Tạo đà cho du lịch Thủ đô phục hồi

15/02/2022 4:18 PM

(Chinhphu.vn) - Hà Nội là trung tâm du lịch của cả nước. Với những giá trị văn hóa truyền thống ngàn đời, những trầm tích và cuộc sống sinh hoạt đa màu sắc của Thủ đô ngàn năm văn hiến là “thỏi nam châm” thu hút khách ngoại quốc. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, Hà Nội cũng như nhiều địa phương khác đang nỗ lực phục hồi ngành du lịch một cách bền vững.

Tạo đà cho du lịch Thủ đô phục hồi - Ảnh 1.

Ngôi nhà Di sản địa điểm thu hút đông đảo du khách trong và ngoài nước mỗi khi đến Thủ đô. Ảnh: VGP/Nguyên Phương

Hà Nội sẵn sàng phục hồi du lịch trong 'bình thường mới'

Trước khó khăn của ngành du lịch sau 2 năm chịu ảnh hưởng của dịch COVID-19, khách du lịch đến Hà Nội giảm sâu và chỉ bao gồm khách du lịch nội địa với 4 triệu lượt khách (bằng 53% lượng khách nội địa năm 2020 và bằng 36,3% kế hoạch đề ra), thành phố đã xây dựng lộ trình từng bước phục hồi, phát triển du lịch, vừa thực hiện hiệu quả nhiệm vụ phòng, chống dịch, vừa thực hiện các chỉ tiêu kinh tế - xã hội của Thành phố trong các năm 2022-2023.

Mới đây, ngày 10/2, UBND thành phố Hà Nội ban hành hành Kế hoạch số 43/KH-UBND về phục hồi, phát triển hoạt động du lịch Thủ đô Hà Nội thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 năm 2022-2023.

Theo đó, kịch bản và lộ trình mở cửa, phục hồi du lịch Hà Nội có 2 giai đoạn. Giai đoạn 1 (quý I và II-2022): Tổ chức các hoạt động đón và phục vụ khách du lịch tại các tỉnh, thành phố trong cả nước gắn với quy trình kiểm soát phòng, chống dịch an toàn. Chuẩn bị sẵn sàng các nguồn lực, điều kiện để đón khách du lịch quốc tế khi được Chính phủ cho phép. Các hoạt động du lịch được tổ chức theo các quy định cấp độ dịch của thành phố. Trường hợp dịch bệnh diễn biến phức tạp sẽ giảm quy mô và phạm vi của các loại hình hoạt động phù hợp với tình hình kiểm soát dịch bệnh.

Giai đoạn 2 (từ quý III-2022): Dự kiến khôi phục tất cả hoạt động và sản phẩm du lịch trên địa bàn thành phố, không giới hạn loại hình, quy mô và phạm vi của các hoạt động du lịch trong điều kiện thích ứng an toàn với dịch COVID-19. Triển khai kế hoạch đón khách du lịch quốc tế theo lộ trình mở cửa đón khách du lịch quốc tế của Chính phủ, tập trung vào các thị trường du lịch trọng điểm, có độ bao phủ vắc xin cao và kiểm soát tốt dịch bệnh.

UBND Thành phố cũng yêu cầu các hoạt động đón và phục vụ khách du lịch bảo đảm tuyệt đối quy định, điều kiện về phòng, chống dịch và tiêu chí về đánh giá an toàn trong phòng, chống dịch COVID-19 đối với hoạt động du lịch theo hướng dẫn của Bộ Y tế; Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; UBND thành phố.

Với lộ trình này, Hà Nội kỳ vọng sẽ từng bước phục hồi ngành Du lịch Thủ đô, tiến tới mở cửa toàn bộ hoạt động du lịch trở lại bình thường trong năm 2022, phấn đấu đón và phục vụ từ 9 đến 10 triệu lượt khách, trong đó có từ 1,2 đến 2 triệu lượt khách quốc tế. Tổng thu từ khách du lịch dự kiến từ 27,84-35,84 nghìn tỷ đồng. Phấn đấu năm 2023, Hà Nội đón và phục vụ từ 12-14 triệu lượt khách, trong đó có 2,5-3,5 triệu lượt khách quốc tế. Tổng thu từ khách du lịch dự kiến từ 42,78-55,78 nghìn tỷ đồng.

UBND Thành phố yêu cầu Sở Du lịch và các sở, ngành liên quan thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, như: Triển khai các giải pháp bảo đảm an toàn tại các điểm đến, cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch theo các quy định; xây dựng các sản phẩm du lịch đa dạng, độc đáo, hấp dẫn; tăng cường hoạt động quảng bá, xúc tiến thu hút khách du lịch; đẩy mạnh chuyển đổi số trong hoạt động du lịch; hỗ trợ doanh nghiệp, người lao động trong lĩnh vực du lịch; hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực…

Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Đặng Hương Giang cho biết, việc mở cửa để đón khách du lịch là một trong những giải pháp để phục hồi, phát triển du lịch Thủ đô nói riêng và du lịch Việt Nam nói chung. Việc cần làm lúc này là các đơn vị, doanh nghiệp phải chuẩn bị các điều kiện, kế hoạch để sẵn sàng đón khách, trước mắt là khách nội địa, tiến tới đón khách quốc tế.

