Tăng tính liên kết giữa các loại hình vận tải nhằm giảm ùn tắc

26/07/2022 12:09 PM

(Chinhphu.vn) - Để giảm ùn tắc giao thông, ngoài việc khắc phục khó khăn, hạn chế từ hạ tầng giao thông… thì bài toán đặt ra trong hiện tại và thời gian tới là Hà Nội cần tăng tính liên kết giữa các loại hình vận tải.

Tăng tính liên kết giữa các loại hình vận tải nhằm giảm ùn tắc - Ảnh 1.

Phát triển hạ tầng giao thông đồng bộ với liên kết các loại hình vận tải để giảm ùn tắc. Ảnh: VGP/TN

Vẫn thiếu sự liên kết

Trong khoảng 10 năm trở lại đây, Hà Nội đã dành nhiều nguồn lực lớn đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, đặc biệt là chú trọng đầu tư và hoàn thiện các tuyến đường vành đai, đường hướng tâm và đường trục chính đô thị.

Cùng với đó, Trung ương và Hà Nội cũng quan tâm đầu tư nhiều dự án giao thông trọng điểm trên địa bàn như: Đường Vành đai 3 trên cao, cầu Nhật Tân, cầu Thanh Trì, tuyến đường nối từ cầu Nhật Tân đến sân bay Nội Bài… Những công trình lớn này đã từng bước thay đổi diện mạo Thủ đô, cải thiện tình trạng giao thông, tăng tính kết nối giữa Hà Nội và các vùng miền.

Hà Nội cũng xác định chiến lược phát triển giao thông vận tải là ưu tiên phát triển những hạ tầng lớn, hiện đại như: Vành đai 1, 2, 3, 4… Tập trung đầu tư các cầu vượt sông, mở rộng đô thị ra hướng sông… Đây được xem là chiến lược đúng đắn, góp phần kết nối, hình thành các đầu mối logistics trung chuyển hàng hóa, hành khách giữa Hà Nội với các tỉnh, thành phố lân cận.

Đáng chú ý, nhiều lĩnh vực công tác liên quan đến giao thông vận tải trên địa bàn Thủ đô đã được triển khai hiệu quả. Nhiều dự án giao thông lớn, có vai trò quan trọng đối với hệ thống hạ tầng của Hà Nội đang bước vào giai đoạn cao điểm. Một số công trình trọng điểm như: Cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2; Vành đai 2 đoạn cầu Vĩnh Tuy - Ngã Tư Vọng; hầm chui Lê Văn Lương… đều đang được các nhà thầu nỗ lực bảo đảm tiến độ.

Tuy nhiên, trong quá trình xây dựng và hoàn thiện, hiện hệ thống giao thông vận tải của Thành phố vẫn đang tồn tại nhiều hạn chế. Đó là việc các loại hình giao thông vận tải vẫn tựa như những mảnh ghép rời rạc, chưa có nhiều sự liên kết với nhau.

Điển hình như, hiện hệ thống giao thông đường thủy nội địa đã được xây dựng 9 cảng, 17 bến thủy nội địa và 58 bến khách ngang sông. Tuy nhiên việc đầu tư hạ tầng, phương tiện vận tải và kết nối còn chưa đồng bộ nên vai trò còn rất mờ nhạt trên bản đồ giao thông Hà Nội.

Tương tự, giao thông hàng không có các sân bay: Nội Bài, Gia Lâm (bay dịch vụ kết hợp quân sự), Bạch Mai, Hòa Lạc và Miếu Môn (sân bay quân sự). Trong đó, mới chỉ có sân bay Nội Bài được đầu tư ở quy mô nhất định, điều kiện hạ tầng cho thông quan hàng hóa còn khó khăn, chưa có ứng dụng công nghệ hiện đại để điều tiết chuyển tải hàng hóa thông qua... Điều này dẫn đến hiệu quả khai thác sân bay trong lĩnh vực vận chuyển hàng hóa và hành khách còn rất hạn chế.

