Tăng dân chủ ở cơ sở để xây dựng chính quyền đô thị hiệu quả

23/03/2024 8:27 AM

(Chinhphu.vn) - Hà Nội đang tập trung đổi mới cơ chế quản lý, phương thức hoạt động và xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức để mô hình chính quyền đô thị được thí điểm hiệu quả nhất.

Tăng dân chủ ở cơ sở để xây dựng chính quyền đô thị hiệu quả- Ảnh 1.

Các quận, huyện, thị xã đã chủ động nghiên cứu, xây dựng các quy chế dân chủ ở cơ sở phù hợp với tình hình địa phương - Ảnh: VGP

Tạo sự đồng thuận trong toàn xã hội

Từ ngày tháng 7/2021, Hà Nội bắt đầu thực hiện thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại 175 phường thuộc 12 quận và thị xã Sơn Tây.

Tại thị xã Sơn Tây, Bí thư thị ủy Nguyễn Anh Tuấn cho biết, qua quá trình triển khai thực hiện thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại thị xã cho thấy thực hiện tốt dân chủ ở cơ sở đã góp phần không nhỏ trong tạo sự đồng thuận từ cấp ủy, chính quyền đến cán bộ, công chức, đảng viên và nhân dân.

Để tăng cường thực hiện dân chủ ở cơ sở, UBND các phường chú trọng đổi mới các hình thức công khai, thông tin đến nhân dân. Việc thông tin được đẩy mạnh qua hình thức truyền thống như loa truyền thanh, niêm yết tại trụ sở cơ quan, nhà văn hóa, qua các cuộc họp, hội nghị và hình thức công khai qua mạng xã hội Zalo, Facebook. Hình thức truyền thông qua mạng xã hội tại thị xã cho thấy hiệu quả tốt hơn, số lượng người được tiếp cận với thông tin nhiều hơn đồng thời lại có tính tương tác trực tiếp, người dân có thể dễ dàng đặt câu hỏi, phản ánh, kiến nghị với đảng ủy, chính quyền cơ sở.

Thị xã Sơn Tây đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động, công tác dự báo, nắm bắt tình hình nhân dân của hệ thống dân vận thị xã. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động, xây dựng các kênh nắm tình hình nhân dân, về thực hiện dân chủ trên môi trường mạng.

Địa phương cũng thực hiện hiệu quả việc nắm tình hình nhân dân thông qua người có uy tín trong cộng đồng dân cư; quyền dân chủ và giám sát của người dân được bảo đảm thông qua hoạt động giám sát của hội đồng nhân dân thị xã; giám sát của MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội; giám sát trực tiếp của nhân dân thông qua việc thực hiện quyền khiếu nại, tố cáo, thông qua báo chí, các kênh thông tin, truyền thông, mạng xã hội, tiếp dân, đối thoại trực tiếp với nhân dân...

Hoạt động quản lý tại địa phương qua đó thông suốt, nhanh gọn, thuận lợi trong việc phân cấp, phân quyền, tiết kiệm ngân sách; phát huy tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm và bảo đảm tính minh bạch trong quản lý; nâng cao trách nhiệm của Chủ tịch UBND phường trong quản lý, điều hành công việc; bộ máy chính quyền chuyển sang chế độ thủ trưởng, tăng số lượng công chức tạo thuận lợi cho việc giải quyết TTHC ở cơ sở, đáp ứng được yêu cầu, sự hài lòng của người dân

Tại quận Long Biên, Trưởng ban Dân vận Quận ủy Long Biên Nguyễn Quốc Long cho biết, từ năm 2016, quận đã ban hành 6 quy chế dân chủ trên các lĩnh vực "nóng" như: cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, giải phóng mặt bằng, quản lý trật tự xây dựng, xây dựng đô thị… Các quy chế này được các ngành, MTTQ và các đoàn thể chủ động giám sát chính quyền và người dân thực hiện. Quận ủy Long Biên đã chỉ đạo triển khai nghiên cứu xây dựng các quy chế dân chủ trên những lĩnh vực nhạy cảm, dễ gây bức xúc nhằm tạo sự đồng thuận xã hội. Các quy chế đều được thực hiện tốt, hiệu quả; đơn thư khiếu nại tố cáo được giải quyết kịp thời, không có hiện tượng khiếu kiện đông người, vượt cấp.

Tại Hà Nội, nhiều địa phương đã chủ động nghiên cứu, rà soát và xây dựng các quy chế dân chủ ở cơ sở trong loại hình mới phù hợp với tình hình địa phương như các quận, huyện: Ba Đình, Long Biên, Hoàn Kiếm, Đống Đa, huyện Ba Vì, Phúc Thọ, Thanh Trì. Một số Ban Chỉ đạo cấp huyện đã tích cực tham mưu tổ chức các cuộc thi về thực hiện dân chủ ở cơ sở như: huyện Sóc Sơn; quận Bắc Từ Liêm, Nam Từ Liêm, Hà Đông.

