trái phép súng quân dụng (1.783/330 vụ, 2.589/546 đối tượng), đối tượng sử dụng trái phép vũ khí thô sơ diễn biến rất phức tạp (8.537 vụ, 17.632 đối tượng sử dụng vũ khí thô sơ, chiếm 29,7% tổng số vụ, 36% tổng số đối tượng).

Đăng Quang

Top