Đường bộ vẫn là một trong những thế mạnh của Hà Nội song hiện quy hoạch giao thông đang phải đối mặt với nhiều thách thức trong phát triển đô thị. Không khó để thấy đó là tình trạng gia tăng dân số quá nhanh tại các đô thị cùng với nhu cầu đi lại lớn tạo ra nhiều hệ lụy, trong đó có ùn tắc…

Giải pháp tăng cường khả năng kết nối

Theo Phó Giám đốc Sở Giao thông vận tải Đỗ Việt Hải, trước mắt để nâng cao chất lượng hạ tầng giao thông, đặc biệt giảm tối đa ùn tắc, Thành phố đang đẩy nhanh thi công các công trình trọng điểm. Hy vọng khi những công trình cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2, hầm chui Lê Văn Lương, vành đai 2 phố Vọng- Vĩnh Tuy… đi vào hoạt động sẽ góp phần cải thiện giao thông Thủ đô, góp phầm làm cho Thủ đô càng đẹp, văn minh hơn.

Để tăng khả năng kết nối của Hà Nội với các địa phương lân cận, Nghị quyết số 07-NQ/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố Hà Nội về chủ trương triển khai dự án Đầu tư xây dựng tuyến đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô đã được ban hành.

Đây là tin vui, bởi theo quy hoạch, đây là tuyến đường Vành đai ngoài của đô thị trung tâm Hà Nội, giải quyết bài toán giao thông liên vùng cho đô thị trung tâm, đô thị vệ tinh, cảng hàng không quốc tế cửa ngõ và trung tâm các tỉnh phía Bắc vùng Thủ đô, đã được Chính phủ phê duyệt.

Tuyến đường khi hoàn thành không chỉ góp phần giảm ùn tắc giao thông, mở rộng không gian phát triển cho Thành phố, kéo giãn mật độ dân cư tại khu vực nội đô, phát triển kinh tế đô thị và nông thôn, từng bước chuyển dịch cơ cấu kinh tế khu vực hai bên tuyến đường, mà còn tăng cường khả năng kết nối, tác động lan tỏa liên vùng, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội các tỉnh, thành phố trong vùng Thủ đô, vùng đồng bằng sông Hồng và vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ.

Cùng với đó, tạo điều kiện để các tỉnh, thành phố phát triển đô thị, công nghiệp, thương mại, dịch vụ và nhất là tạo ra không gian phát triển quỹ đất, tạo nguồn lực đầu tư.

Còn theo chuyên gia giao thông Phan Trường Thành, muốn phát huy hết thế mạnh, tiềm năng của hệ thống giao thông vận tải, TP. Hà Nội cần tập trung các giải pháp, đó là hoàn thiện hệ thống tầng giao thông; ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý, điều hành giao thông vận tải; hình thành các đầu mối logistics, thu gom, trung chuyển hàng hóa, hành khách; xây dựng thị trường vận tải giàu tính cạnh tranh, đa phương thức…

"Một khi hệ thống giao thông đã được đầu tư hoàn chỉnh, các nhà ga đường sắt, cảng bến thủy nội địa, cảng hàng không trên địa bàn Thành phố sẽ được liên kết chặt chẽ với nhau, là cơ sở để hình thành các đầu mối trung chuyển hành khách, hàng hóa", ông Phan Trường Thành nhận định.

Các chuyên gia còn cho rằng, để phát triển đồng đều vận tải đa phương thức, Hà Nội cần có những chính sách cụ thể nhằm hỗ trợ, kiến tạo cho việc hợp tác, liên doanh, liên kết giữa các doanh nghiệp trong cung cấp dịch vụ vận tải đa phương thức và các dịch vụ logistics liên hoàn. Qua đó góp phần hình thành những doanh nghiệp lớn về logistics và các sàn giao dịch vận tải, tạo sự cạnh tranh lành mạnh trên thị trường vận tải…

Thành Nam

Top