Tạo cơ hội để nền kinh tế Thủ đô tăng tốc khi thời cơ đến

18/09/2021 5:33 PM

(Chinhphu.vn) - Cùng với tăng cường công tác phòng, chống dịch COVID-19 bằng những giải pháp chặt chẽ, các nhà máy, khu công nghiệp, đơn vị sản xuất, kinh doanh tại Hà Nội vẫn nỗ lực duy trì hoạt động. Bên cạnh việc kiểm soát tốt dịch bệnh thì sự chuẩn bị sẵn sàng của cộng đồng xã hội, doanh nghiệp cũng tạo thêm cơ hội để nền kinh tế tăng tốc khi thời cơ đến.

Sự chuẩn bị sẵn sàng của doanh nghiệp tạo thêm cơ hội để nền kinh tế tăng tốc khi thời cơ đến. Ảnh: Diệu Anh

Theo yêu cầu Chỉ thị số 17/CT-UBND của UBND TP. Hà Nội về thực hiện giãn cách xã hội để phòng chống dịch, các nhà máy, xí nghiệp, cơ sở sản xuất trong các khu/cụm công nghiệp phải xây dựng phương án sản xuất an toàn “3 tại chỗ” (sản xuất, ăn uống, nghỉ ngơi tại chỗ) hoặc “1 cung đường, 2 điểm đến”. Đồng thời, sẵn sàng phương án, kịch bản duy trì sản xuất an toàn trong trường hợp nhà máy bị phong tỏa, cách ly, lấy nhà máy là nơi cách ly và ổn định sản xuất.

Tại nhà máy sản xuất của Công ty Cổ phần Cơ điện TOMECO (Cụm công nghiệp Ngọc Liệp, xã Ngọc Liệp, huyện Quốc Oai, TP. Hà Nội), các biện pháp phòng chống dịch được Công ty áp dụng giúp người lao động vững tin, tập trung cho sản xuất. Trong đó, bộ phận gián tiếp đã được chuyển sang làm việc trực tuyến, bộ phận trực tiếp sản xuất thực hiện làm việc luân phiên để bảo đảm giãn cách.

Công nhân khi đến nhà máy đều phải khai báo y tế, đeo khẩu trang, kiểm tra thân nhiệt, sát khuẩn tay, bảo đảm giữ khoảng cách theo quy định. Bếp ăn phục vụ người lao động được bố trí tấm chắn ngăn giọt bắn, định kỳ phun khử khuẩn toàn bộ nhà máy. Mọi chế độ của người lao động kể cả khi làm việc trực tuyến đều được duy trì đầy đủ…

Ông Mạc Quốc Anh, Phó Chủ tịch kiểm Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Thành phố cho rằng, doanh nghiệp Thủ đô đã rất nỗ lực, sát cánh cùng chính quyền Thành phố thực hiện mục tiêu kép vừa phòng, chống dịch vừa sản xuất, kinh doanh. Cùng với sự hỗ trợ cần thiết, kịp thời, doanh nghiệp kỳ vọng việc cải tiến quy trình thủ tục hành chính nhanh gọn hơn, thông tin minh bạch và đầy đủ về tiêu chí, quy trình thủ tục... Các khoản hỗ trợ cần phải xác định đúng đối tượng thụ hưởng với những tiêu chí xác đáng và cụ thể, có sự giám sát chặt việc sử dụng nguồn hỗ trợ để bảo đảm hiệu quả của chính sách.

“Cả Thành phố như một cơ thể sống, có quan hệ tuần hoàn, chặt chẽ nên không thể chỉ quan tâm phát triển kinh tế mà sao nhãng vấn đề phát triển giáo dục, văn hóa, an sinh xã hội. Vậy nên sau khi dỡ bỏ giãn cách, Thành phố cần quan tâm đến vấn đề tạo nền tảng cho tăng trưởng”, ông Mạc Quốc Anh nói.

Thống kê cho thấy, trong 8 tháng qua, thành phố Hà Nội còn nhiều khó khăn do đại dịch song trên địa bàn vẫn có hơn 13.100 doanh nghiệp thành lập mới với số vốn đăng ký là 165.730 tỷ đồng. Số doanh nghiệp hoạt động trở lại là 5.687, tăng 74% so với cùng kỳ năm trước.

Nhận thức rõ thời cơ đang đến, thành phố Hà Nội đã chỉ đạo ngành liên quan, quận, huyện thị xã nghiên cứu, chủ động có phương án tận dụng tốt làn sóng dịch chuyển cơ sở sản xuất của doanh nghiệp quốc tế ở các quốc gia khác chịu ảnh hưởng của dịch COVID-19 để thu hút đầu tư sản xuất, kinh doanh trên địa bàn Thủ đô.

Theo ông Đỗ Anh Tuấn, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố Hà Nội, ngay thời điểm thực hiện giãn cách xã hội, Chủ tịch UBND Thành phố đã có Kế hoạch số 183/KH-UBND về việc đặt mục tiêu xây dựng 46/159 cụm công nghiệp còn lại theo quy hoạch đến năm 2025 cho thấy, có sự chuẩn bị chu đáo khi Thủ đô ở trạng thái “bình thường mới”.

Cụ thể, Hà Nội tập trung đầu tư xây dựng Khu Công nghiệp Quang Minh II (huyện Mê Linh), Khu Công nghệ cao sinh học (quận Bắc Từ Liêm), Khu công nghiệp sạch Sóc Sơn. Thành phố hoàn thành đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, thu hút đầu tư Khu công viên công nghệ phần mềm tại quận Long Biên và huyện Đông Anh.

Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố Hà Nội Đỗ Anh Tuấn nhìn nhận, những khu, cụm công nghiệp trên được hình thành không chỉ là chỗ cho “đại bàng” làm tổ, góp phần cơ cấu lại kinh tế Thủ đô dựa trên ứng dụng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, thành tựu của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư mà còn bảo đảm mục tiêu tăng trưởng nhanh, bền vững.

Song song với nhiệm vụ lâu dài, ngay lúc này, thành phố quan tâm tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy doanh nghiệp ổn định, phát triển sau dịch bệnh.

Ông Mai Sơn, Cục trưởng Cục Thuế thành phố Hà Nội nhấn mạnh, cơ quan thuế đang kích hoạt hàng loạt các chính sách gia hạn về thuế và tiền thuê đất, cải cách thủ tục hành chính giúp người dân, doanh nghiệp được hưởng ưu đãi về thuế, từ đó có thêm nguồn lực vượt qua dịch bệnh.

Qua rà soát, bước đầu, Cục Thuế Thành phố đã tiếp nhận giấy đề nghị gia hạn của gần 27.000 doanh nghiệp, tổ chức với số thuế đề nghị gia hạn khoảng 7.000 tỷ đồng; số tiền thuế đất đề nghị gia hạn khoảng 1.000 tỷ đồng; tiếp nhận giấy đề nghị gia hạn của gần 600 hộ kinh doanh với số thuế đề nghị gia hạn hơn 12 tỷ đồng...

Có thể thấy, dù trong bộn bền khó khăn trước tác động của dịch COVID-19, Hà Nội vẫn tạo được dấu ấn trong nhiều lĩnh vực kinh tế-xã hội. Thử thách và cơ hội luôn song hành, chiến thắng dịch bệnh sẽ là điểm tựa để tiếp tục vươn xa, đặc biệt là từ những đầu tàu tăng trưởng.

Diệu Anh

Top