Tăng việc giám sát trực tiếp, xây dựng được đội ngũ cán bộ "có tâm, có tầm"

Theo Ban Tổ chức Thành ủy Hà Nội, kết quả khảo sát tại các địa phương, đơn vị cũng như dư luận nhân dân đánh giá cao việc tổ chức thí điểm mô hình quản lý chính quyền đô thị tại thành phố Hà Nội có nhiều nổi bật, đạt kết quả tích cực, các nội dung thí điểm được triển khai đồng bộ, thống nhất, hiệu quả. Các quận, huyện, thị xã đã tập trung chỉ đạo hoàn thành việc sắp xếp tổ chức bộ máy, nhân sự theo đúng quy định và tiến độ đề ra. Kết quả này có sự đóng góp không nhỏ của việc thực hiện hiệu quả quy chế dân chủ ở cơ sở.

Các địa phương đã thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở đã góp phần không nhỏ trong tạo sự đồng thuận từ cấp ủy, chính quyền đến cán bộ, công chức, đảng viên và nhân dân. Nhiều loại hình mới trong thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở được thực hiện, như trong công tác giải phóng mặt bằng, công tác thuế, công tác quản lý trật tự xây dựng, trường ngoài công lập và khối chợ được tích cực triển khai với những kết quả đáng ghi nhận.

Đặc biệt, cơ chế giám sát việc thực hiện quyền làm chủ của nhân dân đã được MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội thực hiện tốt thông qua nhiều hình thức, nhiều kênh. Quyền dân chủ và giám sát của nhân dân vẫn được đảm bảo, được tăng cường hơn bằng hình thức giám sát trực tiếp của nhân dân hoặc gián tiếp thông qua các tổ chức chính trị - xã hội. Hoạt động giám sát của Ủy ban MTTQ cấp phường được duy trì thường xuyên, có sự phối hợp chặt chẽ với các tổ chức chính trị - xã hội.

Để thực hiện thành công thí điểm mô hình chính quyền đô thị, Thành phố xác định nhiệm vụ quan trọng là phải xây dựng được đội ngũ cán bộ "có tâm, có tầm", từ đó, các cấp ủy đã đổi mới mạnh mẽ phong cách công tác, lề lối làm việc. Thời gian qua, các cấp ủy đã quan tâm rà soát, đánh giá, xây dựng phương án sắp xếp, bố trí cán bộ theo quy định; lựa chọn, bố trí, phân công và giới thiệu những đảng viên có đủ phẩm chất, năng lực và uy tín.

Cụ thể như phương thức lãnh đạo được đổi mới theo hướng quyết liệt, sâu sát cơ sở; việc thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ, tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách, phát huy dân chủ trong lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng được thực hiện nghiêm túc, hiệu quả. Quá trình thực hiện, đảng ủy các phường đã bám sát và thực hiện nghiêm túc quy chế làm việc, phân công nhiệm vụ cho cán bộ; đổi mới trong việc ban hành và tổ chức thực hiện nghị quyết bảo đảm thiết thực, hiệu quả; chú trọng phân công, kiểm tra, đánh giá, đưa nghị quyết vào cuộc sống, đã góp phần giữ vững và tăng cường vai trò lãnh đạo của các cấp ủy đảng.

Hoạt động của HĐND các cấp tiếp tục có nhiều đổi mới, rõ nét nhất là trong việc quyết định các vấn đề quan trọng về kinh tế - xã hội, ngân sách, quy hoạch ngành, lĩnh vực của địa phương; giám sát chuyên đề, chất vấn, trả lời chất vấn.

Phương thức hoạt động của UBND thay đổi theo hướng tích cực góp phần đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, hiệu quả hoạt động của bộ máy được nâng lên. Việc thay đổi phương thức hoạt động từ chế độ tập thể sang chế độ thủ trưởng đã tạo điều kiện cho Chủ tịch phường chủ động hơn trong điều hành, giải quyết công việc của phường nhằm phục vụ người dân, doanh nghiệp được tốt hơn. Bước đầu đã phát huy tính chủ động, thẩm quyền và chế độ trách nhiệm cá nhân của người đứng đầu quận, thị xã, phường.

Cũng theo Ban Tổ chức Thành ủy, việc thay đổi phương thức hoạt động mới theo chế độ thủ trưởng đã tạo điều kiện để Chủ tịch UBND phường chủ động, nhanh nhạy, quyết đoán trong quản lý điều hành công việc của phường. Đồng thời, giúp lãnh đạo quận, thị xã có thể dễ dàng đánh giá khả năng, năng lực công tác của cán bộ, công chức trong điều hành, tổ chức thực hiện nhiệm vụ. Việc trực tiếp quản lý, điều hành của UBND quận, thị xã và Chủ tịch UBND quận, thị xã đối với UBND các phường, Chủ tịch UBND các phường thể hiện được sự quản lý tập trung thống nhất trong toàn quận, thị xã, đồng thời nâng cao tính tự chủ, phát huy vai trò chủ động, trách nhiệm, sáng tạo của các phường trong quá trình phục vụ người dân, thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của phường của quận, thị xã hiệu quả hơn.

Gia Huy

Top