Tăng giá trị kinh tế nông nghiệp từ ứng dụng công nghệ cao
(Chinhphu.vn) - Ứng dụng công nghệ cao (CNC) vào nông nghiệp được coi là một bước đột phá của ngành nông nghiệp thủ đô. Việc này cũng đã tạo động lực mạnh mẽ trong quá trình xây dựng Nông thôn mới (NTM) của thủ đô, phát triển mạnh mẽ về kinh tế giúp người dân nông thôn có được đời sống nâng cao đúng nghĩa.
Hà Nội tập trung đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao vào nông nghiệp Ảnh: Báo KTĐT |
Bước đột phá của nông nghiệp
Theo thống kê của Sở NN&PTNT Hà Nội, đến nay, toàn TP đã xây dựng được 133 mô hình nông nghiệp CNC. Tỷ trọng ứng dụng CNC vào sản xuất nông nghiệp của toàn TP đã đạt trên 30%; giá trị kinh tế gia tăng từ 25 - 30%. Các mô hình nông nghiệp CNC của Hà Nội tuy quy mô còn nhỏ, nhưng đã đem lại hiệu quả kinh tế cao, phù hợp với thực tế của Hà Nội và đang khẳng định được vị thế trong điều kiện hiện nay.
Bên cạnh 133 mô hình nông nghiệp ứng dụng CNC, toàn TP đã xây dựng được 135 mô hình liên kết trong sản xuất nông nghiệp. Các mô hình nông nghiệp CNC và liên kết trong sản xuất đã góp phần quan trọng nâng thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn đạt 46,5 triệu đồng/người/năm, tăng 33,5 triệu đồng so với năm 2010. Tỷ lệ hộ nghèo khu vực nông thôn giảm còn 1,8%.
Theo ông Chu Phú Mỹ, Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội nhìn nhận, các mô hình nông nghiệp ứng dụng CNC trên địa bàn TP thời gian qua đều phát huy hiệu quả. Nông sản làm ra tới đâu tiêu thụ hết tới đó. Dù giá thành cao hơn các sản phẩm sản xuất đại trà từ 20 - 30% nhưng vẫn được nhiều người tiêu dùng lựa chọn. Thời gian tới, ngành nông nghiệp tập trung xây dựng thương hiệu, xúc tiến thương mại, thúc đẩy phát triển thêm nhiều mô hình mới và hướng tới xuất khẩu nông sản công nghệ cao, tập trung vào chăn nuôi và cây ăn quả. Bởi hiện tại, 100% mô hình ứng dụng CNC trong trồng trọt, chăn nuôi đều đạt tiêu chuẩn xuất khẩu song số lượng còn ít, chưa đáp ứng nhu cầu tiêu thụ tại chỗ.
Để không nằm ngoài xu thế nông nghiệp hiện đại, Hà Nội tập trung phát huy lợi thế vùng miền về thổ nhưỡng, khí hậu để phát triển các loại cây, con đặc sản. Đồng thời, TP chú trọng hỗ trợ phát triển các hợp tác xã, DN quy mô nhỏ, hộ nông dân có điều kiện ứng dụng CNC.
Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết: “Trước hết, với phương châm “nhiều vùng nhỏ cộng lại thành vùng lớn”, chúng tôi vận động bà con trong một hợp tác xã cùng sản xuất một sản phẩm thế mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật trong sản xuất. Cùng với đó, khuyến khích DN liên kết với nông dân để tư vấn về quy trình, kỹ thuật cùng với ngành nông nghiệp tạo những chuỗi sản phẩm có giá trị cao”.
Về chiến lược dài hơi để thu hút DN đầu tư, Hà Nội đã quy hoạch 9 khu nông nghiệp ứng dụng CNC và hệ thống các khu kinh tế hỗ trợ có quy mô từ 200 - 900ha/khu. Cùng với đó, Sở NN&PTNT Hà Nội phối hợp với Hiệp hội DNNVV Hà Nội, Hiệp hội DN Việt Nam ở nước ngoài hỗ trợ tối đa về cơ chế, chính sách, phương thức, tạo điều kiện thuận lợi cho các DN tham gia đầu tư phát triển nông nghiệp ứng dụng CNC.
