Tạo ‘cú huých’ bứt phá cho ngành công nghiệp Thủ đô

01/08/2022 11:38 AM

(Chinhphu.vn) - Thời gian tới, TP. Hà Nội cần có thêm các khu công nghiệp có quy mô lớn theo hướng sản xuất công nghiệp sạch, công nghệ cao… để phục vụ cho xuất khẩu, nhằm tạo ra “cú huých” bứt phá cho ngành công nghiệp Thủ đô.

Tạo ‘cú huých’ bứt phá cho ngành công nghiệp Thủ đô - Ảnh 1.

TP. Hà Nội cần thêm các khu công nghiệp có quy mô lớn theo hướng sản xuất công nghiệp sạch, công nghệ cao. Ảnh minh họa

Tiến độ khởi công các cụm công nghiệp còn chậm

Theo Báo cáo của Sở Công Thương Hà Nội, thời gian qua, công tác phát triển công nghiệp, công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp chủ lực được quan tâm, đẩy mạnh. Sở đã tích cực phối hợp với các Sở, ngành liên quan, UBND các huyện, thị xã liên quan và các chủ đầu tư để đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện thủ tục khởi công đầu tư hạ tầng các cụm công nghiệp. Thành phố cũng đã có quyết định thành lập và triển khai công tác thành lập mới các cụm công nghiệp trên địa bàn.

Trong 6 tháng đầu năm 2022, Hà Nội đã khởi công được 4 cụm công nghiệp trên địa bàn huyện Thường Tín và Thạch Thất; đang thẩm định thành lập, mở rộng 21 cụm công nghiệp; báo cáo UBND Thành phố Họp Hội đồng đánh giá lựa chọn chủ đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật đối với 6 cụm công nghiệp trên địa bàn huyện Thường Tín, 2 cụm công nghiệp trên địa bàn huyện Thạch Thất.

Cũng theo Sở Công Thương Hà Nội, 70 cụm công nghiệp đang hoạt động đã thu hút được gần 3.900 hộ, doanh nghiệp vào đầu tư sản xuất kinh doanh với hơn 60.000 lao động, nộp ngân sách bình quân hằng năm khoảng 1.100 tỷ đồng.

Tuy nhiên, theo đánh giá của Sở Công Thương, đến nay quá trình triển khai thực hiện các cụm công nghiệp trên địa bàn còn chậm so với tiến độ; công tác giải phóng mặt bằng còn chậm, chưa đáp ứng tiến độ khởi công các cụm công nghiệp.

Mặc dù đã có chỉ đạo của UBND Thành phố và ý kiến góp ý của các sở ngành có liên quan nhưng đến nay một số huyện vẫn chưa phê duyệt quy hoạch chi tiết 1/500 cho các cụm công nghiệp trên địa bàn (huyện Thạch Thất, huyện Gia Lâm)…

Đại diện huyện Sóc Sơn cho biết, huyện đã rà soát toàn bộ cụm công nghiệp trên địa bàn, hiện có 5 cụm công nghiệp đang triển khai. Đề xuất Thành phố, Sở có những chính sách, giải pháp để phát triển công nghiệp sạch, logistics trên địa bàn huyện…

Sớm ban hành quy chế quản lý các cụm công nghiệp

Để từng bước phát triển ngành công nghiệp trên địa bàn Thành phố, bà Trần Thị Phương Lan, Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội khẳng định, thời gian tới, Sở tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các Sở, ngành, UBND các huyện liên quan tháo gỡ khó khăn, đôn đốc hoàn thành xây dựng hạ tầng kỹ thuật đối với 6 cụm công nghiệp đã khởi công; khởi công, đầu tư hạ tầng kỹ thuật 38 cụm công nghiệp đã có quyết định thành lập theo Kế hoạch năm 2022 (37 CCN được thành lập giai đoạn 2018-2020 và CCN Bình Minh - Cao Viên).

Đồng thời, triển khai xây dựng Chương trình phát triển các ngành công nghiệp ưu tiên TP. Hà Nội giai đoạn 2021-2025; Đề án chiến lược phát triển Công nghiệp địa phương để phù hợp với chiến lược phát triển của Thành phố và của vùng.

Song song với đó, tập trung nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ (CNHT), sản phẩm công nghiệp chủ lực (SPCNCL) Thành phố; thúc đẩy liên kết, hợp tác; tổ chức kết nối giữa doanh nghiệp CNHT, doanh nghiệp sản xuất SPCNCL với các ngân hàng thương mại, Quỹ tín dụng…; tổ chức Hội chợ CNHT TP. Hà Nội năm 2022; Hội chợ  triển lãm quốc tế trưng bày giới thiệu SPCNCL kết hợp mời đối tác nước ngoài vào giao dịch với các doanh nghiệp sản xuất SPCNCL tại triển lãm…

Ngoài ra, Sở sẽ tổ chức các hoạt động tuyên truyền về chính sách, định hướng phát triển CNHT, SPCNCL của UBND TP. Hà Nội tại các Khu, cụm công nghiệp và làng nghề tại các quận, huyện; tổ chức các hoạt động kết nối giữa doanh nghiệp CNHT, doanh nghiệp sản xuất SPCNCL với các cơ sở đào tạo, dạy nghề trong nước…

Đối với lĩnh vực tiểu thủ công nghiệp, bà Trần Thị Phương Lan cho biết, Sở sẽ tổ chức các lớp tập huấn nâng cao năng lực quản lý cho các doanh nghiệp, cơ sở công nghiệp nông thôn; phối hợp với các huyện, thị xã tổ chức lựa chọn, hỗ trợ các cơ sở công nghiệp nông thôn đầu tư máy móc, thiết bị, ứng dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại vào sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp…

Mới đây, tại Hội nghị sơ kết 6 tháng công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực công thương, Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền nhấn mạnh, tập trung vào phát triển các khu công nghiệp trên địa bàn Thành phố, vì đây là hạ tầng, mặt bằng phục vụ cho sản xuất, kinh doanh.

Để thực hiện tốt nhiệm vụ này, Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền yêu cầu, trước hết ngành Công Thương phải có phân công, phân nhiệm rõ ràng, bám sát chỉ đạo của Thành phố; đồng thời sớm ban hành quy chế quản lý các cụm công nghiệp trên địa bàn.

Đặc biệt, cần thúc đẩy thêm các khu công nghiệp có quy mô lớn theo hướng sản xuất công nghiệp sạch thân thiện với môi trường, công nghệ cao như vi mạch, thiết bị điện tử… để phục vụ cho xuất khẩu theo đường hàng không, nhằm tạo ra "cú huých" bứt phá cho ngành công nghiệp Thủ đô.

Phó Chủ tịch Thành phố cũng đề nghị, các sở ngành cần làm chuẩn chỉnh ngay từ công tác quy hoạch; kiên định trong vấn đề thu hút đầu tư vào các khu, cụm công nghiệp; hướng đưa các hộ dân sản xuất tại làng nghề ra các khu, cụm công nghiệp để hạn chế ô nhiễm tại các làng nghề.

Thùy Linh

Top