Tăng sức hấp dẫn cho du lịch Làng cổ Đường Lâm
(Chinhphu.vn) - Làng cổ Đường Lâm ở thị xã Sơn Tây, Hà Nội được ví như một viên ngọc quý, là "mỏ vàng" du lịch hấp dẫn. Với cách làm du lịch mới là phát triển du lịch cộng đồng qua các mô hình không gian sáng tạo, hiện nay Đường Lâm đang ngày càng thu hút nhiều du khách trong và ngoài nước đến tham quan, trải nghiệm.
Du khách thích thú với những trải nghiệm nghề thủ công truyền thống tại Đoài Criative. Ảnh: VGP
Nhiều không gian sáng tạo
Theo Phó Chủ tịch UBND Thị xã Sơn Tây Lê Đại Thăng, những năm qua, thị xã Sơn Tây đẩy mạnh phát triển du lịch với nhiều mô hình, điểm đến mới như phố đi bộ Thành cổ Sơn Tây, chùa Khai Nguyên, đền Măng Sơn (xã Sơn Đông), Văn Miếu - Sơn Tây (xã Đường Lâm); Đoài Creative, Phát Studio tại khu vực Làng cổ Đường Lâm cùng các khu nghỉ dưỡng cao cấp như Tomodachi Retreat, Glory Resort…
Mặc dù vậy, Làng cổ Đường Lâm vẫn giữ được nét cổ kính thâm trầm. Để phát triển du lịch cộng đồng, có rất nhiều người con Đường Lâm đã quyết định gắn bó với quê hương quê hương và mở ra rất nhiều không gian sáng tạo như ở đây.
Họa sĩ - Nghệ nhân Nguyễn Tấn Phát cùng các du khách tại những không gian sáng tạo trong Làng cổ. Ảnh: VGP
Thành danh với công việc của một họa sĩ, khi nhận danh hiệu Nghệ nhân, anh Nguyễn Tấn Phát tâm huyết đồng hành cùng Ban Quản lý Làng cổ Đường Lâm và bà con quê hương mình bằng cách triển khai mô hình không gian sáng tạo này từ tháng 3/2023. Ở đây, du khách có thể trải nghiệm "chạm" vào những công đoạn của nghề cổ truyền. Trải nghiệm của du khách đã đẩy lượng khách tăng thêm 30% so với năm ngoái. Đến nay, bà con Đường Lâm đã đón khoảng 120 nghìn khách du lịch.
"Thông qua những nghề thủ công truyền thống này, chúng tôi muốn phát huy và gửi gắm những giá trị văn hóa vào trong đây, vào trong mảnh đất này. Vì tôi cũng hiểu là một trong những thế mạnh của Đường Lâm, Sơn Tây đó là thế mạnh du lịch, đây cũng là một cách để tôi chuyển tải những nội dung ý nghĩa đến với khách du lịch", Họa sĩ - Nghệ nhân Nguyễn Tấn Phát tâm sự.
Đến với Đường Lâm, chị Pommier E'pouse - Du khách Pháp chia sẻ, "Tôi thích không gian sáng tạo nơi đây. Rất sống động và tôi muốn lưu lại thêm ở đây", còn bạn Nguyễn Thị Vân Anh - sinh viên Đại học Ngoại thương Hà Nội cho hay "Lần đầu tiên em được tự mình trải nghiệm cảm giác nặng gốm tạo ra các sản phẩm. Em rất thích hoạt động này, thật thú vị và sáng tạo. Các bạn đi cùng với em cũng chung niềm vui như vậy".
Ông Nguyễn Đăng Thạo, Trưởng Ban Quản lý Làng cổ Đường Lâm và khách mời tham quan triển lãm tranh của kiến trúc sư người Thái lan đã có 10 năm vẽ về Đường Lâm. Ảnh: VGP/Minh Anh
Ông Nguyễn Đăng Thạo, Trưởng Ban Quản lý Làng cổ Đường Lâm cho biết, qua việc thiết kế các không gian sáng tạo cũng như các hoạt động trải nghiệm nông nghiệp ở đây, chúng tôi muốn tạo cho du khách những không gian để du khách có thể cá nhân hóa cũng như là trải nghiệm những hoạt động sáng tạo. Đó là một trong những hướng phát triển mới của chúng tôi trong thời gian tới. Thêm vào đó, chúng tôi cũng mong muốn rằng là cùng với chính quyền thì người dân Đường Lâm cũng tham gia tích cực vào phát triển những sản phẩm du lịch này. Trên cơ sở đó, người dân càng thêm yêu thêm quý Làng cổ Đường Lâm và tiếp tục quay lại bảo tồn phát huy những giá trị Làng cổ Đường Lâm".
"Với những giá trị văn hóa của làng cổ, Đường Lâm đã khiến nhiều du khách nước ngoài yêu thích đặc biệt và muốn bảo tồn Đường Lâm. Có họa sĩ người Thái Lan đã vẽ tranh về làng cổ trong suốt 10 năm liền. Điều này khiến cho bản thân những người làm công tác bảo tồn và cả những người Đường Lâm càng thêm tự hào hơn về mảnh đất này. Đây cũng là cơ sở để có niềm tin rằng chủ thể của Đường Lâm sẽ gìn giữ và bảo tồn, phát huy văn hóa, du lịch của Làng cổ tốt hơn nữa", ông Thạo cho biết.