Sau 10 năm thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia (MTQG) xây dựng nông thôn mới (NTM), TP. Hà Nội đã gặt hái được nhiều thành công đáng khích lệ, góp phần thay đổi căn bản diện mạo nông thôn. Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam nhìn nhận, trong gần 10 năm qua, với sự cố gắng, nỗ lực của cả hệ thống chính trị và sự hưởng ứng, tham gia tích cực đóng góp sức người, sức của của các tầng lớp Nhân dân, Chương trình MTQG xây dựng NTM của TP Hà Nội đã đạt được những kết quả nổi bật, làm cho bộ mặt nông thôn ngày một khang trang, sáng – xanh - sạch - đẹp hơn; hạ tầng thiết yếu về giao thông, thủy lợi, văn hóa, y tế, giáo dục… được quan tâm đầu tư, nâng cấp ngày một đồng bộ. Khoảng cách chênh lệch giữa phát triển vùng nông thôn với đô thị ngày một được thu hẹp…
Nhiều cách làm sáng tạo
Theo thống kê của Hà Nội, hiện nay đã có 325 xã (đạt tỷ lệ 84,2% tổng số xã) được công nhận đạt chuẩn NTM, cao hơn nhiều so với mức đạt chuẩn của cả nước (50,8%); bình quân đạt 18,53 tiêu chí/xã, cũng cao vượt trội so với bình quân chung cả nước (15,26 tiêu chí/xã). Đặc biệt, với 6 huyện (Đan Phượng, Đông Anh, Thanh Trì, Hoài Đức, Gia Lâm, Quốc Oai) được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn NTM, Hà Nội trở thành địa phương đứng thứ 3 cả nước về số đơn vị cấp huyện đạt chuẩn NTM (chỉ sau Nam Định và Đồng Nai).
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam chỉ rõ: Hà Nội đã có những cách làm riêng sáng tạo, đó là việc lựa chọn, chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ xây dựng NTM có trọng tâm, trọng điểm theo thứ tự ưu tiên, phù hợp với điều kiện thực tế của từng địa phương. Ở đó, việc lựa chọn dồn điền đổi thửa gắn với quy hoạch sản xuất làm khâu đột phá để phát triển nông nghiệp được xem là hướng đi hết sức đúng đắn của Hà Nội.
Bên cạnh đó, Hà Nội cũng tập trung ưu tiên đầu tư các công trình phục vụ phát triển sản xuất như: Thủy lợi, giao thông nội đồng, hệ thống điện... Kế thừa tối đa các công trình hiện có kết hợp nâng cấp và xây dựng mới. Lấy thôn, xóm làm đơn vị cơ sở và hộ gia đình là hạt nhân để vận động xây dựng NTM. Dành nguồn lực đáng kể từ ngân sách TP để đầu tư có trọng tâm, trọng điểm các công trình thiết yếu về cơ sở hạ tầng như: Hệ thống điện, đường giao thông, trường học, trạm y tế... Nhưng quan trọng hơn là Hà Nội đã làm rất tốt và có hiệu quả công tác thông tin, tuyên truyền, huy động sự tham gia của đông đảo các tầng lớp nhân dân vào công cuộc xây dựng NTM.
Mặc dù đã đạt được nhiều kết quả nổi bật và đáng khích lệ, nhưng công cuộc xây dựng NTM của TP Hà Nội vẫn còn những tồn tại, hạn chế, đòi hỏi chính quyền các cấp và người dân sớm có giải pháp khắc phục. Điển hình là chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp có nhiều tiến bộ nhưng chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của Thủ đô. Sản xuất nông nghiệp nhiều nơi vẫn còn nhỏ lẻ, manh mún, tăng trưởng nông nghiệp còn thấp. Việc thu hút đầu tư vào phát triển nông nghiệp, đặc biệt là nông nghiệp công nghệ cao còn hạn chế. Các chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm chưa nhiều, ít nông sản hàng hóa có thương hiệu mạnh phục vụ mục tiêu xuất khẩu. Bên cạnh đó, kết quả xây dựng NTM giữa các huyện còn chưa đồng đều. Trong khi một số huyện đã có 100% số xã đạt chuẩn NTM thì vẫn còn không ít huyện còn nhiều xã chưa hoàn thành mục tiêu chương trình.
Theo lãnh đạo Bộ NN&PTNT, để tiếp tục thực hiện có hiệu quả Chương trình MTQG xây dựng NTM trong giai đoạn tiếp theo, trước hết TP. Hà Nội cần tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho cán bộ và cư dân nông thôn. Thường xuyên cập nhật, phổ biến các mô hình, các điển hình tiên tiến, sáng kiến và kinh nghiệm hay về xây dựng NTM để nhân ra diện rộng. Thứ hai, chủ động nghiên cứu và xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ xây dựng NTM theo hướng lồng ghép các chương trình, dự án với Chương trình MTQG xây dựng NTM, nhằm thống nhất cơ chế triển khai thực hiện các nội dung của Chương trình, góp phần nâng cao hiệu quả đầu tư các nguồn lực, đảm bảo không chồng chéo, lãng phí.
Cùng với đó, đẩy nhanh tái cơ cấu ngành nông nghiệp, đổi mới mô hình tăng trưởng gắn với phát triển nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ. Xây dựng vùng nguyên liệu nông sản tập trung đáp ứng tiêu chuẩn quản lý chất lượng và truy xuất nguồn gốc. Phát triển liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, các sản phẩm đặc sản, thế mạnh của địa phương theo Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm”….
Đỗ Hương