Tăng thu hút đầu tư vào các khu công nghiệp của Thủ đô
(Chinhphu.vn) - Trong thời gian qua, các khu công nghiệp tại Hà Nội đã đóng góp tích cực vào quá trình công nghiệp hóa và hiện đại hóa, đồng thời tăng tốc độ phát triển kinh tế-xã hội của Thành phố. Việc thu hút lượng lớn vốn đầu tư trong và ngoài nước đã giúp tăng cường hiệu quả sử dụng đất và thúc đẩy sự phát triển của ngành công nghiệp…
Thu hút đầu tư đạt 613 triệu USD
Trưởng Ban Quản lý các khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội Lê Quang Long cho biết, trong năm 2023, Ban Quản lý thường xuyên phối hợp với các Sở, ngành xây dựng kế hoạch, đẩy mạnh tuyên truyền, tăng cường các hoạt động xúc tiến và thu hút đầu tư vào các khu công nghiệp với các hình thức đa dạng, phong phú như: Tổ chức các gian hàng, hội chợ quảng bá sản phẩm của doanh nghiệp trong khu công nghiệp.
Cụ thể, Ban Quản lý đã tổ chức Hội chợ Sản phẩm Công nghiệp trong các Khu Công nghiệp Hà Nội năm 2023 tại Khu nhà ở Công nhân Kim Chung, huyện Đông Anh, Hà Nội. Triển lãm có quy mô 100 gian hàng với sự tham gia của gần 100 doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp FDI đang hoạt động, sản xuất trong các khu công nghiệp trên địa bàn TP. Hà Nội thuộc các lĩnh vực cơ khí, điện – điện tử, công nghiệp chế biến, da giày – may mặc, dược phẩm – y tế và đa dạng các ngành nghề khác.
Sự kiện nhằm đẩy mạnh hoạt động xúc tiến đầu tư vào các khu công nghiệp trên địa bàn Thành phố, từ đó góp phần thu hút đầu tư và tăng cường hỗ trợ, giải quyết khó khăn vướng mắc cho các nhà đầu tư và doanh nghiệp khu công nghiệp; giới thiệu, quảng bá sản phẩm công nghiệp trong các khu công nghiệp Hà Nội; thúc đẩy hợp tác, liên kết sản xuất giữa các doanh nghiệp trong khu công nghiệp và doanh nghiệp trong và ngoài khu công nghiệp, hợp tác trong quá trình đầu tư hoạt động sản xuất kinh doanh.
Nhờ làm tốt các công tác trên nên tình hình sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp về cơ bản ổn định, đời sống công nhân ngày càng được quan tâm hơn cả về vật chất và tinh thần.
Bên cạnh đó, Ban Quản lý cũng thường xuyên xây dựng kế hoạch tổ chức hội nghị xúc tiến đầu tư tại chỗ đối với các nhà đầu tư nước ngoài trong khu công nghiệp; làm việc với các đối tác, khách hàng đã và đang đầu tư trong các khu công nghiệp; kịp thời hướng dẫn, hỗ trợ, cung cấp thông tin cho các nhà đầu tư đang tìm hiểu đầu tư vào các khu công nghiệp trên địa bàn Thành phố…
Với những nỗ lực trên, tính đến tháng 12/2023, các khu công nghiệp đã thu hút đầu tư được 10 dự án mới (5 dự án trong nước vốn đăng ký 491 tỷ đồng, 5 dự án FDI vốn đăng ký 170 triệu USD); 20 dự án mở rộng (vốn đầu tư tăng 137,6 triệu USD và 6.905 tỷ đồng). Lũy kế năm 2023, các khu công nghiệp đã thu hút đầu tư được 613 triệu USD quy đổi, tăng 71,16% so với cùng kỳ năm 2022.
Ưu tiên dự án đầu tư công nghệ cao vào khu công nghiệp
Việc thu hút đầu tư vào các khu công nghiệp trên địa bàn Hà Nội không những góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội chung của Thủ đô, mà còn làm thay đổi cơ cấu ngành theo hướng ưu tiên phát triển các ngành công nghiệp mới, sản xuất các sản phẩm thiết yếu phục vụ sản xuất công nghiệp và tiêu dùng trong nước; các ngành đều có hàm lượng chất xám, giá trị gia tăng cao…
"Công tác cải cách thủ tục hành chính được quan tâm thực hiện tốt. Hiện nay, 100% thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của Ban Quản lý thực hiện dịch vụ công mức độ 3, 4. Trong năm, Ban Quản lý đã tiếp nhận và xử lý trên 6.460 văn bản đến; đẩy mạnh áp dụng ứng dụng văn bản điện tử có chữ ký số chuyên dụng của Chính phủ trong công tác phát hành văn bản theo chỉ đạo của UBND thành phố, 100% các văn bản xử lý theo đúng quy định trên Hệ thống quản lý văn bản và hồ sơ công việc điện tử…", ông Lê Quang Long thông tin.
Lũy kế đến nay, số dự án thứ phát đang hoạt động tại các khu công nghiệp là 710 dự án, trong đó có 302 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài vốn đăng ký gần 6,7 tỷ USD; 408 dự án đầu tư trong nước, vốn đăng ký trên 26.000 tỷ đồng. Có 27 quốc gia, vùng lãnh thổ có dự án đầu tư tại các khu công nghiệp, trong đó, Nhật Bản chiếm khoảng 60% tổng vốn đăng ký đầu tư. Nhiều dự án có vốn đầu tư lớn của các công ty đa quốc gia có công nghệ tiên tiến, công nghệ cao như: Canon, Yamaha, Meiko, Terumo, Hoya…
Phát huy những kết quả đã đạt được trong năm 2023, trong phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm công tác phát triển các khu công nghiệp và xúc tiến đầu tư năm 2024, Ban Quản lý sẽ tiếp tục tạo những điều kiện thuận lợi về môi trường đầu tư, kinh doanh, cải cách thủ tục hành chính để các doanh nghiệp yên tâm mở rộng phát triển sản xuất, thay đổi công nghệ tiên tiến, tăng giá trị sản xuất công nghiệp, giá trị xuất khẩu nhằm đẩy mạnh tái cơ cấu vốn đầu tư của doanh nghiệp nâng cao sức cạnh tranh trên thị trường quốc tế.
Tiếp tục bám sát định hướng phát triển kinh tế - xã hội của Thành phố giai đoạn 2021-2025; nâng cao hiệu quả công tác xúc tiến đầu tư, thu hút đầu tư vào khu công nghiệp có chọn lọc, phù hợp với yêu cầu phát triển của Thủ đô; ưu tiên dự án đầu tư công nghệ cao, công nghệ hiện đại, công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp sinh học, tiết kiệm năng lượng, bảo vệ môi trường, sử dụng hiệu quả tài nguyên và lao động, có giá trị toàn cầu, thích ứng với Cách mạng Công nghiệp 4.0…
Diệu Anh