Tạo đà cho du lịch Thủ đô phục hồi - Ảnh 2.

Ảnh: VGP/Nguyên Phương

Hiện nay, hệ thống các điểm tham quan, di tích tại phố cổ Hà Nội và khu vực Hồ Hoàn Kiếm: Đình Đồng Lạc, Trung tâm văn hóa nghệ thuật - Hội Quán Quảng Đông, Đình Kim Ngân, Trung tâm giao lưu Văn hóa phố cổ Hà Nội, Đền Quan Đế, Ngôi nhà Di sản (Hoàn Kiếm)…, các di sản văn hóa, đền, đình, chùa, hay các địa điểm du lịch ở ngoại thành Hà Nội, các làng nghề truyền thống luôn là những địa chỉ bỏ túi của khách du lịch đến với Thủ đô Hà Nội.

Nhiều điểm đến trong đó từng thu hút đông đảo du khách trước khi xảy ra đại dịch COVID-19. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch nên cũng như tình trạng chung của du lịch cả nước, các điểm đến của du lịch Hà Nội đều bị ảnh hưởng nghiêm trọng, lượt khách tham quan sụt giảm mạnh.

Tuy nhiên, cùng với cả nước, Hà Nội đang triển khai thực hiện Nghị quyết số 128/NQ-CP ngày 11-10-2021 của Chính phủ ban hành quy định tạm thời "thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19". Các di tích đã được mở cửa trở lại chào đón du khách đến dịp đầu năm đang là những tín hiệu vui cho khách du lịch đến Thủ đô.

Trung tâm Xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch TP. Hà Nội phối hợp cùng Ban Quản lý Hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội, Ban Quản lý Làng Văn hóa-Du lịch các Dân tộc Việt Nam, Ban Quản lý Di tích làng cổ Đường Lâm… cùng 20 doanh nghiệp lữ hành về công tác phối hợp xây dựng sản phẩm du lịch, tổ chức các hoạt động, sự kiện du lịch, quảng bá du lịch…

Ông Bùi Duy Quang, Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch TP. Hà Nội đặt mục tiêu và hy vọng các cơ quan quản lý nhà nước sẽ phối hợp, tạo điều kiện để các doanh nghiệp du lịch, lữ hành xây dựng bằng được các sản phẩm du lịch mới. Đó là các sản phẩm du lịch phải mang tính xâu chuỗi; ứng dụng công nghệ; có thể là những sản phẩm khép kín bảo đảm chất lượng chuyến đi, an toàn phòng chống dịch, an toàn vệ sinh thực phẩm…

Bà Trần Thị Thúy Lan, Phó trưởng Ban Quản lý Hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội cho biết: "Hà Nội với phố cổ và hồ Hoàn Kiếm vốn là điểm đến ưa thích của nhiều du khách, đặc biệt du khách quốc tế. Tuy nhiên, vì ảnh hưởng của dịch COVID-19 nên các hoạt động du lịch ở khu vực này đều bị đứt gãy. Thời gian qua, để tìm cách thích ứng, chúng tôi đã lên kế hoạch kết hợp giáo dục di sản online cho các trường học, sắp tới sẽ được triển khai".

Là người có nhiều năm kinh nghiệm làm trong ngành du lịch và cũng rất yêu Hà Nội, ông Nguyễn Tiến Đạt, Giám đốc Công ty du lịch AZA Travel nêu ý tưởng về sản phẩm du lịch được thổi hồn bằng văn hóa, bằng các hoạt động trình diễn sinh động, kết nối thành câu chuyện hình thành phát triển của Hà Nội. Để có những sản phẩm du lịch như vậy, vai trò của thuyết minh viên vô cùng quan trọng, Hà Nội cần chú ý đào tạo những hướng dẫn viên chuyên tuyến.

"Chúng ta cũng có thể biến Hà Nội thành trung tâm giới thiệu làng nghề hay có những tour ẩm thực. AZA Travel đang lên ý tưởng về sản phẩm tour kết nối dùng công nghệ mà ngay cả trong thời kỳ dịch bùng phát vẫn thực hiện được. Chúng tôi mong nhận được sự hỗ trợ, ủng hộ mạnh mẽ từ cơ quan quản lý nhà nước, kể cả trong vấn đề bảo vệ bản quyền ý tưởng, để sớm triển khai sản phẩm này", ông Nguyễn Tiến Đạt đề xuất.

Ông Nguyễn Hồng Vinh, Chủ tịch Tập đoàn Vinh Quang, Chủ tịch Glory Resort chia sẻ: "Thường khu nghỉ dưỡng chỉ đông khách vào dịp cuối tuần. Hơn nữa, hiện nay, cứ cách hai ngày, toàn bộ nhân viên của khu nghỉ dưỡng được thực hiện xét nghiệm COVID-19. Tất cả khách đến Glory Resort cũng được làm xét nghiệm miễn phí. Để khách yên tâm, thoải mái tận hưởng những ngày nghỉ quý giá tại đây, chúng tôi sẵn sàng làm mọi biện pháp để phòng dịch an toàn.

Như vậy, những hoạt động du lịch trong thời gian tới của doanh nghiệp, điểm du lịch ở Thủ đô cần sự hỗ trợ từ nhiều phía trong giai đoạn khó khăn này.

Nguyên Phương

Top