Cũng theo Trưởng Ban Quản lý Làng cổ Đường Lâm, bên cạnh các không gian sáng tạo, người Đường Lâm còn đoàn kết cùng nhau tổ chức các sự kiện ẩm thực, du lịch để du khách có cơ hội trải nghiệm những sinh hoạt văn hóa của cộng đồng người dân làng cổ. Nếp sinh hoạt của người dân hàng nghìn năm qua cùng với sự thích ứng trong cuộc sống mới đã tạo nên một văn hóa ẩm thực vừa dân dã, đậm chất truyền thống nhưng cũng rất tinh tế, phù hợp với thị hiếu hiện nay.
Trải nghiệm sinh hoạt văn hóa cộng đồng
Ngôi nhà cổ của gia đình ông Hà Hữu Thể có niên đại hơn 300 năm tuổi. Ảnh: VGP
Sau hành trình tham quan làng cổ, ngắm nhìn cổng làng với bóng đa già rợp mát, những ngôi nhà mái ngói, mái đình trầm tư đầy hoài niệm, du khách thường dừng chân ở chợ quê ngay đầu thôn Mông Phụ để trải nghiệm, tìm hiểu hoạt động chợ quê, thưởng thức những món quà dân dã. Từ bánh chè lam, kẹo lạc, bánh gai, bánh tẻ, bánh nếp… đều khiến du khách thích thú. Người bán hàng luôn cởi mở, thân thiện, mời du khách nếm thử các món quà quê với nụ cười hiền hậu.
Gần đây, tận dụng lợi thế nguyên liệu của làng quê, người dân Làng cổ Đường Lâm còn sáng tạo ra những món ăn hấp dẫn, thanh tao - đó là cỗ sen. Các món ăn trong mâm cỗ sen đều được sử dụng từ cây hoa sen, có thể là nguyên liệu chế biến trực tiếp hoặc sử dụng để cuốn, bọc món ăn. Khi khách du lịch đến Làng cổ Đường Lâm ngày càng đông, nhu cầu trải nghiệm, thưởng thức ẩm thực làng cổ ngày càng nhiều. Tận dụng lợi thế khuôn viên rộng, không gian nhà cổ, sân vườn đẹp, rất nhiều hộ gia đình đã tổ chức dịch vụ thưởng thức ẩm thực ngay tại nhà, thu hút đông đảo du khách.
Đặc biệt, đến với Làng cổ Đường Lâm thì chắc chắn sẽ có rất nhiều những căn nhà cổ đã tồn tại từ hàng trăm năm. Một trong những căn nhà đó phải kể đến là ngôi nhà cổ của gia đình ông Hà Hữu Thể có niên đại hơn 300 năm tuổi, đến nay vẫn bảo tồn được nguyên vẹn lối kiến trúc cổ xưa đặc trưng của làng quê Việt.
Theo ông Thể, nhà này được các cụ xây dựng từ thời hậu Lê, căn nhà được điêu khắc khảm trống đồng. Căn nhà được xây dựng 7 gian 2 dĩ mái cánh diều. Các cụ là ngày xưa là nhà cổ đa số là số lẻ 3,5,7, nhà 7 gian ra là lớn nhất. Ngày xưa các cụ làm nhà làm mái thấp để tránh mưa gió hắt vào nhà hại gỗ, thứ hai người ra vào có một chút thấp tầm để chào gia chủ hoặc người quá cố.
"13 thế hệ đã sinh ra và lớn lên ở đây, cùng nhau sống trong một ngôi nhà của tổ tiên để lại. Tập quán sinh hoạt, nề nếp gia phong được lưu giữ từ đời này qua đời khác. Bản thân tôi cùng như nhiều chủ nhà cổ ở Đường Lâm không bao giờ nghĩ tới việc sẽ giao nó cho người chủ nhân khác", ông Thể chia sẻ.
Trao đổi với phóng viên Báo Điện tử Chính phủ, Phó Chủ tịch UBND Thị xã Sơn Tây Lê Đại Thăng cho biết, cùng với việc phát triển, nâng cao chất lượng các sản phẩm du lịch sẵn có, Thị xã Sơn Tây đã phối hợp với Sở Du lịch Hà Nội, cùng các đơn vị du lịch triển khai nhiều sản phẩm mới, hấp dẫn như xe điện phục vụ khách tham quan du lịch trên địa bàn thị xã; du lịch Đường Lâm mùa lúa chín; mô hình trồng hoa phục vụ du khách đến chụp ảnh; cafe làng cổ và một số dự án bảo tồn và phục hồi giống gà Mía, chè Cam Lâm, làm tương và các sản phẩm bánh kẹo truyền thống…
Thời gian tới, Ban quản lý làng cổ Đường Lâm sẽ triển khai thêm các mô hình trải nghiệm dệt vải và may trang phục truyền thống, nghề đan lát và không gian ẩm thực đêm, để các điểm đến sẽ nhận thêm nữa niềm vui và những nụ cười của du khách.
Thị xã Sơn Tây có 244 di tích và hàng trăm ngôi nhà cổ. Ngoài ra còn có rất nhiều điểm đến du lịch nổi tiếng như Đền Và, Thành cổ Sơn Tây, làng cổ Đường Lâm, Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam…. Địa phương có 2 điểm du lịch được UBND TP.Hà Nội công nhận điểm du lịch là làng cổ ở Đường Lâm và Điểm du lịch thôn Lòng Hồ (xã Kim Sơn). Mục tiêu giai đoạn 2025 - 2030, thị xã phấn đấu trở thành một trong những địa phương trọng điểm du lịch trên địa bàn Thủ đô.
Minh Anh